Cầu bắt đáy đỡ giá blue-chips, VN-Index phục hồi sát tham chiếu, tiền ngoại rút đột biến
Nhịp phục hồi trong hơn 15 phút cuối phiên hôm nay tuy ngắn nhưng đem lại hiệu quả đáng khích lệ khi VN-Index từ chỗ giảm gần 24 điểm co lại còn giảm 0,62 điểm lúc đóng cửa. Nhịp hồi này xuất phát từ nỗ lực tăng giá của nhóm cổ phiếu blue-chips, trong đó dẫn dắt là cổ phiếu ngân hàng. Riêng nhóm bất động sản phần lớn vẫn lao dốc mạnh...
Nhịp phục hồi trong hơn 15 phút cuối phiên hôm nay tuy ngắn nhưng đem lại hiệu quả đáng khích lệ khi VN-Index từ chỗ giảm gần 24 điểm co lại còn giảm 0,62 điểm lúc đóng cửa. Nhịp hồi này xuất phát từ nỗ lực tăng giá của nhóm cổ phiếu blue-chips, trong đó dẫn dắt là cổ phiếu ngân hàng. Riêng nhóm bất động sản phần lớn vẫn lao dốc mạnh.
Phần lớn thời gian của phiên giao dịch hôm nay sức ép bán ra vẫn chiếm ưu thế. VN-Index lao dốc liên tục từ khi mở cửa tới tận 2h15 mới chạm đáy. Vai trò điều tiết của các cổ phiếu blue-chips thể hiện rất rõ, giúp ngăn cản một ngày bán tháo hỗn loạn nữa.
Thị trường thực tế vẫn bị bán tháo rất nhiều cho tới trước khi VN-Index được kéo lên. Tại thời điểm chỉ số chạm đáy, độ rộng chỉ là 29 mã tăng/369 mã giảm. Tuy nhiên chỉ trong 15 phút cuối đợt liên tục, các cổ phiếu lớn nâng chỉ số, co hẹp mức giảm của VN-Index dẫn đến nhịp phục hồi khá tốt. Độ rộng của HoSE cuối đợt này có cải thiện với 90 mã tăng/310 mã giảm. Sau đợt ATC, thêm nhiều cổ phiếu khác phục hồi, độ rộng cuối ngày ghi nhận 137 mã tăng/258 mã giảm.
Nhóm blue-chips VN30 hồi giá đáng chú ý nhất. VN30-Index tại đáy cùng thời điểm với VN-Index, giảm 2,25% nhưng kết phiên chỉ còn giảm 0,01%. Độ rộng đạt 17 mã tăng/11 mã giảm. Dẫn dắt đà phục hồi này là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi 8/10 mã kéo điểm số của VN-Index thuộc về nhóm này. Dẫn đầu là BID tăng 1,22%, ACB tăng 2,21%, TCB tăng 1,64%, VIB tăng 2,38%.
Dòng tiền vào nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng khá mạnh. Tổng giá trị khớp lệnh của HoSE hôm nay giảm 15% so với hôm qua, chỉ đạt 9.901 tỷ đồng nhưng thanh khoản của cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng nhẹ, chiếm tỷ trọng giao dịch 19% sàn này, mức cao nhất trong 3 phiên. Trong 10 cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường, có 3 mã ngân hàng là STB, MBB và VPB.
Về mặt thời gian, nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhịp phục hồi gần như trùng nhau, đều khởi động từ khoảng 2h và tăng tốc từ 2h15. Do trước đó giảm sâu, biên độ nảy giá của cổ phiếu ngân hàng cực kỳ ấn tượng và có thể là phần thưởng cho những người đủ dũng cảm bắt đáy: ACB tăng so với đáy trong phiên tới 4,74%, BID tăng 4,23%, STB tăng 3,95%, TCB tăng 3,52%, TPB tăng 3%, VIB tăng 3,86%. Các cổ phiếu khác như CTG, HDB, MBB, VCB bất kể giá chốt trên hay dưới tham chiếu thì vẫn phục hồi tối thiểu hơn 2% so với giá đáy.
Nhìn trên bình diện chung, nhịp phục hồi gấp gáp ít phút cuối phiên cũng đẩy giá cổ phiếu tăng trở lại khá ấn tượng. Thống kê tại HoSE, có 223 cổ phiếu xuất hiện nhịp phục hồi tối thiểu 2%, tức là khoảng 60% số cổ phiếu phát sinh giao dịch hôm nay. Đây là biên độ phục hồi lớn, nhất là khi thị trường tạo đáy ngay trước khi đảo chiều, cộng với nhịp hồi gần như dựng đứng. Các nhà đầu tư dũng cảm bắt đáy lúc thị trường hoảng sợ nhất phải cực kỳ dũng cảm.
Xét theo nhóm ngành, cổ phiếu tài chính bao gồm ngân hàng và chứng khoán tăng đều nhất. Nhóm ngân hàng có 14 cổ phiếu đảo chiều vượt tham chiếu thành công. Chứng khoán có 17 mã vượt tham chiếu, trong đó 14 mã tăng hơn 1% giá trị. Chỉ số đại diện nhóm tài chính sàn HoSE là VNFIN tăng 0,75%. Nhóm vật liệu với các mã thép làm nòng cốt cũng mạnh, nhờ HPG tăng 1,42%, HSG tăng 5,33%. Riêng nhóm bất động sản vẫn chủ đạo là giảm, chỉ số VNREAL giảm 1,22%. VRE giảm 5,69%, VHM giảm 1,41%, NVL giảm 1,67% có ảnh hưởng xấu lên đến chỉ, ngoài ra là DRH, VPH, LDG, TNL, TCH, CRE... vẫn giảm trên 2%.
Phiên hôm nay cũng chứng kiến hoạt động rút vốn dữ dội của nhà đầu tư nước ngoài. Tổng giá trị bán ra ở sàn HoSE lên tới 2.453,3 tỷ đồng, cao kỷ lục kể từ đợt bán ròng EIB hồi đầu tháng 1/2023. Mức vốn rút ròng khỏi sàn này là 680,6 tỷ đồng. Các cổ phiếu bị xả lớn nhất là VHM -80,1 tỷ đồng ròng, VRE -79,3 tỷ, VND -39 tỷ, HPG -38 tỷ, SSI -31,4 tỷ, CTG -24,8 tỷ, HSG -23,7 tỷ, HDB -23 tỷ, DPM -22,1 tỷ, DGC -21,2 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVFVND -82,7 tỷ. Cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là HCM +13,3 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng đột biến hôm nay chiếm tới 20% tổng giá trị giao dịch của sàn. Giá trị bán chiếm khoảng 15%. Thực tế khối này đã tăng mua trong phiên, nhưng quy mô bán ra quá đột biến. Trong khi đó thị trường lại chứng kiến mức sụt giảm thanh khoản đáng kể. Điều này đồng nghĩa với dòng tiền trong nước lại suy yếu giữa bối cảnh khối ngoại xả nhiều hơn. Nếu không nhờ đợt kéo trụ nhanh cuối ngày, thanh khoản sẽ còn giảm nhiều nữa.