Bảo đảm cao nhất công tác y tế phục vụ cho Lễ Quốc tang
Để đảm bảo cao nhất công tác y tế phục vụ Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị liên quan chuẩn bị mọi phương án, nhằm bảo đảm thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh cho Lãnh đạo Đảng và nhà nước, các đại biểu tham dự Quốc tang, Ban tổ chức và nhân viên phục vụ...
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách Quản lý điều hành Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - đơn vị Thường trực của Bộ Y tế đảm bảo công tác y tế phục vụ Quốc tang, trong thời gian diễn ra Quốc tang, các đơn vị cũng bảo đảm phòng chống dịch bệnh, xử lý các tình huống xảy ra khi có trường hợp nghi nhiễm bệnh; bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh ngoại cảnh, khử khuẩn môi trường tại nơi diễn ra Quốc tang.
Cùng với đó, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các khách sạn nơi có lãnh đạo các nước trên thế giới lưu trú, nghỉ ngơi…
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giao Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Cục An toàn thực phẩm, Sở Y tế TP. Hà Nội và Sở Y tế TP. HCM chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Trong đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Văn phòng Ban Bảo vệ sức khoẻ Trung ương làm đầu mối đảm bảo công tác y tế, cấp cứu, khám chữa bệnh tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5, Trần Thánh Tông, TP. Hà Nội, và tháp tùng đoàn đưa linh cữu về nơi án táng cho đến hết Lễ an táng.
Bệnh viện Hữu Nghị làm đầu mối đảm bảo công tác y tế, cấp cứu, khám chữa bệnh tại nơi an táng. Bệnh viện Thống nhất làm đầu mối đảm bảo công tác y tế, cấp cứu, khám chữa bệnh tại Hội trường Thống nhất, TP. HCM.
Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, mỗi bệnh viện bố trí 1 tổ cấp cứu và xe cứu thương để sẵn sàng tham gia, hỗ trợ cấp cứu, khám chữa bệnh.
Tại TP. Hà Nội, Sở Y tế cũng đã ban hành kế hoạch về việc bảo đảm công tác y tế và phòng chống dịch phục vụ lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo đó, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội là đơn vị thường trực trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Đơn vị xây dựng phương án ứng phó với các tình huống cụ thể dịch bệnh và hướng dẫn phòng chống dịch, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, các nơi tổ chức lễ viếng, trên đường di chuyển đến Nghĩa trang Mai Dịch.
Đồng thời, đảm bảo chế độ thường trực phòng chống dịch, sẵn sàng tổ chức triển khai ứng phó khi có tình huống dịch bệnh xảy ra; tổ chức kiểm tra, giám sát, hỗ trợ và báo cáo tình hình dịch bệnh trong thời gian tổ chức lễ tang; tổ chức kiểm tra, giám sát, chất lượng nguồn nước các địa điểm tổ chức lễ tang, các khách sạn lớn nơi đại biểu và khách nước ngoài tham gia lễ viếng lưu trú.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội được giao kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, từ khâu thu mua nguyên liệu ban đầu đến quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm; đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa điểm tổ chức lễ tang, các khách sạn lớn nơi tiếp đón các đoàn đại biểu tham gia lễ viếng.
Cùng với đó, bố trí 1 tổ kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nước uống thường trực trong suốt thời gian lễ tang. Phối hợp với Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng, phòng Y tế huyện Đông Anh thực hiện kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt tại khu vực xung quanh địa điểm tổ chức lễ tang.
Sở Y tế thành phố giao Bệnh viện đa khoa Đông Anh, Bệnh viện Bắc Thăng Long mỗi đơn vị bố trí 1 tổ cấp cứu, gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 xe ôtô cứu thương đầy đủ phương tiện, thuốc cấp cứu, trang thiết bị cần thiết thường trực tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh theo kế hoạch và lịch phân công từ ngày 20/7 tới khi kết thúc lễ tang.
Các bệnh viện: Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa, Hòe Nhai, Tim Hà Nội, Y học cổ truyền Hà Nội, mỗi bệnh viện bố trí 1 tổ cấp cứu, gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 xe ôtô cứu thương đầy đủ phương tiện, thuốc cấp cứu, trang thiết bị cần thiết thường trực tại cơ quan sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Đồng thời, các bệnh viện được phân công phối hợp với Bệnh viện Quân đội 108, bệnh viện Trung ương, bệnh viện bộ ngành đảm bảo y tế sẵn sàng ứng phó các tình huống cấp cứu phục vụ lễ tang.
Các bệnh viện cũng phối hợp các Trung tâm y tế quận, huyện, đơn vị liên quan xử lý cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh truyền nhiềm, trường hợp có nguy cơ cao, nhằm phát hiện người bệnh để cách ly, điều trị. Mỗi đơn vị bố trí sẵn sàng 5-10 giường bệnh để phục vụ lễ tang trong trường hợp có tình huống bất thường xảy ra.
Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội bố trí 3 tổ cấp cứu mỗi tổ gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 xe ôtô cứu thương đầy đủ phương tiện, thuốc cấp cứu, trang thiết bị cần thiết thường trực tại cơ quan sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị các bệnh viện trực thuộc Sở tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, tổ chức thường trực đội cấp cứu cơ động sẵn sàng tại đơn vị, 1 tổ cấp cứu ngoại viện sẵn sàng tham gia cấp cứu, vận chuyển người bệnh khi có yêu cầu, và bố trí sẵn sàng 5-10 giường bệnh để phục vụ lễ tang trong trường hợp có tình huống bất thường xảy ra.