Founder & CEO Educa: Khởi nghiệp để giải quyết “nỗi đau” về tiếng Anh của bản thân… - Ảnh 1
Founder & CEO Educa: Khởi nghiệp để giải quyết “nỗi đau” về tiếng Anh của bản thân… - Ảnh 2

Được biết, mới đây Educa đã huy động thành công 14 triệu USD tại vòng gọi vốn series A. Vậy không biết anh có thể chia sẻ với Seal the Deals về câu chuyện gọi vốn lần này và hai bên đã gặp nhau ở thời điểm nào, mất bao lâu để thương vụ được chốt?

Lúc mới gặp nhà đầu tư mình cũng chưa sẵn sàng gọi vốn. Tuy nhiên, nhà đầu tư này lại là một người nắm rất rõ thị trường, nên họ đã chủ động tiếp xúc với mình. Mặc dù mình đã nói là một thời gian nữa nhưng họ vẫn chủ động hẹn gặp. Trong quá trình gặp và trao đổi, hai bên cũng thấy có nhiều điểm chung. Định hướng của nhà đầu tư là dài hạn, hỗ trợ các doanh nghiệp, startup nên hai bên sớm tìm được tiếng nói chung. Thật sự trong quá trình ấy, Educa không chủ động tìm kiếm nhà đầu tư, điều này giống như một cái duyên vậy.

Còn về thời gian, giống như các đợt gọi vốn khác, chúng tôi đã trải qua quá trình từ 6-9 tháng để hoàn thành.

Educa từng thành công gọi vốn 2 triệu USD vào năm ngoái, nay tiếp tục huy động được 14 triệu USD trong vòng gọi vốn vừa qua. Được các nhà đầu tư tin tưởng và liên tục rót vốn như vậy có khiến anh cảm thấy áp lực?

Thú thật là có. Khi mình nhận tiền vốn từ các nhà đầu tư, mình cũng cảm thấy cần có trách nhiệm hơn. Mình phải cố gắng làm sao để kết quả công ty thu về sẽ là sự tăng trưởng, phát triển để thể hiện uy tín của công ty cũng như uy tín của cá nhân mình.

Educa dự định sẽ sử dụng số tiền gọi vốn này vào kế hoạch cụ thể như thế nào?

Trước hết, bọn mình tập trung đầu tư vào sản phẩm, đầu tư mạnh vào công nghệ để tăng thêm giá trị cho người dùng, hay còn gọi là đầu tư cho lâu dài. Một phần nữa, bọn mình sẽ mở rộng mạng lưới kinh doanh, đẩy mạnh phát triển khách hàng cũng như doanh thu.

Song song với đó, Educa đang có kế hoạch triển khai đầu tư ra các thị trường trong khu vực, cụ thể là Thái Lan và Indonesia. Bọn mình sẽ sử dụng số vốn vào 3 việc chính đó.

Founder & CEO Educa: Khởi nghiệp để giải quyết “nỗi đau” về tiếng Anh của bản thân… - Ảnh 3

Trở ngược lại quá khứ một chút, tại sao anh lại lựa chọn trở thành startup trong lĩnh vực edtech, ở đây cụ thể hơn là ứng dụng học tiếng Anh?

Trước đây mình từng phụ trách mảng dịch vụ nội dung số của Viettel. Trong thời gian làm ở đấy mình đã nhận ra xu hướng chuyển dịch số xảy ra tại tất cả các ngành, trong đó những ngành tiềm năng nhất bao gồm cả giáo dục, y tế. Khi ra khởi nghiệp, mình dự định làm về giáo dục, đó cũng giống như niềm đam mê của mình.

Tại sao lại là tiếng Anh? Cái này cũng xuất phát từ bản thân mình là một người sống ở vùng nông thôn và điều kiện học tiếng Anh cũng khá là thấp, thế nên tiếng Anh là nỗi đau của mình, và rất nhiều người ở quê mình cũng vậy. Khi rời Viettel, đã có một khoảng thời gian mình đi đây đi đó, trở về quê và nhận thấy điều kiện học tiếng Anh, đặc biệt là các vùng ngoại tỉnh còn thua kém rất nhiều, so với các thành phố lớn. Đó là lý do tại sao mình chọn tiếng Anh cho học sinh để khởi đầu.

Như có ai đó đã từng nói, ở đâu có vấn đề, ở đó có cơ hội. Mình thấy tiếng Anh là vấn đề của đại đa số người dân Việt Nam và đấy cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp.

