Thưa ông, có phải đến khi những bất ổn xảy ra trong sản xuất và kinh doanh xăng dầu thời gian qua, chúng ta mới nhìn thấy những bất cập của Nghị định?
Là một người hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu từ rất lâu và cũng là thành viên trong ban soạn thảo từ những quyết định đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ như Nghị định 187 năm 2003, sau đó là Nghị định 55, 84, 83, 95 và đến bây giờ vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề.
Đáng ra điều này phải để cho thị trường quyết định thì chúng ta lại xây dựng nghị định càng ngày càng bó lại. Những ý kiến của các nhà bán lẻ, nhà phân phối được phản ánh mới chỉ là một phần, còn thực tế rất khó khăn, còn quá nhiều chế tài.
Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Vậy theo ông Nghị định cần sửa đổi những gì?
Theo tôi, khi góp ý vào Nghị định thì không chỉ là vấn đề cơm áo gạo tiền, mà còn nhiều ràng buộc từ chế tài khác mà các đại lý bán lẻ, thương nhân phân phối, đầu mối không nói ra hết. Những quy định trong Nghị định cũng là rào cản gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh.
Hiệp hội đã có văn bản gửi cho liên bộ, ban soạn thảo về việc tổ chức sửa đổi Nghị định 95 và 83. Tôi cho rằng nếu chúng ta tổ chức lấy ý kiến mà không tập trung vào việc đánh giá Nghị định, đánh giá những tồn tại, những bất cập về tổ chức triển khai Nghị định thì chúng ta sẽ không thể đạt được những cái kỳ vọng về việc sửa đổi Nghị định cho đúng.
Chúng ta vướng nhiều thứ chứ không chỉ là chiết khấu không đủ. Nghị định xây dựng càng bó thì càng khó cho thương nhân từ đầu mối đến bán lẻ, tạo ra nhiều rào cản cho doanh nghiệp. Quan điểm của Hiệp hội là Nghị định 95 chúng ta phải sửa đổi ít nhất 10 điều khoản, trong đó có những điều khoản năm 2022 chưa có như những định chế về kiểm tra, kiểm soát mang tính chất giống như kiểm tra đối với các đầu mối thì Nghị định sửa đổi lại đưa vào, nhiều vấn đề không thực hiện được theo Nghị định.
Ngày 2/1/2022 Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực. Đây là Nghị định từ khi xuất hiện đến sửa đổi là nhanh nhất, tồn tại ngắn nhất và đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Điều này cho thấy, việc xây dựng Nghị định không thể duy ý chí.
Về chiết khấu, vẫn còn nhiều ý kiến về quy định mức chiết khấu tối thiểu xăng dầu. Ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?
Chiết khấu là thỏa thuận giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp kia, không phải Nhà nước cho nên không thể quy định lấy của doanh nghiệp này, chia cho doanh nghiệp khác và phải đảm bảo tính đủ cho đầu mối, phân phối và bán lẻ.
Tổng nhu cầu của chúng ta 22 triệu lít, trong đó bán qua hệ thống bán lẻ khoảng 70%, tương đương khoảng 15 -16 triệu lít. Các cửa hàng bán lẻ chính là các cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tổ chức lưu thông.
Việc không tính đủ chi phí để trả chiết khấu cho bán lẻ, không thỏa thuận được là do cực chẳng đã, vì doanh nghiệp đầu mối không có gì để chi, do việc tổ chức công thức giá. Do đó, khi tính toán giá xăng dầu cần phải tính đúng, tính đủ, bao gồm cả dự trữ lưu thông.
Vì thế phải xem xét, sửa công thức tính giá cơ sở. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trong năm 2022 đều thực hiện rất tốt chức năng của mình theo quy định của Nghị định. Như vậy, vấn đề tồn tại là ở Nghị định chứ không phải là vấn đề của các bộ.
Nghị định quy định doanh nghiệp đầu mối bắt buộc dự trữ lưu thông là 20 ngày, trong khi xăng dầu thì thay đổi giá hàng ngày, tiền lại là của doanh nghiệp nhưng không được tính toán vào giá, điều chỉnh giá lại 10 ngày một lần nên không tính đúng, tính đủ, doanh nghiệp đầu mối sẽ lỗ. Quy định này xuyên suốt từ Nghị định 83 đến 84. Chúng tôi luôn luôn đề nghị quy định của Nhà nước đối với hàng dự trữ lưu thông bao nhiêu thì chúng ta phải tính đủ số ngày giá đấy.
