Kỷ nguyên AI đặt ra hàng loạt thách thức cho thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam
Trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ chắc chắn sẽ làm tăng nhanh nhu cầu về trung tâm dữ liệu tại Việt Nam trong thời gian tới, cả về số lượng lẫn quy mô...
Công nghệ AI đang được kỳ vọng là động lực chính trong lĩnh vực CNTT Việt Nam từ nay tới năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của thị trường ở mức 36.4%. Tương tự như các thị trường toàn cầu, các ứng dụng Generative AI không chỉ giới hạn trong một ngành cụ thể mà trải rộng trên nhiều lĩnh vực, đa dạng nhu cầu sử dụng.
AI ĐANG THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRUNG TÂM DỮ LIỆU
Tại một Hội nghị về trung tâm dữ liệu mới đây, ông Dean Coetzee, Giám đốc Vận hành Tập đoàn EPI, đã khẳng định sự phát triển của AI đang tạo ra những tác động đáng kể đối với các trung tâm dữ liệu, thúc đẩy cả sự phát triển và thay đổi toàn diện trong cách thức vận hành và quản lý. Các ứng dụng AI yêu cầu xử lý khối lượng dữ liệu lớn hơn và phức tạp hơn, đặt ra yêu cầu về hiệu suất và khả năng lưu trữ cao hơn đối với các trung tâm dữ liệu.
Tuy nhiên, sự phát triển của AI không đồng đều giữa các quốc gia, với tốc độ và mức độ áp dụng khác nhau, dẫn đến sự chênh lệch về mức độ phát triển và khả năng cạnh tranh của các trung tâm dữ liệu trên toàn cầu. Những quốc gia có khả năng tiếp cận nguồn lực và công nghệ tiên tiến sẽ có lợi thế lớn hơn trong việc phát triển các trung tâm dữ liệu hiện đại và hiệu quả, trong khi các quốc gia khác có thể gặp nhiều thách thức hơn trong việc bắt kịp xu hướng này.
Theo các chuyên gia, để đáp ứng nhu cầu về AI, các trung tâm dữ liệu cần thay đổi để đáp ứng một số yêu cầu. Chẳng hạn như trung tâm dữ liệu phải có khả năng nâng cấp và mở rộng linh hoạt theo nhu cầu để hỗ trợ sự phát triển của AI. Ngoài ra, trung tâm dữ liệu cần thiết kế đáp ứng mật độ công suất cao với các giải pháp làm mát hiệu quả, nhằm tối ưu hóa hiệu suất sử dụng điện.
Bên cạnh đó, trung tâm dữ liệu cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn và biện pháp an ninh, an toàn để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các dữ liệu quan trọng được lưu trữ, đặt tại trung tâm dữ liệu.
Trao đổi về tác động của AI đối với thị trường trung tâm dữ liệu, các chuyên gia cũng cho rằng với sự phát triển của AI, nhu cầu về lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn sẽ tăng cao. Do đó, doanh nghiệp sẽ cần đến trung tâm dữ liệu để hỗ trợ triển khai nhanh chóng và vận hành hiệu quả các ứng dụng AI. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng nhanh nhu cầu về trung tâm dữ liệu tại Việt Nam trong thời gian tới, cả về số lượng lẫn quy mô.
Tuy vậy, một thách thức lớn mà các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt là về nguồn nhân lực và năng lực triển khai. Hiện tại, Việt Nam có rất ít đơn vị đủ khả năng tư vấn và triển khai các trung tâm dữ liệu lớn theo chuẩn quốc tế. Hơn nữa, không có nhiều đơn vị đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, tạo ra khoảng trống và thách thức khi thị trường trung tâm dữ liệu phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Sự cạnh tranh trên thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam cũng ngày càng khốc liệt. Trước đây, chỉ có một số nhà cung cấp trong nước như Viettel IDC, FPT, VNPT, và CMC chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, hiện tại đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm và đầu tư vào thị trường này, hứa hẹn một thị trường sôi động và cạnh tranh trong tương lai.
2 YẾU TỐ CƠ BẢN ĐỂ THỊ TRƯỜNG TRUNG TÂM DỮ LIỆU VIỆT NAM PHÁT TRIỂN
AI bùng nổ đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuyên nghiệp nhất định và có nguồn ngân sách đặc biệt cho hạ tầng AI, điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng tự đầu tư được. Do đó, đại diện một doanh nghiệp về trung tâm dữ liệu cho rằng tình thế này thúc đẩy sự chuyển dịch của mô hình từ tự xây dựng sang đi thuê hạ tầng cho AI. Đây cũng là một trong những lý do thúc đẩy thị trường trung tâm dữ liệu phục vụ cho AI phát triển.
Chính sự phát triển bùng nổ của AI đã kéo theo nhiều bài toán về hiệu năng, mật độ công suất và cả các thách thức về làm mát. AI làm thay đổi toàn bộ tư duy thiết kế trung tâm dữ liệu, từ mật độ công suất, hệ thống làm mát tới hoạt động vận hành, khai thác. Điều này đòi hỏi phải có sự chuyên nghiệp nhất định, ngân sách đặc biệt dành cho AI. Chính điều này dẫn tới sự chuyển dịch từ mô hình tự xây sang thuê cơ sở hạ tầng.
Để phát triển, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam sẽ cần đến 2 yếu tố cơ bản. Thứ nhất là vấn đề chính sách và định hướng phát triển, trong đó chính phủ cần có chính sách ưu tiên phát triển các nhà cung cấp trung tâm dữ liệu xanh và bền vững.
Thứ hai là sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ lớn. Thị trường cần có sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu đất nước như Viettel, FPT, VNPT, cũng như sự hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Amazon Web Services và Google…
Bằng cách này, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam sẽ có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Hiện tại, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam có quy mô vẫn còn khá nhỏ và đi sau khá xa các thị trường khác. Tuy vậy, thị trường được cho là có nhiều tiềm năng và dự địa phát triển. Dự báo quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đến năm 2030 sẽ đạt 1.266 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 10.8%, quy mô của trung tâm dữ liệu dự báo lên đến 550MW vào năm 2030.
Ngoài ra, Việt Nam được xem là 1 trong 10 thị trường mới nổi trên bản đồ trung tâm dữ liệu toàn cầu với khá nhiều động lực tăng trưởng, như quỹ đất và khoảng trống thị trường rộng, chi phí xây dựng, chi phí điện, chi phí nhân công tối ưu hơn thị trường khác, nhu cầu nội tại lớn hơn so với các nước, cùng với đó là các chiến lược thúc đẩy, khuyến khích phát triển của chính phủ.