Cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, tránh cán bộ vụ lợi
Bộ Công an cho rằng khi Đảng và Nhà nước có chủ trương, chính sách và giao Chính phủ thực hiện, Chính phủ cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, có quy trình, quy định cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện; các Bộ, ngành, địa phương khi được giao nhiệm vụ, cần ban hành các quy định, hướng dẫn triển khai cụ thể, công khai để tổ chức thực hiện…
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2, đề nghị truy tố với 17 bị can về các tội danh Đưa hối lộ, Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Che giấu tội phạm.
Trong đó, ông Trần Tùng (cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Nhóm bị đề nghị truy tối tội Nhận hối lộ gồm Trần Thị Quyên (giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt), Lê Thị Phượng (Chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương), Nguyễn Văn Văn (cựu Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam), Lê Ngọc Tường (cựu Phó giám đốc Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam), Nguyễn Mạnh Trường (cựu chuyên viên Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải).
Nhóm tội bị đề nghị tội Đưa hối lộ gồm Vũ Hồng Quang (cựu Phó phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải), Trần Thanh Nhã, Vũ Hoàng Dũng, Nguyễn Mạnh Cương, Đặng Nhật Đức, Bùi Đăng Khoa (giám đốc Công ty TNHH MTV Du ngoạn thế giới), Trương Thị Mỹ Dung (giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Du lịch Ánh Sao Thiên), Phạm Quốc Thắng (giám đốc Công ty TNHH PNR), Trần Thị Ngân (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH TMDV Ana Travel), Trần Minh Phụng (giám đốc Công ty TNHH TMDV du lịch và xây dựng Gia Huy).
Bị can Nguyễn Xuân Thông bị đề nghị truy tố tội Che giấu tội phạm.
NHẬN HỐI LỘ TỪ NHỮNG CHUYẾN BAY ĐƯA CÔNG DÂN VỀ NƯỚC
Theo kết luận điều tra, khi đợt dịch Covid 19 bùng phát, Chính phủ đã chỉ đạo, giao Tổ công tác 4 Bộ để xây dựng kế hoạch triển khai, báo cáo lãnh đạo Chính phủ xem xét, quyết định kế hoạch tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước theo tháng/quý. Từ tháng 4/2021 đến tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao thẩm quyền quyết định phê duyệt các chuyến bay cho Tổ công tác 5 Bộ.
Việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước được thực hiện dưới 3 hình thức là chuyến bay giải cứu (do cơ quan Nhà nước phối hợp tổ chức đưa công dân về nước cách lý tại cơ sở quân đội), chuyến bay “combo” (với hình thức trọn gói bằng kinh phí tự nguyện của công dân) và chuyến bay đơn lẻ, phát sinh đột xuất ngoài kế hoạch.
Quá trình thực hiện, lợi dụng chức vụ, ông Trần Tùng làm trái công vụ để hưởng lợi hơn 3,2 tỷ đồng trong việc thực hiện 7 chuyến bay đưa công dân từ Nhật bản về cách ly tại tỉnh Thái Nguyên và nhận hối lộ hơn 4,4 tỷ đồng.
Với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bà Lê Thị Phượng nhận hối lộ 650 triệu đồng để mưu, đề xuất UBND tỉnh Hải Dương ban hành 02 công văn chấp thuận cách ly y tế cho Công ty Sora và Công ty Biển Bạc theo đề nghị của Bùi Huy Hoàng và Võ Thị Hồng.
Còn ông Nguyễn Văn Văn với vai trò là Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam và ông Lê Ngọc Tường - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam ban hành chủ trương chấp thuận tiếp nhận công dân về cách ly y tế tại Quảng Nam cho Công ty Blue Sky của Nguyễn Thị Thanh Hằng và nhận hối lộ 400-450 triệu đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Trường có hành vi thực hiện chỉ đạo của Vũ Hồng Quang triển khai giấy phép bay cho số lượng khách vượt so với văn bản đã được duyệt để giúp doanh nghiệp và nhận hối lộ 244 triệu đồng…
KIẾN NGHỊ CÓ CƠ CHẾ QUẢN LÝ, HƯỚNG DẪN CÔNG KHAI
Theo Bộ Công an, các bị can đã lợi dụng hoàn cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ; các công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài có nhu cầu về nước rất lớn nhưng thực tiễn chưa có quy trình, quy định cụ thể giải quyết.
Vì vậy, một số bị can là cán bộ ở các Bộ, ban, ngành, địa phương liên quan vì động cơ vụ lợi, thiếu gương mẫu, rèn luyện, suy thoái về đạo đức, lối sống đã yêu cầu, thỏa thuận, nhận hối lộ trong việc đề xuất, phê duyệt chấp thuận chủ trương cách ly cho công dân về nước hoặc trục lợi thông qua quá trình làm thủ tục, xin cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận cho công dân về nước.
Từ nguyên nhân trên, Bộ Công an kiến nghị khi Đảng và Nhà nước có chủ trương, chính sách và giao Chính phủ thực hiện, Chính phủ cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, có quy trình, quy định cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Các Bộ, ngành, địa phương khi được giao nhiệm vụ, cần ban hành các quy định, hướng dẫn triển khai cụ thể, công khai để tổ chức thực hiện.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sẽ có văn bản kiến nghị đến Cơ quan, tổ chức chấn chỉnh, xử lý đối với các cá nhân có liên quan có dấu hiệu sai phạm nhưng không đến mức xử lý hình sự.
“Đây là vụ án tham nhũng, chức vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp nên cần đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật”, kết luận nêu rõ.