Có thể 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày điều chỉnh giá một lần nhưng mỗi lần điều chỉnh giá thì phải quay trở lại 20 ngày để tính toán, tương ứng với mức tồn kho của doanh nghiệp đầu mối, theo đúng quy định lưu thông bắt buộc. Như vậy, mới tính được cả các loại chi phí, chẳng hạn như chi phí lưu thông của doanh nghiệp… Còn nếu không tính đủ trong 20 ngày, họ lỗ thì sẽ không còn tiền trả chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ.
Tại sao chúng ta cứ duy ý chí là tồn kho không biết. Do đó, trong điều điều chỉnh lần này tôi đề nghị là 7 ngày cũng được phù hợp nhưng phải tính đủ 20 ngày giá. 20 ngày giá thì sẽ đảm bảo được tồn kho của đầu mối và còn tồn tại chi phí ở trong lưu thông.
Chúng ta đặt mục tiêu 7 ngày, 10 ngày, 15 ngày để làm gì trong khi chúng ta lại hành xử hoàn toàn không đúng theo tiêu thức đặt ra. Chúng ta co lại từ 15 ngày xuống 10 ngày, bây giờ là xuống 7 ngày để tiệm cận với giá thế giới, khi giá thế giới lên cao quá, chúng ta dùng quỹ bình ổn để đè nó xuống để bình ổn, khiến thị trường và giá càng méo mó hơn. Trong khi đó, nếu muốn bình ổn thì càng kéo dài ngày ra càng tốt.
Tôi cho rằng Nhà nước chỉ nên quản lý về giá nhập khẩu, công bố các yếu tố cấu thành giá như giá thế giới, các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước,… còn doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm tính toán và cộng thêm chi phí của mình vào, từ đó xác định và công bố giá bán lẻ cuối cùng.
Hiện nay Bộ Tài chính đang sử dụng chi phí doanh nghiệp báo cáo lên nhưng lại lấy bình quân của các doanh nghiệp thì không đúng, vì mỗi doanh nghiệp có chi phí khác nhau. Giống như chiều cao bình quân của người Việt Nam là 1,63m nên làm cửa ra vào cao đúng 1,63m, khi ấy người cao 1,70m sẽ phải đi lom khom. Nói như vậy để thấy, nếu chúng ta không cộng đủ thì bán lẻ không đủ, thương nhân phân phối cũng không đủ, khi đó tạo ra một sự phức tạp.
Cùng với ý kiến nêu trên, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên có định lượng nữa chứ đừng chỉ định tính. Tức là chúng ta định ra cái gì thì áp dụng nó vào thực tế như thế. Đơn cử, quan sát tháng 3/2022, nếu chúng ta điều chỉnh 7 ngày hoặc 10 ngày một lần thì giá dầu thế giới ở chu kỳ đấy lên 29%- 30%. Như vậy, liệu chúng ta có điều chỉnh tăng giá lên 30%. Câu trả lời là không. Vậy phải tìm ra cái gốc để giải quyết vấn đề.
Do đó, nếu như để doanh nghiệp tự công bố chi phí thì doanh nghiệp sẽ không rơi vào tình trạng thiếu chi phí sản xuất kinh doanh, bị lỗ và cũng sẽ đảm bảo được chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ. Việc xây dựng Nghị định cần cố gắng làm sao cho nó thị trường lên và có sự quản lý của Nhà nước.
Về kiến nghị cho phép đại lý bán lẻ nhập khẩu từ nhiều nguồn, ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?
Đã là đại lý thì phải có chiết khấu, điều này là cố định thông qua đàm phán nhưng rất ít người kí được đại lý đó. Song nếu nhà bán lẻ lấy xăng dầu từ 3 nguồn thì lại vi phạm Luật Thương mại, vì đã là đại lý thì chỉ là đại lý của một đầu mối.
Bên cạnh đó, đại lý phải bán đúng giá chỉ định. Chưa kể nếu lấy 3 nguồn, thì sẽ có 3 giá khác nhau, vậy bán giá thế nào, rất khó. Đại lý sẽ treo logo của ai? Do đó, tôi cho rằng Nghị định cũng nên mở rộng ra, đồng ý với phương án lấy từ nhiều nguồn. Nhưng như thế chúng ta sẽ hình thành thêm một phương thức mới nữa, đó là những nhà bán lẻ độc lập, đeo thương hiệu của ai cũng được. Điều này nên để cho doanh nghiệp lựa chọn. Nhưng hình thành doanh nghiệp độc lập không dễ dàng, họ phải chịu trách nhiệm tất cả từ thương hiệu đến chất lượng, phòng hóa nghiệm…
VnEconomy 28/02/2023 08:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 9-2023 phát hành ngày 27-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam