09:36 10/06/2023

Khả năng tiếp cận và chi trả cho Internet vẫn là một trở ngại ở Đông Nam Á

Nguyễn Hà

Hiện nay, một số quốc gia tại Đông Nam Á có khả năng cung cấp kết nối Internet tốt nhất trên thế giới, tuy nhiên tại một số khu vực có thu nhập trung bình thấp việc kết nối Internet còn gặp nhiều khó khăn…

Sự thâm nhập Internet ngày càng tăng dẫn đến sự gia tăng sử dụng dịch kỹ thuật số trong khu vực Đông Nam Á. Chẳng hạn như thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á đang phát triển nhanh nhất thế giới và dự kiến ​​trị giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, theo báo cáo của Google. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu trong khu vực cũng đang bùng nổ và Singapore được cho là có khả năng kết nối trung tâm dữ liệu tốt nhất ở châu Á.

Việc mở rộng mạng 5G cũng cho phép khả năng tiếp cận internet lớn hơn. Trong khi Singapore đã thống trị ngành công nghiệp 5G trong khu vực thì Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đang nhanh chóng bắt kịp để giành lợi thế trong việc phát triển công nghệ này.

Mặc dù vậy, một báo cáo mới từ Kearney lại chỉ ra một loạt thách thức các chính phủ và doanh nghiệp phải giải quyết để người dùng có khả năng chi trả và tiếp cận Internet.

RÀO CẢN TIẾP CẬN INTERNET CỦA KHU VỰC

Soon Ghee Chua, Đối tác cấp cao, Singapore tại Kearney nhận xét rằng khu vực chắc chắn đã đạt được những bước tiến lớn trong nền kinh tế kỹ thuật số nói chung, điều này thể hiện qua sự gia tăng tỷ lệ tiêu dùng kỹ thuật số và áp dụng công nghệ trong vài năm qua. Tuy nhiên, Soon đã chỉ ra rằng vẫn còn những rào cản mà các quốc gia cần giải quyết. Trên thực tế, khoảng 20% ​​người dân Đông Nam Á vẫn chưa có khả năng truy cập Internet. 

Khả năng chi trả cho Internet cũng là một thách thức lớn trong khu vực. Để giải quyết thách thức này, Kearney đã chỉ ra bẩy xu hướng công nghệ cơ bản mà các nhà lãnh đạo nên nắm bắt. Bẩy xu hướng hàng đầu được các nhà lãnh đạo trong ngành xếp hạng bao gồm: sự phát triển của điện toán đám mây, mạng điều khiển bằng phần mềm, tính bền vững, giao diện lập trình ứng dụng (API), chia mạng, hệ thống mạng phi mặt đất (NTN) và quản lý phân nhánh.

Đáng chú ý, 92% các nhà lãnh đạo công nghệ của khu vực kỳ vọng sự phát triển của điện toán đám mây sẽ trở thành một xu hướng công nghệ quan trọng trong hai đến ba năm tới. Trong khi đó, 83% trong số họ kỳ vọng mạng điều khiển bằng phần mềm sẽ trở nên quan trọng trong vòng một đến ba năm tới. Điều này có nghĩa là sự xâm nhập của Internet và mạng phải đến được với tất cả mọi người trong khu vực. Nếu không sự phân chia kỹ thuật số lớn hơn trong khu vực sẽ xảy ra.

Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đồng tình với những phát hiện của báo cáo. Trong bài phát biểu quan trọng của mình, Wong nhấn mạnh rằng khả năng kết nối mạng, an ninh mạng và sử dụng AI có trách nhiệm là một trong những ưu tiên kỹ thuật số cần được giải quyết.

CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á CẦN CHUNG TAY GÓP SỨC 

Trong một báo cáo của The Straits Times, phó thủ tướng tuyên bố rằng cách các quốc gia quản lý những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến tương lai của nền kinh tế kỹ thuật số của họ. Đối với Singapore, Wong đề cập rằng quốc gia này phấn đấu trở thành một nền kinh tế kỹ thuật số đáng tin cậy, kết nối với nhau một cách toàn diện

Để cải thiện khả năng mạng Internet, Singapore sẽ xem xét xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối cứng. Điều này bao gồm các điểm hạ cánh cáp ngầm mới để tăng dung lượng mạng của Singapore, đây là một trong những mục tiêu được liệt kê trong kế hoạch chi tiết kết nối kỹ thuật số của đất nước. Singapore cũng sẽ nâng cấp mạng của mình để tăng tốc độ Internet lên 10Gbps, tạo nền tảng cho một thế hệ ứng dụng mới.

Wong cũng nhấn mạnh rằng cơ sở hạ tầng mềm như các ứng dụng hỗ trợ giao dịch kỹ thuật số, nhận dạng kỹ thuật số vốn tạo thành xương sống của nền kinh tế kỹ thuật số ngày nay cần hoạt động xuyên biên giới để gia tăng giới hạn tiếp cận kỹ thuật số cho người dùng.

“Không quốc gia nào có thể giải quyết tất cả những vấn đề này một mình. Chỉ bằng cách đoàn kết lại với nhau và dựa trên trí tuệ và kinh nghiệm chung của chúng ta thì chúng ta mới có thể hy vọng thành công” Phó thủ tướng nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình trong lễ khai mạc Asia Tech x Singapore (ATxSG).

Carlos Oliver Mosquera, đối tác, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Xuất sắc của Kearney, cũng chia sẻ quan điểm tương tự về vấn đề này. Mosquera cho biết: “Tương lai của Internet Đông Nam Á đang được định hình lại bởi các xu hướng công nghệ toàn cầu khác nhau có liên quan với mạng và cơ sở hạ tầng kết nối trong khu vực. Bằng cách tận dụng các xu hướng như điện toán đám mây, các doanh nghiệp và chính phủ có thể cung cấp nhiều dịch vụ hơn cho người dùng”.