Cấp bách chuyển đổi số báo chí

Nhĩ Anh
Chia sẻ

Báo chí muốn giữ chân độc giả, khán thính giả, muốn tồn tại và tạo nguồn thu mới để nuôi sống chính mình cần phải chuyển đổi số. Tuy nhiên, mấu chốt chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người, tư duy và tự thân các cơ quan báo chí phải nhận thức rõ sự cấp bách chứ không phải làm theo trào lưu...

Diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn”
Diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn”

The New York Times là một trong những điển hình cho cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công nhất. Nếu như trước đây, nguồn thu từ quảng cáo báo giấy chiếm 85-90% thì hiện nay, nguồn thu từ digital (báo số) đã vượt báo giấy. Ngoài hoạt động thu phí, tờ báo còn có nhiều hoạt động khác thu như thương mại điện tử, kết nối với các đối tác để sản xuất nội dung trên các nền tảng số tạo thêm nguồn thu.

 “BẠN ĐỌC Ở ĐÂU, BÁO CHÍ Ở ĐÓ”

Theo các chuyên gia, khi bạn đọc đã thay đổi thói quen và cách tiếp cận báo chí, báo chí không thể làm như trước mà phải thay đổi để thích ứng và phục vụ bạn đọc hiệu quả hơn. Một số khảo sát về xu hướng báo chí thế giới gần đây cho thấy có tới 44% người trả lời khẳng định thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số là sự thay đổi quan trọng nhất và phải coi độc giả là trung tâm.

Tại diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn” mới đây, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định: “Một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm có thể giúp thúc đẩy cả doanh thu từ độc giả cũng như doanh thu quảng cáo. Các cơ quan báo chí cần điều chỉnh kế hoạch quảng cáo dựa trên quan điểm độc giả là trên hết và thu thập dữ liệu độc giả trực tiếp. Đặc biệt, cần chuẩn bị cho một “thế giới không cookie” thời gian tới”.

Ông Lê Quốc Minh.
Ông Lê Quốc Minh.

Chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu. Bên cạnh những cơ quan báo chí đã có bước đi mạnh mẽ trong chuyển đổi số như một nhu cầu cấp thiết thì nhiều cơ quan báo chí lại chưa hề có bất kỳ kế hoạch nào. Các chuyên gia cho rằng, đây là một nguy cơ bởi nếu không bắt kịp với quá trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí sẽ không kết nối được với độc giả, mất độc giả.

Không có một câu trả lời chung cho tất cả các cơ quan báo chí nhưng con đường hướng đến chắc chắn sẽ phải là chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ “vẽ” lại bức tranh của báo chí Việt Nam. “Mẫu hình không giấy mới là tương lai của các cơ quan báo chí và phải đẩy mạnh digital”, các chuyên gia khẳng định.

Với quan điểm “bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó”, nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng trong đại dịch Covid-19 vừa qua, bạn đọc lên mạng, sống toàn bộ trên mạng thì báo chí phải lên mạng. Báo chí muốn lên mạng cần phải chuyển đổi số.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Vũ Hoàng, Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ VTV Digital, nhấn mạnh nếu không chuyển đổi số nhanh thì VTV không đáp ứng được nhu cầu theo dõi thông tin của khán giả trong thời kỳ cách mạng số. Nếu sụt giảm số lượng khán giả cũng như thời lượng khán giả theo dõi các nội dung sẽ dẫn đến việc mất chủ quyền trên không gian số. Khi không giữ chân được khán giả, các đơn vị sẽ không đảm bảo đủ nguồn thu để đầu tư công nghệ, con người cũng như phát triển chất lượng nội dung…

MẤU CHỐT CHUYỂN ĐỔI SỐ KHÔNG NẰM Ở VẤN ĐỀ ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI

Thực tế nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số. Không ít cơ quan cho rằng đầu tư mua sắm trang thiết bị, công nghệ, phần mềm hiện đại là đã đi trên con đường chuyển đổi số.

Hiện nay công nghệ đã đáp ứng các nhu cầu chuyển đổi số cho báo chí. Nhưng theo các chuyên gia điểm mấu chốt chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người và tư duy; không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra một quy trình sản xuất mới, những thông tin mới, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số.

Ông Minh khẳng định nếu không chuyển đổi số, các cơ quan báo chí sẽ mất độc giả, mất nguồn thu và tờ báo không thể hoạt động được. Tuy nhiên, không phải cứ mua công nghệ thì sẽ chuyển đổi số mà quan trọng là một tư duy đúng đắn sẽ thúc đẩy việc sử dụng công nghệ.

 
Mấu chốt chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người và tư duy; không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra một quy trình sản xuất mới, những thông tin mới, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số.

Nhiều cơ quan báo chí nói đến chuyển đổi số nhưng thực chất mới chỉ dừng ở bước số hóa. Thực tế chuyển đổi số là tạo thêm giá trị cho mọi tương tác với người dùng; là thay đổi cách vận hành của cả đơn vị và trong một số trường hợp còn tạo ra mô hình kinh doanh mới.

Tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi, cách xây dựng bộ máy..., thì việc đầu tư công nghệ sẽ không mang lại nhiều lợi ích.

Đánh giá về mức độ chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, cho rằng hiện nay nhiều cơ quan báo chí vẫn chỉ nghĩ đơn giản có một trang web, có tờ báo điện tử là đã lên không gian số. Một số báo có mở chức năng bình luận cho độc giả và bắt đầu web 2.0 nhưng không nắm được dữ liệu của người đọc. Như vậy chuyển đổi số chưa thành công, mới chỉ ở bề mặt.

“Trong chuyển đổi số, quan trọng là thay đổi từ mô hình tổ chức đến cách làm báo. Làm báo hiện nay phải chấp nhận sự tương tác và giám sát, thậm chí phản biện rất mạnh của cộng đồng. Đồng thời cần phải chuẩn bị một tâm thế cho cách làm báo kiểu khác. Có những bộ phận nếu không thay đổi sẽ không có chỗ trong một cuộc chơi mới mang tên chuyển đổi số báo chí”, ông Lâm nói.

Mặc dù là một đòi hỏi tất yếu nhưng khi chuyển đổi số, các cơ quan báo chí đang đối diện với nhiều thách thức. Từ thực tế triển khai, ông Trung chỉ ra 3 vấn đề lớn nhất mà cơ quan báo chí phải vượt qua, đó là công nghệ, vốn đầu tư và con người. Nếu không có công nghệ phù hợp thì không thể chuyển đổi số hiệu quả. Nhưng quan trọng nhất là con người bởi muốn chuyển đổi số mà năng lực đội ngũ nhân sự, năng lực lãnh đạo, điều hành không thể chuyển đổi số thì dù có đầu tư công nghệ lớn đến đâu cũng chưa chắc đã thực hiện được.

SẼ CÓ CHIẾN LƯỢC CHUYỂN ĐỔI SỐ CHO BÁO CHÍ

Chuyển đổi số báo chí được đánh giá đang đi hơi chậm so với xu thế. Vấn đề chuyển đổi số với nhiều cơ quan báo chí còn chưa thấy rõ sự bức xúc, cấp bách như với các doanh nghiệp. Chia sẻ với những khó khăn của các cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng trước hết các cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên cần có hiểu biết sâu về công nghệ để biết được nên bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, định hướng thế nào. Cùng với đó là tìm nguồn lực cho triển khai chuyển đổi số. Khi chuyển đổi số, nếu muốn hiệu quả thì bộ máy, quy trình cung cấp dịch vụ bắt buộc phải thay đổi.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thức được vấn đề này. Báo chí là lĩnh vực đặc thù và sẽ có một chiến lược chuyển đổi số riêng. Chiến lược sẽ giải quyết các bài toán khó cho các cơ quan báo chí. Dự kiến, chiến lược chuyển đổi số báo chí sẽ được phê duyệt trong tháng 5 tới.

Mặc dù chiến lược chưa được phê duyệt nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định trong năm 2022 dự kiến sẽ đào tạo 10.000 công chức, viên chức số, trong đó khối báo chí chiếm khoảng 3.000- 5.000 người.

Trong chương trình chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, đã có định hướng cụ thể những vấn đề liên quan nền tảng cho quản lý sản xuất, lưu trữ nội dung. Khi chiến lược chuyển đổi số báo chí được phê duyệt, Bộ sẽ bắt tay vào triển khai theo hướng chủ trương xây dựng các nền tảng lớn để đảm bảo độc lập chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Theo ông Tuấn, Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng những nền tảng chuyển đổi số lớn dùng chung, đặc biệt là đầu tư nền tảng lớn cho 6 cơ quan báo chí chủ lực.

Bộ Thông tin và Truyền thông với tinh thần dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, trong đó tập trung tư vấn hỗ trợ cơ quan báo chí, trình Chính phủ và cùng các đơn vị đưa ra các nền tảng dùng chung cho các cơ quan báo chí. Riêng với các cơ quan báo chí vừa và nhỏ, Bộ định hướng để các đơn vị này kết nối vào các nền tảng do Nhà nước đầu tư cho các cơ quan báo chí chủ lực. Bên cạnh đó sẽ xây dựng các nền tảng cho các cơ quan báo chí vừa và nhỏ để các đơn vị chủ động triển khai, kết nối.

Ông Tuấn cho biết dự kiến trong tuần tới sẽ làm việc với một số doanh nghiệp công nghệ để bắt tay cùng cơ quan báo chí nghiên cứu xây dựng ngay các nền tảng dùng chung cho một số cơ quan báo chí vừa và nhỏ để triển khai thí điểm, thử nghiệm vấn đề chuyển đổi số trong nội bộ ở cả mảng quản trị và nội dung…

Khi chiến lược chuyển đổi số các cơ quan báo chí được phê duyệt, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các hội nghị phổ biến và triển khai. Bộ sẽ đồng hành cùng các cơ quan báo chí trong hành trình chuyển đổi số để đảm bảo hiệu quả.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con