Chi ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến tăng 2,6 triệu tỷ
Năm năm tới, Bộ Tài chính đặt mục tiêu tổng chi ngân sách tăng thêm 2,6 triệu tỷ đồng nhưng vẫn giữ tỷ trọng 28% GDP như giai đoạn 2015 - 2020...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1687/QĐ-BTC ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đó, Chương trình hành động của Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021-2026 đặt mục tiêu huy động, phân bổ sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính của nhà nước và xã hội nhằm đáp ứng mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, chương trình còn đặt mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh và siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tăng cường quản lý thu ngân sách...
Đáng chú ý, Bộ tài chính cũng đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021 - 2025 không thấp hơn tỷ trọng 16% GDP; trong đó, từ thuế, phí khoảng 13-14% GDP, thu nội địa bình quân khoảng 85-86% tổng thu ngân sách.
Tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 khoảng 10,26 triệu tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách.
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng chi ngân sách ước đạt khoảng 7,66 triệu tỷ đồng; tỉ trọng chi bình quân khoảng 28% GDP.
Trong giai đoạn 2021-2025, với chi ngân sách, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống mức khoảng 60%.
Tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước khoảng 2,87 triệu tỷ đồng. Trong đó, chi từ nguồn vốn ngoài nước khoảng 300 nghìn tỷ đồng, chi từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khoảng 248 nghìn tỷ đồng...
Thực hiện đúng dự toán ngân sách được Quốc hội quyết định, Bộ Tài chính đặt mục tiêu kiểm soát bội chi ngân sách, với tỷ lệ bội chi đảm bảo bình quân ở mức 3,7% GDP. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm xuống dưới 3,7% GDP.
Đối với nợ công, bảo đảm an toàn nợ công với các mục tiêu trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP. Trần nợ Chính phủ hằng năm không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45% GDP, trần nợ nước ngoài của quốc gia hằng năm không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45% GDP...
Chương trình hành động của Bộ Tài chính cũng đã đưa ra 11 nhóm giải pháp và được cụ thể hóa thành 275 sản phẩm, bao gồm 182 văn bản quy phạm pháp luật, 32 đề án, chiến lược và 61 báo cáo các loại.
Trong đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính bảo đảm an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Ngoài ra, tăng cường quản lý, sắp xếp, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài sản công, đổi mới toàn diện khu vực đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước, đổi mới quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Tiếp tục phát triển các thị trường tài chính, bảo hiểm và phát triển các dịch vụ tài chính an toàn, bền vững. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa ngành tài chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy thương mại quốc tế và thuận hóa thương mại. Tăng cường năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài chính.
Để thực hiện hiệu quả, toàn diện chương trình hành động, Bộ Tài chính sẽ tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện. Hàng năm, lồng ghép, đánh giá tình hình thực hiện và báo cáo Bộ kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình đề ra và đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể trong Chương trình hành động này.