Blog chứng khoán: Điểm nổ nào?
Phản ứng khá nhạt với những số liệu đầu tiên về lợi nhuận quý 2 cho thấy thị trường vẫn đang chờ đợi một sự kích thích nào đó có sức nặng hơn. Dòng tiền vẫn chưa được kích hoạt dù việc bổ sung số liệu mới sẽ kéo P/E của cả cổ phiếu lẫn thị trường chung xuống mức thấp hơn nữa...
Phản ứng khá nhạt với những số liệu đầu tiên về lợi nhuận quý 2 cho thấy thị trường vẫn đang chờ đợi một sự kích thích nào đó có sức nặng hơn. Dòng tiền vẫn chưa được kích hoạt dù việc bổ sung số liệu mới sẽ kéo P/E của cả cổ phiếu lẫn thị trường chung xuống mức thấp hơn nữa.
Các chỉ số giảm nhẹ hôm nay và biên dao động của cổ phiếu cũng hẹp. Điều này góp phần làm giảm sự tiêu cực của mức thanh khoản cũng “lẹt đẹt”. Tiền trong thị trường không thể chỉ nhỏ như vậy, rào cản chính là việc nhà đầu tư chưa giải ngân mạnh và dứt khoát.
Ròng rã gần 2 tháng thanh khoản hàng ngày ở ngưỡng rất thấp trái ngược với xu hướng ngày càng nhiều tài khoản mới được mở. Tuy nhiên cũng cần chú ý là thanh khoản chung giảm phần lớn do các cổ phiếu siêu thanh khoản giao dịch chậm lại. HPG hay các cổ phiếu ngân hàng là rõ nhất, trước đây luôn chiếm tỷ trọng rất lớn trong thanh khoản hàng ngày nhưng nhiều tuần gần đây chỉ khoảng 15-16% ở HSX.
Vì vậy trong bối cảnh số liệu tổng hợp về thanh khoản thấp như vậy, quan trọng hơn là quan sát thanh khoản ở các cổ phiếu trong tầm ngắm. Nhiều mã vẫn duy trì mức thanh khoản tốt, thậm chí là đang có xu hướng tăng dần. Vài ngày giảm ở nhiều cổ phiếu không đủ lớn để làm đảo chiều xu hướng tăng đang có. Diễn biến phập phù vẫn chủ yếu do giao dịch lướt sóng ngắn như đã nói, và trong bối cảnh thanh khoản chưa đủ dày thì các giao dịch này vẫn có thể làm chênh lệch cung cầu ở một thời điểm.
Để các chỉ số tăng, nhóm trụ phải mạnh, nhưng tiền hiện không đủ nhiều để đẩy giá lên. Vì thế nên né những mã vốn hóa lớn mà tập trung vào các cổ phiếu trung bình có xu hướng giá rõ ràng. Kết quả kinh doanh sẽ là chất xúc tác, nhưng lần này sẽ cụ thể với cổ phiếu chứ không phải với thị trường thông qua chỉ số. Việc nắm giữ và trading nhỏ với chính những cổ phiếu đang được chọn trong danh mục sẽ thuận lợi hơn, khi hàng có sẵn, tâm lý vững hơn trong các biến động T+.
Dù các chỉ số vẫn nằm bẹp một chỗ, nhưng cơ hội không phải là quá hiếm. Xu hướng tăng chung dựa trên chỉ số có thuận lợi là tạo sự đồng thuận và hút được dòng tiền vào tốt hơn. Vấn đề là “điểm nổ” cần phải được “kích nổ” bằng một yếu tố hỗ trợ nào đủ mạnh. Vài ngày nữa FED sẽ quyết định mức tăng lãi suất tháng 7 và phải tới tháng 9 mới họp lại. Các thị trường đang kỳ vọng một mức tăng hợp lý 75 điểm và các đánh giá “dễ thở” hơn về sức ép lạm phát. Đó sẽ là thời điểm thử phản ứng tốt.
Toàn bộ thị trường phái sinh (hợp đồng tương lai chỉ số VN30) hôm nay có mức thanh khoản thấp kỷ lục 4 tháng với 23,3 ngàn tỷ đồng giá trị danh nghĩa. F1 cũng giảm thanh khoản 10% so với phiên trước, chỉ có 187k hợp đồng được giao dịch trong ngày. Không phải ngẫu nhiên thị trường phái sinh lại co lại như vậy, đơn giản vì VN30 rất khó chịu, dòng tiền quá yếu, trụ phập phù.
Trước đây khi thanh khoản trên thị trường cơ sở tụt giảm chóng mặt, phái sinh bị xem là nguyên nhân. Nhưng giờ phái sinh chính là một tín hiệu về tâm lý phòng thủ chờ đợi khi thanh khoản cũng lao dốc cùng với cơ sở. Sửa sai trên thị trường phái sinh cực nhanh nhờ T0, nhưng giờ cũng ít giao dịch.
Chốt lại, vẫn giữ quan điểm canh mua cổ phiếu, trading vị thế nhỏ nếu thuận lợi với hàng có sẵn, hạn chế giao dịch phái sinh, nếu basis chiết khấu rộng có thể Long, còn không thì bỏ.
VN30 chốt hôm nay tại 1222.6. Cản gần nhất ngày mai là 1223; 1230; 1236; 1240; 1244; 1248; 1255. Hỗ trợ 1218; 1214; 1208; 1203; 1195.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.