Bán vẫn “nhẹ tay”, thị trường lại tăng tốc
Mặc dù có thêm lượng hàng khá lớn có lãi về tài khoản chiều nay, nhưng dường như nhà đầu tư vẫn “găm hàng” là chính, khiến áp lực bán không tăng lên. Trong khi đó bên mua có chút sốt ruột, bắt đầu nâng giá. VN-Index chốt phiên ở mức tăng cao nhất ngày, với số mã tăng nhiều gấp đôi số giảm...
Mặc dù có thêm lượng hàng khá lớn có lãi về tài khoản chiều nay, nhưng dường như nhà đầu tư vẫn “găm hàng” là chính, khiến áp lực bán không tăng lên. Trong khi đó bên mua có chút sốt ruột, bắt đầu nâng giá. VN-Index chốt phiên ở mức tăng cao nhất ngày, với số mã tăng nhiều gấp đôi số giảm.
Chỉ số đóng cửa tăng 1,2%, tương đương +12,88 điểm so với tham chiếu. Như vậy chỉ trong 4 phiên bật lên từ đáy, VN-Index đã tăng tới gần 62 điểm, xấp xỉ 6%. Biên độ này lớn gần gấp đôi mức tăng trong tuần bật nảy đầu tháng 10, vốn là một bull-trap trước khi thị trường lao xuống.
Cổ phiếu trong 4-5 phiên vừa qua đạt hiệu suất lợi nhuận khá cao và điều này vẫn tạo nên áp lực chốt lời. Phiên cuối tuần trước là ví dụ về lực cản ngắn hạn này. Hôm nay thị trường cũng bị chốt lời, nhưng thanh khoản sụt giảm đáng kể. Riêng phiên chiều hai sàn niêm yết cũng chỉ giao dịch được thêm 6.973 tỷ đồng, thấp hơn chiều hôm thứ Sáu vừa rồi khoảng 22%. Như vậy so với phiên trước, áp lực bán chiều nay là khá thấp.
Điều này hỗ trợ cơ hội cho giá tăng khá thuận lợi khi bên mua bắt đầu nâng dần giá lên. Kết phiên sáng VN-Index ghi nhận 264 mã tăng/218 mã giảm, đến khoảng 2h đã là 327 mã tăng/191 mã giảm. Kết phiên HoSE có 367 mã tăng/176 mã giảm. Thêm nữa, cuối phiên sáng HoSE mới có 77 cổ phiếu tăng trên 1%, đóng cửa là 132 mã.
Nhóm cổ phiếu blue-chips làm rất tốt nhiệm vụ giữ nhịp và đẩy chỉ số lên. VN30-Index đóng cửa tăng 1,6%, tiếp tục mạnh nhất trong các chỉ số nhóm vốn hóa. Hầu hết các mã trong rổ này đều tăng giá tích cực so với phiên sáng, chỉ có 5 mã tụt giá. Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trong VN-Index, có 7 mã tăng trên 1%, bao gồm VHM tăng 1,23%, VPB tăng 5,05%, VIC tăng 1,2%, HPG tăng 2,59%, VNM tăng 1,43%, CTG tăng 1,96%, FPT tăng 1,72%. Hơi tiếc là VCB chỉ nhích thêm được 0,56% nữa chiều nay, nâng tổng mức tăng cả ngày lên 0,67%. BID đứng im ở mức tăng 0,72% từ sáng. GAS nỗ lực phục hồi 1,02% nhưng vẫn chưa đủ vượt qua tham chiếu, còn giảm 0,13%. Nếu các trụ này đồng thuận, VN-Index hoàn toàn có thể bùng nổ thêm.
Dù vậy hôm nay vẫn là một phiên nối tiếp quán tính tăng khá tốt, chủ yếu nhờ bên cầm cổ “găm hàng”. HoSE có 30 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng thì 10 mã tăng từ 2% trở lên và 12 mã tăng trong biên độ 1% tới 2%. Dẫn đầu là VPB tăng 5,05% với 198 tỷ đồng, GEX tăng 4,47% với 300,9 tỷ, STB tăng 3,33% với 778,2 tỷ, VCI tăng 3,2% với 278,2 tỷ, MBB tăng 3,16% với 154,9 tỷ… Trong bối cảnh thanh khoản chung kém, dòng tiền có tín hiệu tập trung vào các blue-chips, giao dịch tại rổ VN30 chiếm trên 42% tổng khớp sàn HoSE. Trong khi đó giao dịch tại nhóm Smallcap chỉ đạt 881,3 tỷ đồng, là phiên thứ 2 liên tục dưới ngưỡng 1.000 tỷ. Có vẻ các nhà đầu tư đã giảm ưa thích hoặc hạn chế giao dịch ở các cổ phiếu nhỏ.
Mức tăng gần 13 điểm hôm nay giúp VN-Index lấy lại quán tính sau phiên “khựng” cuối tuần trước. Thị trường vẫn đang trong trạng thái “tiết cung” và người bán kỳ vọng khá cao khi giữ cổ phiếu vượt qua vòng thanh toán đầu tiên kể từ đáy. Trong ngắn hạn cổ phiếu đang có lãi khá tốt nên động thái “găm hàng” thể hiện sự tự tin. Điểm còn thiếu là dòng tiền vẫn đang có đà hơn là có sức mạnh thật sự. Khối lượng cổ phiếu được tích lại sẽ xuất hiện ở vùng giá cao hơn và sức ép lần tới do đó sẽ mạnh hơn.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng mua ròng khá tích cực với khoảng 350,7 tỷ đồng ròng trên HoSE, khoảng 136,8 tỷ trên HNX và 53,3 tỷ trên UpCOM. Các mã được mua ròng lớn là STB +158,6 tỷ, HPG +119,7 tỷ, SHS +110,7 tỷ, VGV +52,1 tỷ, HSG +39,6 tỷ, GMD +34,4 tỷ, CTG +28,3 tỷ, VHM +28 tỷ, PDR +23,8 tỷ…