Vì sao Trung Quốc vượt trội hơn phương Tây về nghiên cứu và nhân tài AI?
Báo cáo mới đây cho thấy Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), không chỉ vượt qua Hoa Kỳ, Anh và EU về số lượng công bố mà còn đang xây dựng hệ sinh thái AI độc lập, rộng khắp cả nước…

Trí tuệ nhân tạo giờ đây không chỉ là xu hướng công nghệ mà còn được xem như một tài sản chiến lược quốc gia. Báo cáo từ công ty phân tích nghiên cứu Digital Science, Trung Quốc đang bứt phá mạnh mẽ trong lĩnh vực AI, vượt xa Hoa Kỳ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) về số lượng công bố, đơn đăng ký bằng sáng chế và hoạt động của nhà nghiên cứu, theo Tech Wire Asia.
Báo cáo có tựa đề DeepSeek and the New Geopolitics of AI, do Tiến sĩ Daniel Hook – Giám đốc Điều hành Digital Science – chủ biên, dựa trên dữ liệu cơ sở Dimensions, theo dõi xu hướng AI toàn cầu từ năm 2000 đến 2024. Kết luận báo cáo chỉ rõ: Trung Quốc đang là lực lượng chi phối trong nghiên cứu AI, và khoảng cách với phần còn lại của thế giới ngày càng tăng.
TRUNG QUỐC DẪN ĐẦU VỀ NGHIÊN CỨU VÀ HỌC THUẬT
Vào năm 2000, toàn thế giới có chưa đến 10.000 bài báo nghiên cứu AI. Đến năm 2024, con số này đã tăng lên 60.000. Nhưng mức tăng trưởng không diễn ra đồng đều. Hiện, Trung Quốc công bố lượng nghiên cứu AI nhiều ngang với tổng số của Hoa Kỳ, Anh và 27 quốc gia EU cộng lại. Riêng năm 2024, Trung Quốc chiếm hơn 40% trích dẫn toàn cầu trong lĩnh vực AI – gấp 4 lần Hoa Kỳ hoặc EU, và gấp 20 lần Anh.
Đáng chú ý, Trung Quốc đang phát triển hệ sinh thái nghiên cứu không phụ thuộc vào bên ngoài. Hoa Kỳ, Anh và EU duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu AI, nhưng họ lại phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn. Chỉ 4% công bố AI của Trung Quốc năm 2024 có sự tham gia của tác giả từ khu vực nói trên, trong khi tới 25% bài báo AI của Anh có đồng tác giả từ Trung Quốc.
Ngay cả Hoa Kỳ - dù đã nhiều năm nỗ lực "tách rời" và ban hành chính sách như Sáng kiến Trung Quốc hay kiểm soát xuất khẩu chip - quốc gia này vẫn duy trì quan hệ nghiên cứu AI chặt chẽ với Trung Quốc.
Tiến sĩ Hook cho rằng AI giờ đây đã trở thành công cụ địa chính trị giống như năng lượng hay năng lực quốc phòng: “AI không còn trung lập. Chính phủ các nước đang sử dụng trí tuệ nhân tạo như một tài sản chiến lược”.
KHẢ NĂNG ĐỘC LẬP CỦA CÔNG NGHỆ TRUNG QUỐC
Sự ra đời của DeepSeek - chatbot mã nguồn mở cho thấy Trung Quốc đang tìm hướng đi riêng trong bối cảnh thiếu hụt chip, đồng thời khẳng định vị thế kỹ thuật. DeepSeek không cần các đợt huấn luyện GPU tốn kém, lại được phát hành theo giấy phép MIT – minh chứng cho sự tự tin và năng lực độc lập.
Vượt ra ngoài mô hình AI thông thường, DeepSeek là biểu tượng cho cả chiến lược dài hạn. Trung Quốc hiện có hơn 30.000 nhà nghiên cứu AI đang hoạt động – nhiều gấp ba lần Hoa Kỳ, gấp 1,5 lần EU và gấp 10 lần Anh. Riêng số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ của Trung Quốc nhiều gấp đôi tổng lực lượng nghiên cứu AI của Hoa Kỳ.

Điều nổi bật không chỉ là quy mô, mà còn là cấu trúc. Lực lượng nghiên cứu AI của Trung Quốc chủ yếu là người trẻ, với số lượng chuyên gia cấp cao tương đối ít – cho thấy nước này đang đầu tư cho tương lai thay vì phụ thuộc vào một số nhân vật nổi bật. Trung Quốc cũng thu hút nhân tài từ nước ngoài, trở thành "bên nhận ròng" nhà nghiên cứu AI từ Hoa Kỳ và Anh – đảo ngược xu hướng trước đây.