Founder & CEO Educa: Khởi nghiệp để giải quyết “nỗi đau” về tiếng Anh của bản thân… - Ảnh 4

Những ngày đầu mới khởi nghiệp Educa, anh có gặp nhiều khó khăn hay không? Và anh đã dựa vào niềm tin nào để vượt qua các khó khăn đó?

Mình có một câu chuyện rất hay kể lại cho các bạn nhân viên. Thật ra cũng không phải là một câu chuyện mà là nhiều câu chuyện. Đó là những lần mình đi gặp khách hàng, gặp các em bé ở các vùng nông thôn, các tỉnh. Khi mình gặp 1 em bé, bé nói tiếng Anh rất tốt, phát âm rất chuẩn. Mình có hỏi mẹ cháu bé là cháu học tiếng Anh ở trung tâm, với người nước ngoài nào mà nói tiếng Anh tốt thế? Chị ấy bảo không, bé chỉ học chương trình của chú thôi, nhưng cháu hay ngồi nói đi nói lại với máy, bắt chước theo giọng cô giáo.

Mình thấy sản phẩm của mình đã thật sự mang lại giá trị cho khách hàng, giúp khách hàng cũng như các em học sinh ở các tỉnh. Mình cảm thấy rất vui và tin rằng có thể giúp được nhiều người và việc công ty mình thành công chỉ còn là vấn đề thời gian.

Gây dựng công ty khởi nghiệp được biết đến là một hành trình gian nan và nhiều cô đơn, có khi nào anh từng muốn từ bỏ để lựa chọn con đường dễ dàng hơn hay không?

Thật sự khởi nghiệp là một hành trình rất cô đơn. Trước khi khởi nghiệp, bạn bè, những người làm việc ở bên ngoài đã nói cho mình biết điều đấy và mình cũng chuẩn bị tinh thần.

Còn về việc đã bao giờ có ý định từ bỏ chưa thì câu trả lời là không. Chắc là do mình được tôi luyện trong môi trường Viettel, môi trường quân đội, nên mình không có khái niệm bỏ cuộc.

Founder & CEO Educa: Khởi nghiệp để giải quyết “nỗi đau” về tiếng Anh của bản thân… - Ảnh 5

Theo anh thì đâu là những mốc tăng trưởng tích cực, ghi nhận sự bật lên của Educa và Edupia?

Thật ra là cũng không có thời điểm cụ thể. Từ lúc bắt đầu cho đến bây giờ tuy chưa thể gọi là thành công nhưng công ty cũng phát triển rất đều đặn, với tốc độ nhanh. Tuy nhiên nếu muốn nói thời điểm, đó có thể là khoảng thời gian sau gần 1 năm thành lập bọn mình đã đạt được đến điểm gần hoà vốn. Lúc đó mình rất tự tin với khả năng mở rộng kinh doan rất cao.. Lúc ấy, kể cả mình gọi vốn, vay tiền hay đầu tư tiếp, mình rất tự tin phát triển. Đó là dấu mốc nhỏ để đánh dấu sự phát triển của công ty.

Founder & CEO Educa: Khởi nghiệp để giải quyết “nỗi đau” về tiếng Anh của bản thân… - Ảnh 6

Đâu là điểm khác biệt lớn nhất khiến cho các nhà đầu tư cũng như khách hàng đặt cược vào sản phẩm của Educa và Edupia?

Mình nghĩ các nhà đầu tư chọn Educa bởi vì Edupia là một mô hình gần như là duy nhất trên thị trường, một mô hình độc nhất. Bọn mình không định nghĩa Edupia và Babilala là một app tiếng Anh, mà bọn mình coi đó như trường học ảo, trường học số. Ở đó, học sinh không chỉ được học mà còn có sự tham gia của đội ngũ ban giáo vụ kèm cặp các em, các hoạt động ngoại khóa cho các em có môi trường giao tiếp.

Từ đó, trình độ của các em học sinh sẽ tăng lên, bố mẹ có thể yên tâm gửi con học trên Edupia giống như yên tâm gửi con ở trường hay một trung tâm tiếng Anh nào khác. Đấy là điểm khác biệt nhất của Edupia khi thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó bọn mình cũng kết hợp song song hai mô hình là học trên Edupia và học gia sư trên Edupia Tutor. Hai mô hình này có sự tương hỗ lẫn nhau. Bọn mình có rất nhiều khách hàng học trên Edupia khi chuyển sang chương trình gia sư của Edupia Tutor, chi phí chuyển đổi rất thấp, tạo cơ hội phát triển trong tương lai rất lớn.

