Áp lực bán cực thấp, thị trường quay đầu phục hồi
Nhu cầu thoát hàng vẫn xuất hiện trong sáng đầu tuần bất chấp cuối tuần qua thông tin kinh tế vĩ mô quý 3 được công bố khá tích cực. Một nhịp trượt giảm kéo khá dài, chủ yếu do hiệu ứng của việc giảm mua hơn là tăng bán. Thanh khoản sàn HoSE sáng nay giảm mạnh 21% so với phiên trước, ở mức thấp nhất 14 phiên trong khi toàn thời gian số cổ phiếu xanh luôn áp đảo số giảm...
Nhu cầu thoát hàng vẫn xuất hiện trong sáng đầu tuần bất chấp cuối tuần qua thông tin kinh tế vĩ mô quý 3 được công bố khá tích cực. Một nhịp trượt giảm kéo khá dài, chủ yếu do hiệu ứng của việc giảm mua hơn là tăng bán. Thanh khoản sàn HoSE sáng nay giảm mạnh 21% so với phiên trước, ở mức thấp nhất 14 phiên trong khi toàn thời gian số cổ phiếu xanh luôn áp đảo số giảm.
VN-Index tăng tốt nhất ngay vài phút sau khi có giá mở cửa, chỉ số đạt đỉnh trên tham chiếu hơn 8 điểm. Tuy nhiên ngay sau đó là một đợt trượt giảm, chỉ số chạm đáy thứ nhất lúc 10h25 và đáy thứ hai tương đương lúc 11h, chỉ còn tăng hơn 1 điểm. Từ đáy này thị trường hồi dần trong 30 phút cuối, chốt phiên sáng VN-Index 4,25 điểm tương đương +0,33%.
Nhịp trượt giảm này cho thấy sức ép từ bên bán có phần vượt trội so với sức mua, nhưng cũng cho thấy bên bán không thực sự xả hàng quyết liệt. Đầu tiên là độ rộng: Tại đỉnh vài phút đầu tiên VN-Index ghi nhận 223 mã tăng/49 mã giảm. Đến lúc 10h25 là 188 mã tăng/134 mã giảm, lúc 11h có 187 mã tăng/146 mã giảm và cuối phiên là 216 mã tăng/130 mã giảm. Có thể thấy dù chỉ số trượt dốc nhưng không đỏ, đồng thời cổ phiếu giữ giá trên tham chiếu nhiều hơn.
Thứ hai là thanh khoản, giá suy yếu dần nhưng thanh khoản sáng nay rất thấp, sàn HoSE chỉ khớp gần 4.323 tỷ đồng, giảm hơn 21% so với sáng phiên thứ Sáu tuần trước. Nếu người bán thực sự xả hàng thì thanh khoản đã cao hơn nhiều và giá đỏ trên diện rông. Hiệu ứng trượt giá này có yếu tố giảm mua nhiều hơn. Hai phiên cuối tuần trước thị trường giảm mạnh và có một ngày giao dịch rất lớn. Đến sáng nay nhu cầu bán đã giảm đáng kể.
Dĩ nhiên thanh khoản thấp cũng chưa thể hiện dòng tiền vào mua một cách quyết liệt. Trong 30 phút cuối, giá mới từ từ hồi tốt hơn và giao dịch vẫn rất chậm. Đây mới chỉ là giai đoạn đầu thay đổi trong tâm lý giao dịch khi bên bán đã xả xong và bên mua bắt đầu nâng giá dần lên. Biên độ phục hồi giá từ mức thấp nhất của cổ phiếu cũng còn hạn chế. Thống kê trên HoSE, mới có khoảng 18,4% số mã phát sinh giao dịch ở sàn này chốt giá cuối phiên sáng cao hơn mức đáy từ 1% trở lên. Dù vậy đại đa số cổ phiếu (72%) đã chốt giá cao hơn mức thấp nhất buổi sáng.
Trong 216 cổ phiếu tăng giá trong VN-Index, cũng mới chỉ có 58 mã tăng hơn 1% so với tham chiếu, thanh khoản chiếm 35,1% tổng giá trị khớp của sàn. Nhóm ấn tượng nhất là STB tăng 3,02% thanh khoản 242,1 tỷ đồng; ORS tăng 3,48% khớp 158,4 tỷ; TPB tăng 1,45% khớp 118,1 tỷ; MBB tăng 1% khớp 118,1 tỷ; SSI tăng 1,1% với 110,7 tỷ; HCM tăng 1,81% với 101,6 tỷ; VCI tăng 1,24% với 98 tỷ. Có thể thấy nhóm ngân hàng và chứng khoán đang thu hút dòng tiền vượt trội và có hiệu ứng giá tương xứng với thanh khoản. Tất cả các mã này đều có một nhịp “uốn” giá trong phiên sáng, một số thậm chí còn xuống dưới tham chiếu trước khi hồi lên mạnh mẽ, đạt biên độ phục hồi khá ấn tượng.
Phía giảm giá vẫn đang phù hợp với trạng thái bán yếu, dù vẫn còn 130 mã đỏ. Trong số này có 40 mã giảm hơn 1% nhưng thanh khoản chỉ chiếm 4,8% toàn sàn HoSE. Rất ít cổ phiếu xuất hiện thanh khoản cao, có thể kể tới HDB giảm 1,28% khớp 130,2 tỷ; OCB giảm 1,17% khớp 28 tỷ; HAG giảm 1,34% khớp 27,8 tỷ. Ngoài ra chỉ vài cổ phiếu khác giao dịch được 2-3 tỷ đồng mỗi mã.
Thanh khoản thấp, cổ phiếu xanh nhiều và đại đa số thoát giá đáy là một tín hiệu tốt sau nhịp điều chỉnh tăng tốc cuối tuần qua. Trong một xu hướng giảm thì bên bán sẽ là những người quyết định thanh khoản, còn bên mua hầu hết là thụ động chờ ở các mức giá sâu. Nếu giá giảm ít và cạn kiệt thanh khoản tức là người bán đã không còn thoát hàng một cách quyết liệt nữa.
Nhóm cổ phiếu blue-chips sáng nay cũng giữ khá ổn định, dù không tăng mạnh. VN30-Index đang tăng 0,45% với 20 mã xanh/6 mã đỏ. Cổ phiếu ngân hàng vẫn là trụ tốt nhất của VN-Index khi 4 mã kéo điểm nhiều nhất là STB, TCB, MBB và CTG. Dù vậy từ góc độ vốn hóa, trong 10 mã lớn nhất thị trường, không cổ phiếu nào tăng quá 1%, mạnh nhất là TCB +0,83%. Điều này khiến VN-Index chỉ có thể không đỏ, chứ chưa đủ lực để tăng tốt hơn. Yếu tố quyết định vẫn phải chờ dòng tiền nâng giá quyết liệt hơn.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang giảm cường độ giao dịch rất nhiều, tổng giá trị mua trên HoSE sáng nay chỉ đạt 294,4 tỷ đồng, mức thấp lịch sử kể từ đầu năm. Bên bán cũng yếu, đạt 417,5 tỷ đồng, tương ứng mức bán ròng khoảng 123 tỷ. Duy nhất 2 mã bị bán đáng kể là HDB -45,6 tỷ ròng và VPB -31,8 tỷ. Bên mua cũng chỉ có STB +64,4 tỷ là nổi bật.