Các hãng đồ hiệu “phất lên” dù kinh tế thế giới ảm đạm
Giữa lúc thế giới đương đầu với lạm phát, chiến tranh và khủng hoảng ngân hàng, có vẻ như phi lý khi nhu cầu hàng xa xỉ vẫn tăng mạnh...
Gần đây, hai hãng đồ hiệu lớn của thế giới công bố doanh thu quý 1 với mức tăng ấn tượng. Hãng Hermes, với cổ phiếu niêm yết tại Paris, chứng kiến doanh thu tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo tăng 13% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Hãng LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton - do tỷ phú giàu nhất thế giới Bernard Arnault nắm quyền kiểm soát - đạt tăng trưởng doanh thu 17% trong cùng khoảng thời gian, cũng cao hơn so với dự báo.
Từ trước khi những báo cáo tài chính rực rỡ này được công bố, cổ phiếu hàng xa xỉ ở châu Âu đã tăng chóng mặt. Nếu tính từ đầu năm đến nay, nhóm này đã tăng 23% so với mức tăng 14% của chỉ số MSCI Europe - một thước đo của thị trường chứng khoán khu vực.
Theo tờ Wall Street Journal, nhiều nhà đầu tư cổ phiếu xem việc nắm giữ cổ phiếu các công ty hàng hiệu châu Âu là một phương thức tốt để hưởng lợi từ thói quen mua sắm hào phóng của tầng lớp giàu có ở Trung Quốc - những người càng hào hứng với việc mua sắm hơn bao giờ hết sau 3 năm đất nước đóng cửa để chống Covid. LVMH cho biết doanh thu tại Trung Quốc của các thương hiệu thời trang xa xỉ như Louis Vuitton, Christian Dior và Celine đã tăng hơn 30% trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ 2022.
Người tiêu dùng Trung Quốc đang nắm một lượng tiền tiết kiệm lớn, và đây có thể sẽ là nhân tố thúc đẩy doanh thu thị trường hàng hiệu ở nước này trong thời gian còn lại của năm nay. Theo ước tính của ngân hàng Bank of America, trong năm 2022, tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình ở Trung Quốc tăng thêm 7,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 1,15 nghìn tỷ USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ.
Tầng lớp siêu giàu là những người đang giữ vai trò trụ cột cho ngành công nghiệp hàng hiệu, trong khi dấu hiệu “đuối sức” trong chi tiêu đã xuất hiện ở những nhóm thấp hơn trên chiếc thang thu nhập. Theo phân tích của Bernstein, những người chi từ 1.000 Euro trở xuống cho hàng hiệu trong năm 2019 đã cắt giảm một nửa ngân sách này trong năm 2022. Trong khi đó, chi tiêu cho hàng hiệu ở nhóm có thu nhập cao nhất đang bùng nổ. Tính bình quân, một người chi khoảng 50.000 Euro cho hàng hiệu trong năm 2019 đã chi 135.000 Euro trong năm 2022.
Ngành công nghiệp hàng xa xỉ đã chứng tỏ được khả năng trụ vững đáng ngạc nhiên trong các cuộc suy thoái kinh tế trước đây. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, lĩnh vực này đã có 2 quý doanh số giảm trước khi tăng trưởng trở lại, trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đã có 4 quý giảm.
Tuy nhiên, các xu hướng hiện nay đều vượt khỏi mức bình quân dài hạn và có thể không bền vững. Trong thập kỷ trước khi xảy ra đại dịch, ngành hàng hiệu thường tăng trưởng với tốc độ cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu. Năm nay, những nhà phân tích có quan điểm lạc quan dự báo ngành hàng hiệu đạt mức tăng trưởng doanh thu từ 8-10%, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,8%. Những thị trường có sự tăng trưởng nhu cầu mạnh bất thường khác trong đại dịch, chẳng hạn thị trường nhà ở cho thuê tại Mỹ, cũng đã bắt đầu suy yếu.
Sau khi đã tăng mạnh giá bán sản phẩm trong năm 2021 và 2022, các hãng đồ hiệu sẽ khó duy trì sức hấp dẫn nếu tiếp tục tăng giá. Ngoài ra, ngân sách quảng cáo hàng phóng bất thường cũng khó kéo dài. Trong năm 2022, các công ty hàng xa xỉ châu Âu chi thêm 33% cho quảng cáo so với năm 2021.
Tăng trưởng nhu cầu có thể sẽ có sự chênh lệch lớn giữa các thương hiệu, nên nhà đầu tư cổ phiếu hàng xa xỉ được khuyến cáo nên có sự lựa chọn kỹ lưỡng. Năm ngoái, 3 công ty là LVMH, Hermes và Richemont chiếm 75% tổng doanh thu tăng thêm của toàn ngành đồ hiệu châu Âu - theo một phân tích của ngân hàng Bank of America. Khi đối thủ của 3 hãng này là Burberry và Kering (nhà sở hữu tương hiệu Gucci) công bố kết quả kinh doanh trong vài tuần tới đây, câu trả lời ai đang thắng trong cuộc đua giành thị phần sẽ được trả lời rõ ràng.
Wall Street Journal kết luận rằng hàng hiệu vẫn đang toả sáng trong một thế giới đầy biến động, nhưng trong tương lai, ánh hào quang sẽ thuộc về một nhóm ít hơn các thương hiệu xa xỉ.