Nhà sáng tạo nội dung Hoa Kỳ phản ứng thế nào trước nguy cơ TikTok bị cấm vĩnh viễn?
TikTok và rất nhiều người dùng khác đang tìm mọi cách phản đối dự luật cấm ứng dụng trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ…
TikTok tuyên bố việc cấm ứng dụng sẽ gây thiệt hại cho hơn 5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động trên nền tảng, theo CNN Business.
Một trong những content creator chịu ảnh hưởng là chị Nadya Okamoto, TikToker với hơn 4 triệu lượt theo dõi kiêm chủ sở hữu thương hiệu băng vệ sinh August, được phân phối bởi nhiều nhà bán lẻ bao gồm cả Target.
Okamoto được nhiều người yêu quý trên TikTok nhờ nội dung cuốn hút liên quan tới lĩnh vực sức khỏe phụ nữ, giáo dục giới tính và đôi khi là cuộc sống thường ngày. Chị đã ra mắt một số sản phẩm kết hợp với nhiều thương hiệu lớn chẳng hạn như công ty giày dép Hoka. Đa số những người chị em thân thiết với Okamoto đều đang sáng tạo nội dung trên TikTok, phần nhiều trong số họ thừa nhận nguồn thu nhập chính dùng để trang trải cuộc sống đều đến từ TikTok.
NỀN TẢNG ĐƯỢC YÊU THÍCH
Thuật toán của TikTok tại trang For You (dành cho bạn) giúp những thương hiệu như August tiếp cận khách hàng mới dễ dàng hơn nhiều so với ứng dụng đối thủ. "Người dùng chủ yếu xem nội dung từ những trang họ không theo dõi. Vì vậy, với tư cách là một doanh nghiệp, thuật toán này mang đến rất nhiều lợi ích", chị Okamoto bày tỏ.
Là người Hoa Kỳ gốc Á, nữ TikToker cũng nhận định bối cảnh ủng hộ dự luật cấm TikTok xuất phát từ nỗi sợ hãi ứng dụng và phân biệt chủng tộc.
"Trong thâm tâm, tôi có cảm giác như CEO Chew đang thắc mắc tại sao dự luật được đưa ra, nó bắt nguồn từ chứng bài ngoại (sợ những người không giống mình về màu da, sắc tộc, xuất thân, v.v), ngoài ra không có nhiều bằng chứng khác phù hợp để lý giải cho quyết định này", TikToker Okamoto chia sẻ.
Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng mối lo ngại về an ninh quốc gia xung quanh TikTok chỉ là kịch bản giả định, mặc dù có khá nhiều thông tin liên quan. Nhiều nhà lập pháp dự đoán dự luật sẽ giúp ngăn chặn Chính phủ Trung Quốc truy cập dữ liệu người dùng TikTok tại Hoa Kỳ, dẫu vậy các quan chức nước này không công khai bằng chứng cụ thể.
Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ lo ngại rằng đất nước tỷ dân có thể buộc công ty mẹ ByteDance của TikTok bàn giao dữ liệu, từ đó chính quyền Bắc Kinh có thể xác định một số mục tiêu tình báo, tiến hành truyền thông chủ động hoặc đưa thông tin sai lệch.
Tuy nhiên, tất cả content creator được CNN phỏng vấn đều khẳng định chưa xem bất kỳ nội dung nào trên TikTok mang mục đích tuyên truyền từ Trung Quốc.
SỨ MỆNH CỦA NHỮNG NHÀ SÁNG TẠO NỘI DUNG
Khi đang dạo quanh Quảng trường Thời đại vào năm 2021, cô Teddy Siegel bất ngờ nhận ra điều kinh hoàng mà nhiều du khách tới thành phố New York gặp phải: Cô muốn đi vệ sinh và không có nơi nào để đi.
Siegel bắt đầu tìm đến các cửa hàng ven đường xin đi vệ sinh nhờ nhưng không chỗ nào đồng ý cả, cho đến khi cô bước vào nhà hàng McDonald, cho phép cô sử dụng vệ sinh, đổi lại sau đó là mua hàng.
Để nhớ vị trí cửa hàng cho lần tiếp theo, Siegel đã quay video lại và lưu vào điện thoại. Từ đấy, tài khoản TikTok @Got2GoNYC ra đời, nhằm mục đích lập bản đồ và chỉ dẫn đường đi tới tất cả nhà vệ sinh công cộng trong thành phố.
Nội dung hài hước, độc đáo đi kèm với sự phẫn nộ từ những nhu cầu cơ bản không được đáp ứng của Siegel giúp kênh đạt hơn 185.000 người theo dõi trên ứng dụng và khoảng nửa triệu người theo dõi đa nền tảng.
Cô cho rằng Chính phủ Hoa Kỳ đang cản trở sứ mệnh của cô trong việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng, thiếu nhà vệ sinh có sẵn tại không gian công cộng, giúp mọi người từ khắp nơi trên thế giới nhanh chóng được hỗ trợ.
TikToker Siegel khẳng định: "TikTok đã thực sự giúp tôi không chỉ mở đường cho một phong trào, mà còn khuếch đại sứ mệnh cao cả theo cách dễ tiếp cận hơn".
Siegel là một trong những nhà sáng tạo lên tiếng chống lại quyết định họ coi là hạn chế vô lý đối với quyền phát ngôn và hoạt động kinh tế của bản thân.
Nhiều nhà sáng tạo nội dung cảnh báo rằng dự luật yêu cầu TikTok tìm chủ sở hữu mới trong vòng vài tháng hoặc bị cấm trên tất cả cửa hàng ứng dụng tại Hoa Kỳ tạo ra thời hạn không thực tế cho công ty truyền thông xã hội giải quyết vấn đề, gần như chắc chắn sẽ phá vỡ các cộng đồng sinh hoạt chung mà họ đã dày công gây dựng và không thể dễ dàng sao chép ở bất kỳ nền tảng nào khác.
GẮN KẾT CỘNG ĐỒNG
“Bầu không khí” được tạo ra trên TikTok giản dị và chân thực hơn nhiều so với đa số lựa chọn thay thế như Instagram và thuật toán đề xuất của ứng dụng cũng tốt hơn nhiều trong việc mở rộng tầm nhìn người dùng, giúp họ khám phá nội dung sáng tạo mới hàng ngày. Hàng loạt lợi thế đó là lý do tại sao TikTok có thể xây dựng cộng đồng theo những cách mà phần lớn nền tảng khác không thể, vì vậy công ty nên tiếp tục phục vụ người dùng Hoa Kỳ.
Prnce, người đã gặp chồng mình thông qua TikTok, không chỉ ca ngợi ứng dụng này đã tác thành cho cuộc hôn nhân của cô mà còn giúp đỡ khoảng 50 cư dân Utah đồng tính làm quen và gắn kết với nhau. Những người đó sẽ không gặp nhau, Prnce nhớ lại, nếu không có sự kiện phi lợi nhuận do @officiallyverygay tổ chức nhằm hỗ trợ một quán bar không cồn đang gặp khó khăn ở Thành phố Salt Lake. Điểm chung duy nhất giữa những con người xa lạ là gì? Tất cả họ đều theo dõi cùng một tài khoản TikTok và cùng được truyền cảm hứng thông qua nền tảng.