21:53 10/12/2024

Những quốc gia đang áp dụng chính sách giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội

Sơn Trần

Australia đã chính thức cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, gợi mở cho nhiều quốc gia khác xem xét ban hành lệnh hạn chế tương tự…

Australia thông qua luật được đánh giá "nghiêm ngặt nhất thế giới" về mạng xã hội, trong đó cấm hoàn toàn trẻ dưới 16 tuổi sử dụng TikTok, Facebook…
Australia thông qua luật được đánh giá "nghiêm ngặt nhất thế giới" về mạng xã hội, trong đó cấm hoàn toàn trẻ dưới 16 tuổi sử dụng TikTok, Facebook…

Khi các nền tảng mới liên tục ra đời và điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến, việc sử dụng mạng xã hội của thanh thiếu niên đang dần trở nên mất kiểm soát, theo Tech Co.

Theo nghiên cứu, hơn 93% thanh thiếu niên Hoa Kỳ sử dụng mạng xã hội, trong đó 70% cho biết họ bị nghiện cảm giác “lướt” trên điện thoại. Không có gì ngạc nhiên khi đây là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu.

Mới đây, Australia đã tạo nên lịch sử khi ban hành lệnh cấm trẻ em dưới 16 tuổi truy cập mạng xã hội, được đánh giá là “nghiêm ngặt nhất thế giới”. Nhiều chuyên gia dự đoán, thế giới đang chuẩn bị chứng kiến làn sóng các thông báo tương tự. Vậy những quốc gia nào đang triển khai biện pháp hạn chế thói quen sử dụng mạng xã hội của thanh thiếu niên? 

HOA KỲ

Luật liên bang liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội của thanh thiếu niên tại Hoa Kỳ hiện khá khiêm tốn. Theo Quy định về Bảo vệ Quyền Riêng tư Trực tuyến Trẻ em, những người dưới 13 tuổi cần có sự đồng ý của phụ huynh trước khi đăng ký trên nền tảng như TikTok, Facebook và X. Gần đây, Đạo luật "Bảo vệ Trẻ em trên Mạng Xã hội" yêu cầu nền tảng mạng xã hội phải xác minh độ tuổi của người dùng.

Về hạn chế của tiểu bang, Thống đốc California Gavin Newsom gần đây đã ký một dự luật nhằm giải quyết vấn đề nghiện mạng xã hội ở thanh thiếu niên. Dự luật này có hiệu lực vào năm 2027, ngăn các nền tảng, bao gồm TikTok, điều chỉnh nội dung cho trẻ em dựa trên những gì trẻ chia sẻ hoặc những gì thuật toán thu thập được.

AUSTRALIA

Tháng 11 năm 2024, Australia đã phê duyệt lệnh cấm sử dụng mạng xã hội đối với trẻ em dưới 16 tuổi. Quyết định này áp dụng cho hầu hết nền tảng như TikTok, Twitter và Facebook. YouTube được miễn trừ vì trang video này được cho là mang tính giáo dục.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese, cho biết có một "mối liên hệ nhân quả rõ ràng giữa thói quen sử dụng mạng xã hội và sức khỏe tâm thần giới trẻ".

VƯƠNG QUỐC ANH

Ở phía bên kia Đại Tây Dương, các nhà lập pháp Vương quốc Anh thông qua Đạo luật An toàn Trực tuyến vào năm 2023. Dự luật quan trọng này yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn, bao gồm hạn chế về độ tuổi. Dự luật dự kiến có hiệu lực vào năm sau.

Trong thời gian này, giới hoạch định chính sách kêu gọi thắt chặt việc sử dụng mạng xã hội của thanh thiếu niên. Bộ trưởng Bộ Khoa học, Sáng tạo và Công nghệ Peter Kyle, tuyên bố lệnh cấm giống Australia đối với trẻ em dưới 16 tuổi "đang được xem xét," đồng thời hứa sẽ "làm mọi thứ cần thiết" để bảo vệ giới trẻ khỏi tác hại của mạng xã hội, BBC đưa tin.

NA UY

Na Uy công bố kế hoạch nâng độ tuổi hạn chế sử dụng mạng xã hội từ 13 lên 15 tuổi.
Na Uy công bố kế hoạch nâng độ tuổi hạn chế sử dụng mạng xã hội từ 13 lên 15 tuổi.

Gần đây, Na Uy đã công bố kế hoạch nâng độ tuổi hạn chế sử dụng mạng xã hội từ 13 lên 15. Thừa nhận rằng đây là "cuộc chiến khó khăn", Thủ tướng Jonas Gahr Støre kêu gọi các chính trị gia bảo vệ giới trẻ khỏi nền tảng "đang tấn công vào bộ não của trẻ nhỏ", theo báo The Guardian.

Mặc dù đã có lệnh cấm hiện hành, thống kê cho thấy 58% trẻ 10 tuổi và 72% trẻ 11 tuổi vẫn sử dụng mạng xã hội. Đối mặt với vấn đề này, chính phủ Na Uy đang khẩn trương triển khai một số biện pháp khác nhằm đảm bảo thành công cho lệnh cấm mới, trong đó có yêu cầu phải sở hữu tài khoản ngân hàng như một hình thức xác minh.

PHÁP

Vào năm 2023, chính phủ Pháp ban hành luật cấm trẻ em dưới 15 tuổi truy cập các dịch vụ trực tuyến mà không có sự đồng ý của phụ huynh. Trong khi quy định về dữ liệu của Liên minh Châu Âu (EU) yêu cầu thanh thiếu niên từ 16 tuổi trở lên mới được phép đồng ý để dữ liệu của mình được xử lý, các quốc gia thành viên có thể giảm độ tuổi nếu thấy phù hợp.

Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi Châu Âu tiêu chuẩn hóa tuổi 15 là "tuổi trưởng thành số", giúp phụ huynh có cơ sở để quyết định xem con cái có nên sử dụng mạng xã hội trước 15 tuổi hay không.

ĐỨC

Tại Đức, thanh thiếu niên từ 13 đến 16 tuổi hiện cần có sự đồng ý của phụ huynh để sử dụng mạng xã hội. Mặc dù quy định này khá khiêm tốn, nhưng cần lưu ý rằng mức độ sử dụng mạng xã hội ở Đức tương đối thấp so với các quốc gia khác. Theo nghiên cứu của Pew Research Center, 79% người dưới 40 tuổi sử dụng mạng xã hội ở Đức, trong khi con số này là 90% ở Pháp.

Mặc dù hiện tại, Đức chưa có kế hoạch thông qua một số lệnh cấm tương tự như Australia, nhưng giới bảo vệ quyền trẻ em vẫn mong muốn có thêm các hạn chế.

ITALY

Luật pháp Italy quy định trẻ em dưới 14 tuổi phải có sự đồng ý của phụ huynh trước khi đăng ký tài khoản mạng xã hội. Tuy nhiên, theo Viện Y tế Cao cấp, quy định này dường như không ngăn được giới trẻ. Báo cáo cho biết, 4/5 thanh thiếu niên Italy sử dụng mạng xã hội hàng ngày, trong đó 10% thể hiện " việc sử dụng có vấn đề". Đặc biệt, 40% trẻ em gái dưới 13 tuổi cho biết cũng có vấn đề với việc sử dụng mạng xã hội.

HÀN QUỐC

Hàn Quốc đã ban hành "Cinderella Law" từ năm 2011, nhưng hiện đã bãi bỏ. Luật này cấm thanh thiếu niên dưới 16 tuổi sử dụng trang web trò chơi từ nửa đêm đến 6 giờ sáng. Mục đích ban đầu của luật là hạn chế tình trạng nghiện game ở giới trẻ.

TẠI SAO CÁC QUỐC GIA MUỐN BAN HÀNH LỆNH CẤM SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI ĐỐI VỚI THANH THIẾU NIÊN?

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mạng xã hội và thanh thiếu niên nên tách biệt xa nhau.

Sức khỏe tâm thần của giới trẻ đang ngày càng tồi tệ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trên toàn cầu, trong khoảng từ 10 đến 19 tuổi, cứ 7 người sẽ có 1 người gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần, tương ứng với 15% "gánh nặng bệnh tật toàn cầu".

Nguyên nhân thì rất phức tạp và đa dạng, trong đó không thể phủ nhận rằng sự bùng nổ thông tin sai lệch, vô số "bộ lọc làm đẹp" và việc sử dụng AI tràn lan đóng góp một phần vào thực trạng này.