Meta hợp tác với AWS, nỗ lực đưa Llama trở thành đỉnh cao AI

Sơn Trần
Chia sẻ

Đối với các ông lớn ở Thung lũng Silicon, cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là xây dựng được mô hình lớn nhất, mạnh nhất - mà còn là cuộc đua thu hút nhà phát triển bên thứ ba tạo ra ứng dụng dựa trên công nghệ của mình…

Giám đốc Điều hành Mark Zuckerberg phát biểu tại LlamaCon 2025, hội nghị nhà phát triển AI của Meta
Giám đốc Điều hành Mark Zuckerberg phát biểu tại LlamaCon 2025, hội nghị nhà phát triển AI của Meta

Meta đang hợp tác với bộ phận điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS) trong một sáng kiến nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Llama phổ biến trong giới công nghệ, CNN đưa tin.

Theo chương trình, 30 startup tại Hoa Kỳ sẽ được nhận hỗ trợ kỹ thuật trong sáu tháng từ kỹ sư của cả hai công ty, cùng với khoản tín dụng điện toán đám mây AWS trị giá 200.000 USD cho mỗi công ty — để phát triển công cụ AI dựa trên mô hình Llama của Meta. Chương trình dự kiến được công bố tại Hội nghị AWS Summit tổ chức tại thành phố New York trong một vài ngày tới.

Đối với Meta, đây có thể là cú hích đáng kể trong bối cảnh CEO Mark Zuckerberg đầu tư mạnh tay nhằm giành vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực AI. Tháng trước, công ty công bố thành lập nhóm chuyên gia về “siêu trí tuệ nhân tạo”, sau khi chiêu mộ nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu từ đối thủ bằng gói lương hậu hĩnh. Meta cũng đầu tư 14,3 tỷ USD vào startup AI Scale, đi kèm với động thái tuyển dụng nhà sáng lập kiêm CEO Alexandr Wang và loạt nhân sự chủ chốt khác.

Về phía Amazon, khoản đầu tư hơn 6 triệu USD có thể sinh lời nếu các startup tiếp tục sử dụng dịch vụ AWS để truy cập hệ thống AI sau giai đoạn hỗ trợ ban đầu. Dù Amazon cũng sở hữu mô hình ngôn ngữ lớn riêng, chiến lược AI của AWS là cung cấp cho doanh nghiệp khả năng tiếp cận nhiều mô hình, kèm theo sức mạnh tính toán cần thiết để vận hành chúng.

Những startup giai đoạn đầu có thể nộp đơn tham gia và sẽ được cân nhắc lựa chọn ngay trong mùa hè này, dựa trên “tác động tiềm năng của giải pháp đề xuất và năng lực kỹ thuật” của đội ngũ, theo tuyên bố chung từ AWS và Meta.

“Chúng tôi có mối quan hệ lâu dài với Meta, và với hợp tác lần này cùng Llama, mục tiêu của chúng tôi là trao quyền cho nhà sáng lập phát triển những ứng dụng AI mang tính đột phá dựa trên mô hình Llama”, ông Jon Jones, Phó Chủ tịch AWS phụ trách startup và đầu tư mạo hiểm, chia sẻ với giới báo chí.

Ông cho biết khách hàng AWS hiện dùng Llama để tạo ra các công cụ AI để quản lý quan hệ khách hàng, tại một số đại lý ô tô hoặc ứng dụng tài chính.

THÚC ĐẨY MÔ HÌNH MÃ NGUỒN MỞ

Cốt lõi trong hợp tác giữa Meta và AWS là nỗ lực hỗ trợ mô hình AI mã nguồn mở Llama, tức là mã lập trình của công nghệ được công khai, trái ngược với mô hình đóng như ChatGPT của OpenAI hay Claude của Anthropic.

Chủ đề về lợi ích của mô hình mã nguồn mở và mô hình đóng đang được ngành công nghệ tranh luận sôi nổi. Những công ty ủng hộ mô hình đóng cho rằng họ có thể kiểm soát tốt hơn cách công nghệ được sử dụng, đồng thời dễ dàng xây dựng mô hình kinh doanh khi đối thủ không biết nội tại hệ thống hoạt động ra sao. Ngược lại, phe ủng hộ mã nguồn mở cho rằng công nghệ AI mang tính cách mạng nên được phổ cập rộng rãi để mọi người cùng khai thác và sáng tạo.

CEO Zuckerberg từng tuyên bố năm ngoái rằng “mã nguồn mở là điều kiện cần cho một tương lai AI tích cực”. Ông cũng nói thêm rằng Meta kỳ vọng mô hình Llama giúp mã nguồn mở trở thành “tiêu chuẩn trong ngành”, nhờ việc cho phép bên thứ ba tự do phát triển ứng dụng trên nền tảng này.

Nói cách khác, CEO Zuckerberg muốn công nghệ của mình trở thành nền tảng chính cho các nhà phát triển chatbot, trợ lý ảo và ứng dụng AI, tương tự như cách hệ điều hành Apple và Google chiếm lĩnh kỷ nguyên di động.

Tuy vậy, với nhiều startup, việc chọn mô hình đóng đôi khi mang lại lợi ích thực tế bởi họ được cung cấp giao diện thân thiện, hỗ trợ kỹ thuật và trải nghiệm cá nhân hóa hơn khi trả tiền để sử dụng.

AWS và Meta kỳ vọng có thể cung cấp tiện ích tương tự cho startup phát triển dựa trên Llama. Với chi phí tính toán cao trong lĩnh vực AI, khoản tín dụng từ AWS là “phao” cứu cánh cho những startup chưa thể tạo ra lợi nhuận ngay lập tức.

“Chúng tôi phát triển Llama vì tin rằng quyền tiếp cận rộng rãi với mô hình mạnh mẽ là yếu tố thiết yếu để thúc đẩy tiến bộ AI”, ông Ash Jhaveri, Phó Chủ tịch phụ trách đối tác AI tại Meta, chia sẻ về chương trình. “Startup là một trong những lực lượng sáng tạo nhất trong ngành công nghệ, và chúng tôi rất mong chờ được chứng kiến cách họ dùng Llama để mở rộng giới hạn, khám phá chân trời mới và định hình tương lai AI theo cách táo bạo và bất ngờ”.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con