Dư địa mở rộng không gian tăng trưởng - Ảnh 1
Dư địa mở rộng không gian tăng trưởng - Ảnh 2

“Mở rộng thương mại quốc tế và xuất nhập khẩu tác động rất lớn tới kinh tế Việt Nam, đến tăng trưởng GDP và đầu tư nước ngoài. Hiện chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, là thành viên tích cực của 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam là một trong 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Đặc biệt, Việt Nam là nước đứng đầu trong 15 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thu hút FDI; trong top 46 nước đứng đầu thế giới về Chỉ số đổi mới và sáng tạo.

Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng bình quân GDP trong 3 năm liên tiếp (2021-2023) ở mức 5,2% - mức cao trong khu vực và trên thế giới. 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,42%. Trong thời gian tới, có nhiều tín hiệu cho thấy mức độ tăng trưởng của Việt Nam cũng rất khả quan.

Kết quả này có được do Việt Nam ngày càng mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế cả về chiều rộng và sâu. Chúng ta không chỉ ký nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nhất mà còn là những FTA có chất lượng. Trong 16 FTA ký được, 15 FTA đã có hiệu lực, bao gồm cả song phương và đa phương.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang đàm phán 3 FTA trong đó 1 FTA là CEPA (ký với UAE) đã hoàn thành 99%, dự kiến tháng tới sẽ kết thúc. Như vậy, chúng ta đã có quan hệ với 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên gần như toàn bộ các châu lục (trừ châu Phi), chiếm tới 90% GDP toàn cầu. Điều này khiến Việt Nam trở thành một mắt xích rất quan trọng trong thương mại toàn cầu.

Dư địa mở rộng không gian tăng trưởng - Ảnh 3

Đặc biệt, thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam đã mở rộng trên cả 2 góc độ theo hướng đa phương hóa và đa dạng hóa kinh tế. Hàng hóa của Việt Nam đã có mặt trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước đây, 60% hàng hóa nước ta xuất khẩu sang các thị trường khu vực châu Á và Đông Bắc Á; tuy nhiên, nhờ có các FTA, xuất khẩu của Việt Nam đã chuyển hướng tăng mạnh sang khu vực châu Mỹ (năm 2013 tăng 21%, 10 năm sau tăng lên 34,1%) và châu Âu.

Quy mô xuất khẩu cũng có sự tăng trưởng tích cực. 10 năm trước đây (năm 2012) chúng ta chỉ có 24 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, thì đến năm 2022 đã có 33 thị trường xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có tới 6 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 16 thị trường xuất khẩu có kim ngạch trên 5 tỷ USD. Hàng hóa Việt Nam đã đạt mức tiệm cận cao nhất thế giới về chất lượng.

Song, bên cạnh những cơ hội do các FTA mang lại cho xuất khẩu từ việc gỡ bỏ các rào cản thuế quan, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Đó là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường quốc tế, phải đáp ứng các cam kết tiêu chuẩn có chất lượng cao cũng như tốc độ và quy mô sản xuất, những rào cản kỹ thuật (vệ sinh an toàn thực phẩm) và quy định môi trường - sản xuất xanh…

Theo tôi, Việt Nam có cơ hội nhiều hơn thách thức. Thách thức có thể hạn chế được bằng việc nỗ lực đáp ứng các yêu cầu của thị trường toàn cầu. Chính phủ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai và thực thi các FTA đã có hiệu lực trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… để tận dụng được những lợi thế mà các FTA mang lại, các doanh nghiệp phải luôn cập nhật những thông tin mới, hướng dẫn, đào tạo đội ngũ nhân viên tiếp cận và tận dụng FTA một cách triệt để.

Doanh nghiệp bám sát thông tin, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng để chủ động đáp ứng các thay đổi trong thương mại quốc tế. Ngoài ra, doanh nghiệp cần sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các FTA”.

Dư địa mở rộng không gian tăng trưởng - Ảnh 4

“Muốn mở rộng không gian tăng trưởng thì trước tiên phải củng cố không gian tăng trưởng. Tôi cho rằng Việt Nam đã phát triển qua 4 giai đoạn của đổi mới kinh tế. Những năm cuối thập niên 80 (thế kỷ XX) là chúng ta bắt đầu đổi mới; giai đoạn những năm 90 gọi là bắt kịp; nửa đầu thập niên 2000 là hội nhập khi chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đến nay là giai đoạn tăng tốc bởi vì có 3 năm tăng trưởng GDP trên 7%. Giai đoạn thứ 5 sắp tới là thời kỳ củng cố nền tảng tăng trưởng.

Có 2 đặc điểm trong 4 giai đoạn trước là cứ khi nào Việt Nam mở cửa, nới lỏng với thị trường, cho thị trường được phát triển tự do thì kinh tế phát triển rất nhanh. Đầu tiên là cuối thập niêm 80, Khoán 10, Khoán 100 đã giúp Việt Nam từ chỗ thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu lương thực thuộc top đầu trên thế giới chỉ sau vài năm. 

Trong giai đoạn thứ 5,  câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ cố gắng quản lý nền kinh tế hay ưu tiên tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế? Nếu không trả lời dứt khoát được câu hỏi này thì nền kinh tế của chúng ta cứ lình xình mãi. Một nền kinh tế với quy mô khoảng 30 tỷ USD muốn tăng lên 400 tỷ USD thì 20 bộ, ngành không quản lý nổi, mà phải có những thiết chế rõ ràng cho thị tường tự điều tiết.

Dư địa mở rộng không gian tăng trưởng - Ảnh 5

Mặc dù độ mở về thương mại rất lớn, lên tới 200% GDP, nhưng nền kinh tế của Việt Nam chưa mở.

Nếu nhìn vào tất cả những thị trường cơ bản cấu tạo nên một nền kinh tế như thị trường như đất đai, bất động sản, thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường khoa học và công nghệ, nền tảng của thị trường là cộng đồng doanh nghiệp, thì sẽ thấy độ mở của nền kinh tế còn thấp. Hiện nay Việt Nam có khoảng 1 triệu doanh nghiệp nhưng đến 97-98% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; số doanh nghiệp vừa chỉ khoảng 1%, còn doanh nghiệp lớn thì chỉ có rất ít.

Về mặt lý thuyết, Việt Nam và Trung Quốc mở cửa nền kinh tế một cách từ từ, bắt đầu bằng thương mại sau đó tiến dần vào thị trường tài chính - ngân hàng và các lĩnh vực nhạy cảm hơn. Ngược lại, một số quốc gia Đông Á đã mở cửa thị trường tài chính - ngân hàng trước, dẫn đến cuộc khủng hoảng những năm cuối thập niên 90 (thế kỷ XX). Có thể Việt Nam và Trung Quốc rút kinh nghiệm, coi đó là một bài học để điều chỉnh chiến lược mở cửa nền kinh tế.

Đến nay, câu hỏi đặt ra là: Nếu tăng độ mở của thương mại lên 300%, nghĩa là kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 3 lần GDP, thì các thị trường thành tố trong nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có đáp ứng được không?

Hiện nay, khi kim ngạch xuất nhập khẩu mới gấp đôi GDP thì các thị trường thành tố trong nước đã không đáp ứng được. Việt Nam chưa có thị trường vốn một cách đầy đủ, nhà đầu tư nước ngoài tham gia cũng bị hạn chế bởi các yếu tố góp vốn cổ phần, thị trường ngân hàng cũng là thị trường nhạy cảm, nhà đầu tư nước ngoài cũng không được tham gia nhiều. Với thị trường đất đai, cứ khoảng 10 năm lại sửa đổi luật một lần nhưng vẫn chưa có thị trường đất đai, bất động sản đúng nghĩa.

Hầu hết các thị trường thành tố quan trọng của nền kinh tế đều có vấn đề và có độ vênh lớn đối với sự mở cửa của thị trường thương mại”.

Dư địa mở rộng không gian tăng trưởng - Ảnh 6

“Những thay đổi địa chính trị, đầu tư, chuỗi cung ứng,... cho thấy thế giới đang chuyển dịch rất sâu sắc. Có lẽ đây là lần đầu tiên mà nhiều nhân tố cùng đọng lại: kinh tế, phi kinh tế; truyền thống, phi truyền thống; đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh. Về cơ hội thu hút FDI của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, có một số điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn làm dịch chuyển về đầu tư, đáng chú ý là sự dịch chuyển này hướng đến những khu vực thuận lợi cho Việt Nam.

Thứ hai, cùng với sự chuyển dịch của các luồng đầu tư, có cả câu chuyện về dịch chuyển các chuỗi cung ứng sản xuất và thương mại. Do những yếu tố này đan xen với nhau nên phải tranh thủ tận dụng đồng thời cả sự chuyển dịch đầu tư và chuyển dịch thương mại.

Thứ ba, các nước phát triển, nhất là Mỹ và phương Tây đang có xu hướng hướng nội nhiều hơn. Họ áp dụng các chính sách công nghiệp mới thúc đẩy dòng vốn đầu tư quay lại trong nước. Bên cạnh đó, nguồn tài chính cũng hạn hẹp đi do khó khăn kinh tế.

Theo đó, những tiêu chuẩn mới, hạn chế hơn sẽ được áp dụng, đi kèm với đó là xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, dựa trên xu hướng đổi mới sáng tạo. Các quốc gia và doanh nghiệp cần phải chú ý để thích ứng được với các thay đổi trên.

Dư địa mở rộng không gian tăng trưởng - Ảnh 7

Việt Nam đang ở một vị thế thuận lợi, có thể tranh thủ được những luồng đầu tư từ các bên dù giữa họ đang có sự cạnh tranh chiến lược với nhau, trong đó điển hình là Mỹ và Trung Quốc. Để tận dụng được những luồng đầu tư này, Việt Nam cần chú ý một số điểm.

Một, lựa chọn đối tác thuận lợi nhất cho mình và hướng tới các mục tiêu nâng cao bản thân.

Hai, cần đề phòng sự chuyển dịch ngược trong các luồng đầu tư. Chuyển dịch thông thường có cả chất lượng cao và thấp. Những xu hướng chuyển dịch giảm rủi ro và đưa dây chuyền về các khu vực đồng minh thường có chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng có những luồng đầu tư thông thường đến những phân khúc thấp hơn, trong đó có hướng tới Việt Nam.

Khi cạnh tranh nước lớn gia tăng, Việt Nam có thể tranh thủ tận dụng được cơ hội từ các bên, nhưng nguy cơ có quá nhiều sản phẩm chuyển dịch sang Việt Nam, dẫn đến tình trạng sản xuất quá mức, làm thao túng thị trường các quốc gia khác. Trong thời gian gần đây, Indonesia đã phải đánh thuế vào cả hàng hóa Trung Quốc vì lo ngại những mặt hàng này tràn vào thị trường.

Ba, các luồng đầu tư và chuỗi cung ứng sản xuất dịch chuyển sang những địa bàn có lợi về kinh tế và đáng tin cậy về mặt an ninh, trong đó có Việt Nam. Nhưng do Việt Nam nằm trong khu vực tăng trưởng kinh tế năng động, đồng thời có sự cạnh tranh gay gắt để tận dụng các sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư, nên Việt Nam cần phải tìm cách vượt qua các nước khác trong khu vực.

Bốn, khung chính sách và giải quyết vấn đề thực tế của Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn, ảnh hưởng đến các dự án đang được tiến hành và cả các dự án trong tương lai. Mặc dù sự tranh thủ những luồng đầu tư mới và chính sách vĩ mô của Việt Nam đang diễn ra thuận lợi, được thể hiện trong các tuyên bố và cam kết của Chính phủ, nhưng quá trình giải quyết các vấn đề thực tế không hề đơn giản.

Khi đánh giá từ góc độ chính trị, đối ngoại, với các sự kiện phức tạp đang diễn ra trên thế giới, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn, cho phép chúng ta bứt phá theo cách có chọn lọc, theo đúng tiêu chí của Việt Nam. Đó là cơ hội nhận được sự chuyển giao công nghệ, được hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi xanh dựa trên đổi mới sáng tạo. Nếu nắm bắt được những cơ hội này thì Việt Nam có thể bứt phá; tuy nhiên, thời cơ tận dụng cơ hội không kéo dài, nên phải hành động càng nhanh càng tốt”.

Dư địa mở rộng không gian tăng trưởng - Ảnh 8

“Các nhà đầu tư khi chọn thị trường Việt Nam là điểm đến thì điều mà họ quan tâm nhiều nhất là môi trường kinh doanh. Vì vậy, Việt Nam cần có sự cải cách, điều chỉnh để nhà đầu tư thực sự thấy đây là cơ hội tốt và đồng hành cùng nền kinh tế, mở rộng không gian tăng trưởng kinh tế của chúng ta.

Thứ nhất, về mở rộng không gian tăng trưởng kinh tế xanh cũng như mở rộng không gian tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải có những bộ tiêu chí để có thể đánh giá. Do đó, cần hoàn thiện bộ chỉ số tính toán, phân tích đánh giá chuẩn xác.

Thứ hai, thất nghiệp và chỉ số thất nghiệp trong tổng thống kê đã có khoảng 2,3 - 2,4% bất chấp trừ điểm kinh tế. Có sự lạc nhịp ở đây cần phân tích chuẩn. Về tăng trưởng kinh tế và về tiêu dùng, sản xuất, có rất nhiều bộ chỉ số cung cấp cho chúng ta nhiều góc nhìn khác nhau. Chúng ta cần phải triển khai để có góc nhìn toàn diện về nền kinh tế hiện hữu, sau đó mới mở rộng không gian tăng trưởng.

Việt Nam có nhiều lợi thế: (i) sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, đây là lợi thế cho cho chúng ta vì sự chuyển dịch chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ diễn ra; (ii) sự ổn định, trước kia, doanh nghiệp quan tâm nhất là chi phí, nhưng hiện nay sự ổn định mới là quan trọng ; (iii) sự ổn định về chính sách kinh tế, đây là lợi thế lớn.

Dư địa mở rộng không gian tăng trưởng - Ảnh 9

Nhìn lại 15 năm vừa qua, khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở phía Bắc, chúng ta có sự kết nối tới vùng Quảng Châu 300 triệu dân, dẫn đến cơ sở hạ tầng là lợi thế hiện tại của chúng ta so với 5 - 10 năm trước. Nhưng câu hỏi đặt ra là: 5 – 10 năm sau nữa có đạt được cơ sở hạ tầng để kết nối miền Bắc và miền Nam hay không?

Về đầu tư FDI, đầu tư về sản xuất chủ yếu ở miền Bắc nhưng tiêu dùng lại tập trung về miền Nam, chúng ta cần dung hòa điều này.

Về thách thức và hạn chế: hệ sinh thái còn yếu, không đủ đề thu hút đầu tư; thủ tục hành chính còn chậm, điều này cũng đã nói nhiều rồi, như trường hợp của Intel gần đây, họ viết email cho chúng ta nhưng gần 3 tuần vẫn chưa nhận được trả lời. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh của chúng ta có ban tư vấn 24/7 về thu hút đầu tư, do đó trong tương lai chúng ta không thể dựa trên “hữu xạ tự nhiên hương” mãi được.

Vấn đề năng lượng là vấn đề lớn trong xu thế AI, Data Center,… nên cần có chính sách rõ nét, đảm bảo làm cho nhà đầu tư cảm thấy an toàn.

Trước kia Việt Nam có lợi thế về nhân lực, nhưng bây giờ là bất lợi thế, nhân lực bắt đầu già hóa, cả nhân lực cấp cao và cấp thấp. Hiện chúng ta bắt đầu khó thu hút hơn về nhân lực. Việt Nam hiện làm tốt nhất là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Tài khóa chính là chính sách thuế, khi muốn phát triển một ngành nào đó thì giảm thuế và giảm thuế một cách hiệu quả.

Tóm lại, cơ hội để mở rộng không gian cho tăng trưởng từ góc độ thu hút FDI và xuất nhập khẩu không còn nhiều. Cách đây 17 năm khi tôi tham gia Dragon Capital thì tuổi bình quân của lao động Việt Nam là 29 tuổi, nhưng hiện nay đã là 37 tuổi. Chúng ta đang già đi, cơ hội trong khoảng 10 - 15 năm đã hết. Nếu chúng ta không quyết liệt, cơ hội sẽ không còn.

Số liệu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của chúng ta rất đẹp, nhưng trong 5 năm khối ngoại bán ròng 7 tỷ USD, gần như mỗi quý đều bán. Vấn đề đặt ra là chúng ta tập trung rất nhiều nguồn lực, trí tuệ, thảo luận,… về nguồn vốn nước ngoài, trong khi lại thiếu quan tâm đến nguồn vốn (không tính đi vay mượn) của doanh nghiệp trong nước, như vậy, có lẽ hơi thiếu một “chân””.

Dư địa mở rộng không gian tăng trưởng - Ảnh 10

VnEconomy 15/07/2024 15:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2024, phát hành ngày 15/07/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Dư địa mở rộng không gian tăng trưởng - Ảnh 11