NGHIÊN CỨU CHUYỂN HÓA THÀNH ĐỔI MỚI
Không chỉ sở hữu số lượng nhân lực lớn, Trung Quốc còn cho thấy khả năng biến nghiên cứu thành sáng chế và sản phẩm. Theo báo cáo, Trung Quốc nộp gần gấp 10 lần số bằng sáng chế liên quan đến AI so với Hoa Kỳ. Nước này không chỉ công bố nhiều mà còn tích cực bảo hộ ý tưởng và thương mại hóa thành sản phẩm.
Về mặt địa lý, nghiên cứu AI của Trung Quốc không chỉ tập trung ở một vài thành phố lớn. Năm 2024, có 156 tổ chức tại Trung Quốc công bố trên 50 bài báo AI – bao gồm đại học, công ty, bệnh viện và viện nghiên cứu từ Bắc Kinh, Thượng Hải đến Nam Kinh và Quảng Châu. Trong khi đó, Hoa Kỳ có 37 tổ chức đạt mốc này, Anh chỉ có 19 tổ chức và EU có 27 tổ chức/54 bài báo.
Sự phân bố rộng khắp này cho thấy Trung Quốc hướng tới xây dựng nền tảng AI trên phạm vi toàn quốc, không phụ thuộc vào một vài "thung lũng công nghệ" – điều này khiến hệ sinh thái của họ khó bị gián đoạn hoặc cạnh tranh.
Trong khi đó, châu Âu đang có dấu hiệu tụt lại. Các nước EU hợp tác nội khối tốt nhưng kết nối quốc tế yếu, đồng thời gặp khó trong việc chuyển hóa nghiên cứu thành bằng sáng chế hay khởi nghiệp. Dù Pháp tuyên bố đầu tư lớn vào AI từ năm 2018, không có tổ chức nghiên cứu nào của Pháp công bố quá 50 bài báo AI trong năm 2024 – kể cả đơn vị nổi bật như Đại học Toulouse.
Ngược lại, Anh - dù quy mô nhỏ hơn - vẫn duy trì vị thế trong cộng đồng học thuật AI toàn cầu. Các công bố của Anh nhận được lượng trích dẫn vượt trội so với số lượng bài báo, cho thấy chất lượng cao. Tuy nhiên, quốc gia này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong hợp tác nghiên cứu.
CUỘC CHUYỂN DỊCH TOÀN CẦU ĐÃ BẮT ĐẦU
Trong lĩnh vực doanh nghiệp, Trung Quốc cũng đang rút ngắn khoảng cách với Hoa Kỳ. Dù một số công ty Hoa Kỳ vẫn công bố nhiều bài báo AI hơn, nhưng số lượng doanh nghiệp Trung Quốc có hoạt động nghiên cứu đang bắt kịp nhanh chóng – cho thấy khu vực tư nhân Trung Quốc đang trở thành lực lượng chủ đạo trong R&D AI.
Tiến sĩ Hook lưu ý nhiều nghiên cứu AI tại Hoa Kỳ hiện diễn ra "sau cánh gà" tại công ty như OpenAI, khiến việc theo dõi trở nên khó khăn và có thể làm sai lệch bức tranh toàn cảnh. Tuy nhiên, dữ liệu trong báo cáo cho thấy Hoa Kỳ đang có nguy cơ đánh mất vị trí dẫn đầu về hệ sinh thái AI nghiên cứu.
Báo cáo cho thấy Trung Quốc không chỉ là đối thủ trong cuộc đua AI, mà đang dần trở thành đầu mối kết nối quan trọng của lĩnh vực này trên toàn cầu. Trong khi các nước phương Tây vẫn duy trì mạng lưới nghiên cứu và thương mại hóa vững mạnh, thì chính tốc độ phát triển nhanh, quy mô lớn và khả năng tự chủ cao đang giúp Trung Quốc nắm giữ nhiều lợi thế vượt trội.
DeepSeek không phải là sản phẩm ngẫu nhiên mà là kết quả của nhiều năm đầu tư, đào tạo và xây dựng hạ tầng. Và đây có thể chỉ là bước khởi đầu cho một thế hệ công cụ AI mới, được tạo ra bởi đội ngũ nhân lực đông đảo, có tay nghề cao và hoạt động theo điều kiện riêng của Trung Quốc.
Trong thập kỷ tới, báo cáo dự đoán, lợi thế sẽ thuộc về những quốc gia không chỉ thu hút được nhân tài và đầu tư vào nghiên cứu, mà còn biết cách đưa kết quả nghiên cứu vào đời sống xã hội. Và hiện tại, Trung Quốc đang làm tốt cả ba với tốc độ nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác.