11:32 10/10/2024

Kinh nghiệm chuyển đổi số của các quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam

Bảo Bình

Ngày 10/10 hằng năm đã được chọn làm Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống và phát triển bền vững...

Hà Nội đã tổ chức lễ phát động và triển khai chiến dịch ra quân hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Ngày chuyển đổi số thành phố Hà Nội năm 2024 (10-10-2024). Ảnh: chinhphu.vn
Hà Nội đã tổ chức lễ phát động và triển khai chiến dịch ra quân hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Ngày chuyển đổi số thành phố Hà Nội năm 2024 (10-10-2024). Ảnh: chinhphu.vn

Trong một Hội nghị mới đây về chuyển đổi số, ông Viên Cương, chuyên gia Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã chia sẻ về các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số ở một số quốc gia, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Theo đó, những quốc gia đưa vào tham khảo là những nước có sự tương đồng với Việt Nam và đã đạt được những thành tích trong chuyển đổi số.

HÀN QUỐC: CHÍNH PHỦ DẪN DẮT, CÁC TẬP ĐOÀN CÔNG NGHỆ HÀNG ĐẦU HỖ TRỢ

Hàn Quốc nổi lên như một quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số. Một đặc điểm nổi bật trong chiến lược chuyển đổi số ở Hàn Quốc là chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đổi mới sáng tạo, và được sự hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ hàng đầu.

Các hoạt động nổi bật trong chuyển đổi số Hàn Quốc bao gồm phát triển nhà máy thông minh, ứng dụng công nghệ sản xuất thông minh, cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng tập trung vào các hoạt động đổi mới sáng tạo như thành lập các trung tâm đổi mới, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) và các tổ chức nghiên cứu cùng nhau phát triển các giải pháp số mới.

Với các chỉ số xếp hạng cao như World Digital Competitiveness đứng thứ 6, ICT Development Index đứng thứ 2 và Global Innovation Index đứng thứ 10, Hàn Quốc khẳng định vị thế là một quốc gia có nền tảng số vững mạnh. Đầu tư vào phát triển kỹ năng số và đảm bảo an ninh mạng là những ưu tiên hàng đầu của đất nước này.

Một đặc điểm nổi bật nữa trong chiến lược chuyển đổi số của Hàn Quốc là quốc gia này có rất nhiều nền tảng trực tuyến để kết nối các bên trong quá trình chuyển đổi số, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp với chính phủ, người dân…

Điểm đáng nói thứ 2 chính là phần hỗ trợ tài chính của Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc có khá nhiều các các quỹ để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp chuyển đổi số. Các các quỹ có các mục tiêu khác nhau. Chẳng hạn như quỹ K-Startup Grand Challenge của Hàn Quốc, chuyên kêu gọi các sáng kiến của các công ty khởi nghiệp từ các nước khác trên thế giới đến Hàn Quốc và kết nối các doanh nghiệp này với các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai. Đây được xem là một công cụ để thu hút chất xám từ các nước khác trên thế giới đến Hàn Quốc và kết nối các doanh nghiệp Hàn Quốc.

MALAYSIA: TẬP TRUNG NÂNG CAO KỸ NĂNG CHO LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG

Định hướng dẫn đầu khu vực về chuyển đổi số, Malaysia có nhiều chương trình như hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế được thực hiện thông qua các quỹ chuyển đổi số nhằm cung cấp các khoản vay và tài trợ cho doanh nghiệp. Quốc gia này cũng tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin, đầu tư vào mạng 5G, phát triển công nghệ cao để cung cấp hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến cho các doanh nghiệp, bao gồm trung tâm dữ liệu và hạ tầng điện toán đám mây. 

Bên cạnh đó, Malaysia coi trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số, giúp doanh nghiệp và người lao động nắm vững kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế số. Thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo cung cấp không gian và tài nguyên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa để thử nghiệm và phát triển công nghệ mới. Malaysia cũng có các nền tảng thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường quốc tế, giúp kết nối với đối tác và khách hàng trên toàn cầu.

Cụm công nghiệp số là một điển hình trong công tác chuyển đổi số của Malaysia. Cụm công nghiệp số được đặt tại các khu vực có lợi thế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối giao thông. Các cụm công nghiệp số là kết quả của sự hợp tác đa bên nhằm khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và chính phủ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chia sẻ kiến thức.

Các đơn vị này có sự chuyên môn hóa, tập trung vào một hoặc một số lĩnh vực công nghệ cụ thể, tạo ra sự chuyên môn hóa và lợi thế cạnh tranh. Chính phủ hỗ trợ bằng các gói ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư vào các cụm số hóa theo ngành. Malaysia cũng quảng bá về các cụm công nghiệp số nhằm tạo nhận diện trên trường quốc tế và tạo chỗ đứng tại thị trường nước ngoài. Quốc gia này đặt mục tiêu có 5 doanh nghiệp kỳ lân trong các cụm số hóa theo ngành đặt trụ sở hoạt động tại Malaysia.

Ngoài ra Malaysia có một chương trình nổi tiếng là My Digital Workforce. Chương trình này tập trung nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, hỗ trợ học phí, tổ chức các khoa đào tạo chuyên sâu về các kỹ năng số. Đối tượng của các chương trình này là người lao động Malaysia, bao gồm cả người thất nghiệp, người có thu nhập thấp và người muốn chuyển đổi lĩnh vực nghề nghiệp, sinh viên mới tốt nghiệp và người trẻ tuổi muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Năm 2021, ngân sách của chương trình này là 100 triệu RM (khoảng 24 triệu USD) và đã tăng gấp đôi lên 200 triệu RM (khoảng 48 triệu USD) năm 2022.

ĐÀI LOAN: CHUYỂN ĐỔI SỐ TẬP TRUNG VÀO CÔNG NGHỆ LÕI TRONG LĨNH VỰC BÁN DẪN 

Chiến lược chuyển đổi số của Đài Loan có phần khác biệt hơn, với mũi nhọn tập trung vào các công nghệ lõi thế mạnh của Đài Loan trong lĩnh vực chất bán dẫn, kiến tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tự đổi mới.

Nhân lực cao của Đài Loan phát triển rất mạnh, nhờ được đầu tư tốt, giáo dục STEM được đưa vào chương trình từ tiểu học đến đại học, và đào tạo kỹ năng số cho nhiều đối tượng. Đài Loan cũng hướng tới xây dựng xã hội số bao trùm, đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận công nghệ. Tận dụng dữ liệu mở để thúc đẩy đổi mới và tạo giá trị kinh tế từ dữ liệu.

Trung tâm chuyển đổi số và sáng tạo của Đài Loan tập trung mạnh mẽ vào các lĩnh vực như 5G, AI, và IoT. Trung tâm này cung cấp các tài nguyên quan trọng như nền tảng công nghệ 5G, phòng thí nghiệm AI và IoT, cùng với các nền tảng về Internet băng thông rộng. Ngoài ra, trung tâm còn triển khai một số chương trình sáng tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc phát triển công nghệ.

Chiến lược chuyển đổi số của Đài Loan tập trung vào các công nghệ lõi thế mạnh của Đài Loan trong lĩnh vực chất bán dẫn
Chiến lược chuyển đổi số của Đài Loan tập trung vào các công nghệ lõi thế mạnh của Đài Loan trong lĩnh vực chất bán dẫn

Các tài nguyên này tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Trung tâm đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và công nghệ hiện đại, giúp các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ tiên tiến mà trung tâm cung cấp.

ĐỨC: CÂN BẰNG GIỮA CHÍNH PHỦ VÀ HỆ SINH THÁI CHO PHÉP DOANH NGHIỆP TỰ DẪN DẮT CÁC SÁNG KIẾN

Cách tiếp cận chuyển đổi số của chính phủ Đức cũng khá khác biệt và thú vị, có tính cân bằng hơn giữa 1 bên là vai trò chính phủ và 1 bên là phát triển hệ sinh thái cho phép doanh nghiệp tự dẫn dắt các sáng kiến. Ngoài ra, người Đức tập trung rất sâu vào chuyển đổi số các ứng dụng sản xuất công nghệ cao, luật bảo vệ dữ liệu nghiêm và chuẩn hóa. 

Chiến lược chuyển đổi số tại Đức cũng tập trung hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, xây dựng mạng lưới các trung tâm số hoá (Digital Hubs), mỗi Hub tập trung vào một hoặc vài lĩnh vực công nghệ cụ thể, như FinTech, Health Tech, Al, Smart City, Logistics, v.v. giúp tối ưu hóa nguồn lực và tạo ra các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.

Với chương trình EXIST, mỗi start-up hoặc nhóm khởi nghiệp có thể xin tài trợ từ chương trình EXIST một lần duy nhất cho mỗi giai đoạn: ý tưởng - cấp học bổng, chuyển giao kết quả nghiên cứu – hỗ trợ vốn ban đầu, thành hình - xây dựng văn hoá kinh doanh. 

Hợp tác công tư là một trong những chiến lược của Đức trong thực hiện chuyển đổi số. Các chương trình hợp tác công tư thúc đẩy tính hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ thông qua khai thác một số lợi thế sẵn có của khu vực tư nhân. Ví dụ: hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp để đưa ý tưởng sáng tạo số vào thực tiễn; đầu tư của các doanh nghiệp lớn vào nghiên cứu phát triển các giải pháp số …

ĐIỀU CHỈNH PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ VÀ ĐIỀU KIỆN Ở VIỆT NAM

Theo chuyên gia Viên Cương, kết quả và thực tiễn hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số ở các quốc gia cho thấy nhiều điểm thú vị và có thể xem xét để áp dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế và điều kiện ở Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt cũng đang trong công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ
Doanh nghiệp Việt cũng đang trong công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ

Chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp cốt lõi để thực hiện chuyển đổi số ở Việt Nam như phát triển hạ tầng số, nguồn nhân lực số, phát triển giải pháp số thông qua đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thu hút đầu tư số và công nghệ số, thúc đẩy kết nối số giữa các doanh nghiệp và các tác nhân trong hệ sinh thái chuyển đổi số, tăng cường tiếp cận tài nguyên số.

Qua nghiên cứu cách làm và kinh nghiệm triển khai, các quốc gia trên thế giới đã thực hiện chuyển đổi số đều tập trung vào phát triển trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số, thành lập các Quỹ hỗ trợ, xây dựng các nền tảng kết nối số, xây dựng công cụ chuyển đổi số như tài liệu đào tạo, đánh giá năng lực, tăng cường các hoạt động tư vấn 1:1 cho các doanh nghiệp để tối đa hóa hiệu quả, nhấn mạnh liên kết giữa khối doanh nghiệp và khối nghiên cứu viện, trường....