Founder & CEO Educa: Khởi nghiệp để giải quyết “nỗi đau” về tiếng Anh của bản thân… - Ảnh 7

Covid-19 được xem là một cú hích rất quan trọng trong hai năm vừa qua, khi mà nhiều nền tảng online đã phát triển bùng nổ. Khi mà Covid 19 lắng xuống, học sinh cũng như phụ huynh sẽ có những nhu cầu đi học trực tiếp ở bên ngoài, nhất là học ngoại ngữ để có thể giao tiếp hiệu quả hơn. Vậy thì liệu những ứng dụng học tiếng Anh và dạy tiếng Anh sẽ có còn thu hút?

Nếu không có Covid-19, dịch chuyển sang online vẫn là một xu hướng tất yếu. Mô hình online có những điểm lợi thế so với mô hình truyền thống, chẳng hạn như không bị hạn chế về địa điểm. Mở trung tâm tiếng Anh không thể mở ở đâu cũng được vì còn liên quan đến bài toán hiệu quả và chi phí, còn với mô hình online, khách hàng có thể ở bất cứ đâu cũng truy cập được.

Thứ hai là mức giá. Mô hình online sẽ có rất nhiều mức giá và giúp tiết kiệm cho khách hàng. Ngoài ra, khách hàng không phải lo lắng về thời gian đưa đón con. Tất cả lý do sẽ thúc đẩy mô hình online ngày càng phát triển. Dịch Covid-19 có thể đã thúc đẩy trào lưu học online trong ngắn hạn, và sau khi dịch kết thúc, lớp học online cũng có phần giảm nhẹ. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ không thay đổi.

Founder & CEO Educa: Khởi nghiệp để giải quyết “nỗi đau” về tiếng Anh của bản thân… - Ảnh 8

Là một nhà sáng lập trong lĩnh vực Edtech, theo quan sát của anh, trước và sau dịch Covid-19, thị trường edtech và hành vi người dùng đã có những thay đổi như thế nào?

Có một điểm rất thuận lợi với các Edtech “nhờ dịch Covid-19”, đó là bố mẹ đã đầu tư rất nhiều cho con cái sử dụng laptop, máy tính bảng hoặc điện thoại. Đây chính là điều kiện cơ bản để thị trường online tiếp tục phát triển.

Thứ hai, là trong thời gian dịch bệnh, nhiều bố mẹ trước đây chưa được chứng kiến việc học online, bây giờ họ đã có cảm nhận thực tế về học online và hiệu quả mang lại. Dù học online không được trăm phần trăm giống như học ở trên trường, nhưng phần nào đã cũng đáp ứng yêu cầu cơ bản của phụ huynh.

Founder & CEO Educa: Khởi nghiệp để giải quyết “nỗi đau” về tiếng Anh của bản thân… - Ảnh 9

Theo dự đoán của anh, thị trường Edtech sẽ có những chuyển biến như thế nào trong 2 hay 3 năm tới?

Trong 2 hay 3 năm vừa rồi cũng như 2 hay 3 năm tới, thị trường Edtech Việt Nam đều có sự phát triển nhanh, có thể nói là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, cá nhân mình dự báo, thị trường Edtech sẽ phát triển mạnh trong khoảng 5 năm tới. Nói thế này cho dễ hình dung, tỷ lệ thâm nhập của dịch vụ Edtech đối với học sinh ở Việt Nam chỉ mới chưa đến 10%. Như vậy, dư địa phát triển rất nhiều và tốc độ phát triển hiện tại đang ở khoảng 30% một năm. Với các nước khác, tỷ lệ dao động khoảng 15-20%.

Không chỉ mình mà có lẽ các chuyên gia trong khu vực và trên thế giới cũng đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường Edtech phát triển nhanh nhất, tốc độ có thể lên đến 50-100 % một năm.

Founder & CEO Educa: Khởi nghiệp để giải quyết “nỗi đau” về tiếng Anh của bản thân… - Ảnh 10

Educa từng đặt mục tiêu sẽ giúp 70% thế hệ trẻ Việt Nam thành thạo tiếng Anh vào năm 2030. Liệu mục tiêu này có quá tham vọng hay không và cho đến hiện tại anh vào đội ngũ của mình đã và đang hiện thực hóa mục tiêu này như thế nào?

Educa chắc chắn không thể làm việc đấy một mình, mà là một đơn vị góp phần vào việc thúc đẩy phát triển thị trường tiếng Anh cũng như mang lại điều kiện học tiếng Anh cho tất cả học sinh Việt Nam. Cũng giống như câu chuyện thị trường di động thôi. Khi Viettel là đơn vị ra đời sau, trước đó đã có VinaPhone hay MobiFone, nhưng trong thời gian rất ngắn, Viettel cũng đã đem lại cơ hội sử dụng dịch vụ di động lớn như bây giờ. 

Vâng, ở phần đầu chương trình anh cũng chia sẻ một trong những mục tiêu của Educa trong thời gian tới là mở rộng sang các thị trường nước ngoài, mà cụ thể ở đây là Indonesia và Thái Lan. Mở rộng sang các thị trường khác cũng là một trong những mục tiêu của các công ty Edtech hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở một số nước, người dân có thể nói tiếng Anh khá là tốt rồi và các thị trường nước ngoài cũng có không ít các Edtech mạnh, vậy liệu dự án ra nước ngoài có khả thi hay không?

Nếu nói về trình độ tiếng Anh, Việt Nam được xếp vào thứ 4 trong khu vực, chỉ sau Singapore - nước sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính, và Philippine, Malaysia. Các thị trường Educa dự định đầu tư đều có trình độ tiếng Anh thấp hơn hoặc tương đương với Việt Nam.

Một trong những lý do các Edtech dạy tiếng Anh ở Việt Nam có thể vươn ra nước ngoài chính vì Việt Nam là một thị trường rất lớn và khách hàng có nhu cầu cao về việc học tiếng Anh. Điều đó thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra những sản phẩm học tiếng Anh tốt, chẳng hạn như Babilala, Edupia hay Elsa chẳng hạn. Đấy cũng là điều kiện tốt để doanh nghiệp Edtech Việt Nam có thể tự tin ra nước ngoài.

Anh có thể chia sẻ rõ hơn về chiến lược dạy tiếng Anh cho người nước ngoài sẽ khác biệt như thế nào so với chiến lược dạy tiếng Anh cho người Việt Nam hay không ạ?

Mình nghĩ concept sản phẩm sẽ khá giống nhau. Bởi vì các quốc gia học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai cũng sẽ giống với người Việt, do đó có chung một concept sản phẩm. Tuy nhiên, kế hoạch dạy tiếng Anh cho người nước ngoài tại từng thị trường sẽ khác nhau để phù hợp với nhu cầu thị hiếu cũng như tình hình thực tế kinh doanh ở đó.

Founder & CEO Educa: Khởi nghiệp để giải quyết “nỗi đau” về tiếng Anh của bản thân… - Ảnh 11

Về kế hoạch phát triển của Educa trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ như thế nào, thưa anh?

Hiện tại Educa đang trong quá trình tiếp tục mở rộng quy mô khách hàng ở thị trường Việt Nam cũng như đang thử nghiệm kinh doanh ở các thị trường Thái Lan và Indonesia. Về mặt sản phẩm, Educa cũng đang mở rộng sang các môn học khác và các đối tượng khách hàng khác. Trong quý II vừa qua, bọn mình đã ra mắt môn Toán và trong quý III năm nay, bọn mình sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm liên quan đến IELTS và ôn thi đại học.

Anh có thông điệp gì gửi gắm cho những nhà sáng lập, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Edtech của Việt Nam cũng như là thông điệp dành cho khách hàng của mình?

Mình nghĩ khi các doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển mảng Edtech, điểm lớn nhất là xem xét doanh nghiệp có thể giải quyết vấn đề gì cho khách hàng. Và tất nhiên cũng giống như các doanh nghiệp khác, startup nên bắt đầu từ một sản phẩm cụ thể và cố gắng tập trung làm tốt trong phân khúc.

Đối với thị trường, mình nghĩ cơ hội luôn rộng mở cho tất cả mọi người. Đối với khách hàng, mình thực sự mong muốn thực hiện thật tốt những gửi gắm mà khách hàng đã tin tưởng vào các sản phẩm của Educa như Edupia, Babilala cũng như các sản phẩm Edtech khác. Mình cũng mong muốn trong thời gian tới, khách hàng sẽ tiếp tục ủng hộ, và nếu được, hãy giới thiệu, lan tỏa các sản phẩm vì hiệu quả mang lại đối với các bạn nhỏ rất lớn.

Xin cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện cùng với Seal the Deals!

Founder & CEO Educa: Khởi nghiệp để giải quyết “nỗi đau” về tiếng Anh của bản thân… - Ảnh 12

VnEconomy 15/10/2022 06:00