15:20 20/05/2024

Quỹ responsAbility: “Có cơ hội phù hợp, chúng tôi sẽ xử lý quyết liệt và cố gắng đầu tư ngay lập tức”

Bảo Bình

responsAbility là một công ty quản lý quỹ tạo tác động có trụ sở tại Thụy Sỹ. Quỹ đã thực hiện đầu tư tác động hơn 21 năm tính từ thời điểm 2003 khi công ty mới thành lập. Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 trên toàn cầu của quỹ responsAbility…

Ông Bùi Quang Duy, Phó Giám đốc Toàn cầu BP Tài chính Khí hậu mảng Định chế tài chính, Công ty quản lý quỹ toàn cầu responsAbility
Ông Bùi Quang Duy, Phó Giám đốc Toàn cầu BP Tài chính Khí hậu mảng Định chế tài chính, Công ty quản lý quỹ toàn cầu responsAbility

Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Quang Duy, Phó Giám đốc Toàn cầu BP Tài chính Khí hậu mảng Định chế tài chính, Công ty quản lý quỹ toàn cầu responsAbility, về tín dụng xanh cũng như vai trò của công nghệ trong chiến lược chuyển đổi xanh tại Việt Nam.

VẤN ĐỀ CỦA TÍN DỤNG XANH KHÔNG CÒN LÀ “TẠI SAO PHẢI LÀM”, MÀ LÀ “LÀM NHƯ THẾ NÀO”

Xin được bắt đầu cuộc trò chuyện hôm nay bằng câu hỏi, doanh nghiệp phải bắt đầu từ đâu để có chiến lược xanh?

Đối với các quỹ như responsAbility, cách tiếp cận của chúng tôi sẽ bao gồm ba bước. Thứ nhất là chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp rà soát thị trường. Có nghĩa là dựa trên những tiêu chí thế nào là xanh của quỹ, chúng tôi sẽ phân tích thị trường, rà soát các ngành nghề chính và từ đó xác định các cơ hội tín dụng xanh. 

Bước thứ hai, chúng tôi sẽ làm việc sâu sắc hơn với ban lãnh đạo của doanh nghiệp để lồng ghép các yếu tố về tiềm năng, cơ hội trên thị trường với thực tiễn nội tại của chính doanh nghiệp. Từ đó giúp họ đưa ra cái gọi là chiến lược phát triển xanh, tín dụng xanh, bao gồm các công việc liên quan đến phát triển sản phẩm, hỗ trợ chuyển đổi xanh cũng như những công tác liên quan đến quản lý rủi ro môi trường xã hội, giúp doanh nghiệp phát triển thật sự bền vững. 

Bước thứ ba và cũng là sau khi đã được giải ngân, chúng tôi sẽ có những đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn về tài chính khí hậu để cùng với doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai các dự án tín dụng xanh, nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất.

Được biết, quỹ responsAbility hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái xanh hoàn chỉnh. Vậy như thế nào gọi là một hệ sinh thái xanh hoàn chỉnh? Làm thế nào để xây dựng hệ sinh thái xanh hoàn chỉnh tại Việt Nam? 

Theo những gì chúng tôi thấy trên thị trường thời gian qua, chủ đề phát triển xanh, tín dụng xanh nói chung đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các cơ quan, ban ngành và cũng như các đơn vị và tổ chức trên thị trường. Tuy nhiên tôi nghĩ đang có một vấn đề, nghĩa là rất nhiều tổ chức quan tâm song mỗi bên, mỗi đơn vị đều đang tự làm công việc của mình, nó thiếu mất một yếu tố về xử lý đồng bộ hóa ở đây.

Đấy chính là xuất phát điểm khiến chúng tôi muốn xây dựng một hệ sinh thái xanh hoàn chỉnh. Hội thảo về tài chính khí hậu toàn cầu 2024 do responsAbility tổ chức từ ngày 13 - 17/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt, cũng nhằm mục tiêu này. Trong khuôn khổ của hội thảo, chúng tôi đã tổ chức một số hoạt động và tập trung rất nhiều lãnh đạo cấp cao các cơ quan quản lý, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan đến chủ đề tín dụng xanh. 

Chúng tôi muốn các đơn vị cùng ngồi lại, trao đổi với nhau để các bên chia sẻ định hướng, các vấn đề cần tập trung tại thời điểm này và sau đó chúng ta sẽ thấy được cơ hội, cùng nhau hợp tác đẩy mạnh thị trường chuyển đổi xanh cho Việt Nam. Thông qua đó, trên cơ sở hợp tác, các bên sẽ cùng hỗ trợ các cơ quan hoàn thiện khung pháp lý. Hiện nay doanh nghiệp và định chế tài chính trong nước đang gặp phải vấn đề về việc định nghĩa như thế nào là tín dụng xanh, chuyển đổi xanh…

Hội thảo Đối tác khí hậu toàn cầu 2024 đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế và xây dựng năng lực thúc đẩy tài chính khí hậu ở Việt Nam.
Hội thảo Đối tác khí hậu toàn cầu 2024 đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế và xây dựng năng lực thúc đẩy tài chính khí hậu ở Việt Nam.

Tôi nghĩ trước mắt chúng ta cần có các công cụ, các thang đo lường, sau đó, các bên đối tác của chúng tôi, những tổ chức có nguồn vốn, nguồn lực, sẽ kỹ thuật hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Dựa vào đó, chúng tôi sẽ lên khung kịch bản đầy đủ để xem vai trò, trách nhiệm của từng bên như thế nào, đặc biệt là dựa trên chuyên môn và những dự án đã và đang làm, tiến tới hoàn thiện câu chuyện về hệ sinh thái xanh của Việt Nam.

Ông có thể cho biết những thách thức, khó khăn trong việc triển khai tín dụng xanh tại Việt Nam?

Câu chuyện về tín dụng xanh không còn là câu hỏi why (tại sao). Nhìn vào một vài năm trước, xu hướng này còn khá mới ở Việt Nam nhưng so với thế giới thì không còn mới nữa. Trong số những chủ đề đầu tư tác động trên toàn cầu hiện nay, câu chuyện về chống biến đổi khí hậu, về tài chính khí hậu đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của tất cả các bên, khối công - tư, các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý quỹ tại các thị trường nước ngoài. Tất cả cho thấy áp lực chuyển đổi xanh và bền vững đã, đang rất hiện hữu rồi.

Như vậy, khó khăn hiện nay là how (làm như thế nào). Thực tế, định nghĩa thế nào là xanh cũng chưa rõ hay tiêu chuẩn đo lường như thế nào là phù hợp. Ví dụ như các quỹ của chúng tôi thì chúng tôi nói rằng chỉ những dự án tạo ra mức tiết kiệm năng lượng đáng kể và cam kết giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính dự kiến mới đủ điều kiện nhận tài trợ và được xem là một khoản vay xanh phù hợp.

Các quỹ khác có thể có những tiêu chí khác của họ, và như thế sẽ dẫn đến một vấn đề cho các doanh nghiệp. Chúng ta xác định như thế nào là 20%, đo lường theo tiêu chuẩn, tiêu chí nào.  Chính vì thế, cần có những gói hỗ trợ kỹ thuật để giúp doanh nghiệp xác định thế nào đường cơ bản (baseline). Dựa trên đó chúng ta đo lường hiệu quả thực tế của từng khoản vay xanh và như thế chúng ta biết được tại mọi thời điểm mình đang ở đâu và tác động tích cực mà chúng ta tạo ra từ hoạt động này là như thế nào. 

CÔNG NGHỆ SẼ ĐÓNG GÓP 40% “THANG ĐIỂM” CHO CÁC DỰ ÁN XANH

Công nghệ số đóng vai trò gì trong các chiến lược xanh này?

Công nghệ số là một phần rất quan trọng trong câu chuyện chuyển đổi xanh. Theo quan điểm của chúng tôi, để đạt được hiệu quả phát triển xanh và bền vững, có một cấu phần rất quan trọng liên quan đến việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Trong vấn đề này, vai trò của công nghệ sẽ rất mạnh mẽ.

Một cách đơn giản và dễ hiểu nhất, đó là áp dụng công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp giảm thải những chi phí hoạt động thông thường như chi phí in ấn, đi lại, vận hành …. Áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh cũng sẽ giúp tiết giảm rất lớn cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ giảm đi dấu chân carbon của mình, sâu xa hơn, sẽ giảm tác động đến khí hậu. 

Nếu tất cả các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đều hướng đến sử dụng những công nghệ mới, hiệu quả hơn, tiên tiến hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì hiệu quả lan tỏa sẽ rất lớn. Lúc đó, các doanh nghiệp chung tay hướng đến tiết giảm phát thải ròng vào bầu khí quyển, sử dụng ít năng lượng và sử dụng hiệu quả hơn. Từ đó chúng ta có thể chống lại được những tác động biến đổi khí hậu.

Có thể thấy công nghệ đóng một vai trò rất lớn trong chiến lược xanh. Như vậy, khi quỹ thẩm định các dự án của các startup hay doanh nghiệp để quyết định rót vốn, công nghệ sẽ đóng góp bao nhiêu phần trăm thành công cho doanh nghiệp? 

Về phần thẩm định, tôi nghĩ nếu nói một cách chính xác thì công nghệ sẽ đóng vai trò là một phần trong khẩu vị đầu tư của các quỹ. Chúng tôi phải xác định những doanh nghiệp sẽ hoặc đang sử dụng công nghệ phù hợp như thế nào trong bối cảnh chung về chống biến đổi khí hậu.

Trong quyết định đầu tư, như tôi đã nói sẽ có hai phần. Thứ nhất là thẩm định để giải ngân đầu tư và thứ hai là lên các phương án hỗ trợ kỹ thuật và triển khai chiến lược tín dụng xanh. Theo tôi thấy những yếu tố công nghệ sẽ liên quan trực tiếp đến phần thứ hai nhiều hơn. Chúng tôi sẽ đánh giá công nghệ phù hợp như thế nào so với chiến lược tín dụng xanh và chiến lược phát triển xanh của doanh nghiệp.

Vâng, cụ thể hơn một chút, thì công nghệ sẽ đóng góp được bao nhiêu “phần trăm điểm”?

Tôi nghĩ là ít nhất cũng phải 40%.

3 LÝ DO VIỆT NAM LÀ THỊ TRƯỜNG LỚN THỨ 2 TOÀN CẦU CỦA QUỸ RESPONSABILITY 

Được biết Việt Nam là thị trường lớn thứ hai toàn cầu của responsAbility. Lý do của sự chọn lựa này là gì và những tiêu chí quan trọng khi quỹ đánh giá một thị trường để đầu tư? Ngoài ra, quỹ responsAbility đang hướng đến mục tiêu gì khi đầu tư vào Việt Nam?

Tôi nghĩ có ba lý do chính.

Thứ nhất, Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng rất tốt. Dĩ nhiên trong các năm qua, nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn nhất định và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. Tuy nhiên nhìn chung cả ngắn, trung và dài hạn, rõ ràng xu hướng tăng trưởng vẫn rất tốt, nằm trong top những thị trường hấp dẫn nhất ở khu vực Châu Á và một phần nào đó là cả toàn cầu.

Lý do thứ hai là khu vực pháp lý và những ủng hộ từ cơ quan quản lý các cấp tại Việt Nam rất mạnh mẽ và tích cực. Đơn cử như câu chuyện phát triển xanh, phát triển bền vững, từ cấp cao nhất Thủ tướng Chính phủ đã có những cam kết tại các hội nghị toàn cầu COP26, 27, 28 về phát thải ròng bằng 0. Đó là những yếu tố nền tảng rất quan trọng khi các quỹ đầu tư nước ngoài cân nhắc và thực hiện đầu tư vào Việt Nam. 

 
Ông Bùi Quang Duy, Phó Giám đốc Toàn cầu BP Tài chính Khí hậu mảng Định chế tài chính, Công ty quản lý quỹ toàn cầu responsAbility
Ông Bùi Quang Duy, Phó Giám đốc Toàn cầu BP Tài chính Khí hậu mảng Định chế tài chính, Công ty quản lý quỹ toàn cầu responsAbility

"Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng rất tốt. Dĩ nhiên trong các năm qua, nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn nhất định và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. Tuy nhiên nhìn chung cả ngắn, trung và dài hạn, rõ ràng xu hướng tăng trưởng vẫn rất tốt, nằm trong top những thị trường hấp dẫn nhất ở khu vực Châu Á và một phần nào đó là cả toàn cầu.

Việt Nam hiện là thị trường lớn thứ hai toàn cầu, trong bối cảnh quỹ của chúng tôi đang hoạt động ở gần 100 quốc gia".

Yếu tố thứ ba, quay trở lại câu chuyện về hệ sinh thái, chúng tôi đã có những năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, có đội ngũ nhân sự ở Việt Nam, chúng tôi đã xây dựng và phát triển mạng lưới các đối tác, đơn vị hỗ trợ. Điều đó cho phép chúng tôi thực hiện đầu tư một cách bài bản.

Việt Nam hiện là thị trường lớn thứ hai toàn cầu, trong bối cảnh quỹ của chúng tôi đang hoạt động ở gần 100 quốc gia. Tôi nghĩ đó là một kết quả phản ánh rất đầy đủ những yếu tố tích cực chúng tôi thấy ở thị trường Việt Nam. Trong khuôn khổ những sự kiện về xây dựng năng lực mà chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện tại Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm những cơ hội để tiếp tục đầu tư và hợp tác với các đối tác khác ở trong thị trường.

Ông có thể chia sẻ kế hoạch ngắn hạn của quỹ trong năm nay và sang năm tại thị trường Việt Nam cụ thể là như thế nào?

Nếu mà nói về kế hoạch ngắn hạn thì như tôi đã chia sẻ, sau khi tổ chức Hội thảo Đối tác khí hậu toàn cầu 2024, chúng tôi sẽ dựa trên những kết quả tích cực đã đạt được trong sự kiện để tiếp tục phát triển thêm các dự án, có thể là hợp tác song phương với các đối tác chính hoặc hợp tác đa phương theo phương diện là một nhóm làm việc để xây dựng hệ sinh thái.

Hội thảo vừa qua là một sự kiện về tín dụng xanh, tài chính xanh khá toàn diện, với đầy đủ thành phần tham dự của các cơ quan lãnh đạo cấp cao liên quan đến chính sách, xu hướng phát triển xanh, xoay quanh chủ đề triển khai tín dụng xanh cho doanh nghiệp như thế nào, đặc biệt là đối với nhóm các doanh nghiệp làm về năng lượng tái tạo, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sau đó chúng tôi cũng có những hội thảo về tín dụng xanh cho khối định chế tài chính các ngân hàng, công ty tài chính trong nước. Khối định chế tài chính này là những đơn vị rất là phù hợp, như một cánh tay nối dài của các quỹ, trong đó có quỹ responsAbility, lan tỏa những hiệu ứng về tín dụng xanh tại thị trường Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển những hoạt động đó, đồng thời tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư. Ngay cả trong cuộc hội thảo này, chúng tôi cũng có những đối tác mới rất cam kết đã đến và lắng nghe những câu chuyện thực tiễn. Nhìn vào triển vọng trong những tháng sắp tới của năm 2024, chúng tôi đánh giá rất tích cực.

Một câu hỏi cuối cùng, quỹ responsAbility mong muốn và kỳ vọng sẽ đầu tư một con số là bao nhiêu vào thị trường Việt Nam?

Với một chiến lược tập trung vào những thị trường nhiều tiềm năng như Việt Nam, chúng tôi xác định khi nào có cơ hội phù hợp, chúng tôi sẽ xử lý quyết liệt và cố gắng đầu tư ngay lập tức.

Thông thường, chúng tôi không đưa ra một con số cụ thể vì có những năm chúng tôi sẽ làm rất nhiều, có những năm thị trường khó khăn chúng tôi sẽ làm chậm hơn một chút, nhưng mà tựu chung lại thì responsAbility định hướng phát triển và tập trung hơn ở Việt Nam.