Chỉ tiêu kinh tế - xã hội: Mừng, lo từ “một phần ba”

Nguyên Hà
Chia sẻ

Năm 2009, trong số 25 chỉ tiêu Quốc hội thông qua, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra

Dòng người tấp nập trên đường phố Hà Nội - Ảnh: AP.
Dòng người tấp nập trên đường phố Hà Nội - Ảnh: AP.
Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa, một tháng nghị sự của kỳ họp Quốc hội thứ bảy sẽ bắt đầu.

Và, dù năm 2010 đã đi qua gần một nửa thời gian, những vấn đề kinh tế - xã hội của năm 2009 vẫn tiếp tục được đặt lên diễn đàn này ngay từ những phiên họp đầu tiên.

Bởi, tại kỳ họp cuối năm ngoái, Quốc hội mới chỉ xem xét kết quả tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2009 và dự báo quý 4/2009.

Vì thế, 2009 vẫn là câu chuyện còn nguyên tính thời sự tại phiên thảo luận cuối tuần của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội “chính thức hóa kết quả kinh tế - xã hội năm trước”.

Theo báo cáo bổ sung của Chính phủ, trong 25 chỉ tiêu Quốc hội thông qua, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. Như vậy có khoảng 1/3, tức là 8 chỉ tiêu không cán đích.

Với một năm được coi là đặc biệt, có nhiều biến động và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam thì kết quả này vẫn được đánh giá là “hoàn thành cơ bản các mục tiêu trong nghị quyết của Quốc hội”. Đó quả là điều đáng mừng.

Đáng mừng nữa, theo phân tích của Ủy ban Kinh tế, so với số đã báo cáo tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu, có 14 chỉ tiêu có thay đổi. Trong đó một số chỉ tiêu thực hiện đạt kết quả cao hơn so với số đã báo cáo, thể hiện sự chuyển biến tích cực hơn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2009.

Nhìn vào bảng thống kê cụ thể mức tăng giảm của các chỉ tiêu so với kế hoạch đã được Quốc hội thông qua và kết quả thực hiện, con số âm (-) duy nhất nằm ở cột chỉ tiêu tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu. Với kế hoạch được Quốc hội thông qua là 3%, ước thực hiện năm 2009 đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 là -9,9% và con số chính thức được "chốt"  là -8,9%.

Theo Ủy ban Kinh tế thì mức giảm này ít hơn rất nhiều so với mức sụt giảm của thương mại toàn cầu (10,7%) và của nhiều nước xuất khẩu chủ lực như Trung Quốc (giảm 23%), Đức (giảm 25%), Singapore (giảm 18%), Thái Lan (giảm 23,5%).

Bên cạnh đó lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng mạnh so với năm 2008 như gạo tăng 33,3%, hạt tiêu tăng 40,2%, chè tăng 21,1%, than đá tăng 16,5%, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng gấp 2,2 lần,...

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra rằng, trong khi xuất khẩu giảm thì nhập siêu lại ở mức khá cao (bằng 21,6% kim ngạch xuất khẩu). Yếu tố này cùng với sự suy giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài và một số yếu tố khác làm cán cân thanh toán tổng thể bị thâm hụt 8,8 tỷ USD (số báo cáo tại kỳ họp thứ 6 chỉ là 1,9 tỷ USD).

Đâ là mức thâm hụt cao nhất trong nhiều năm gần đây, gây sức ép lên cung cầu ngoại tệ và tỷ giá, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền không giấu vẻ lo lắng khi báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Những chỉ tiêu không đạt kế hoạch còn lại, tuy không phải là con số âm, song cũng không “may mắn” nhận được đánh giá tích cực như kim ngạch xuất khẩu.

Đó là các chỉ tiêu tốc độ tăng tuyển mới đại học, cao đẳng; tốc độ tăng tuyển mới trung cấp chuyên nghiệp; tạo việc làm; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường và tỷ lệ che phủ rừng.

Với 3 chỉ tiêu về môi trường bị “hụt hơi”, Chính phủ tự nhìn nhận hạn chế: “xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường chuyển biến còn chậm, vẫn là thách thức lớn trong quá trình phát triển”.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị phân tích kỹ nguyên nhân nhiều chỉ tiêu xã hội, môi trường không đạt trong khi “đây mới là các yếu tố đảm bảo phát triển bền vững”. Và đó cũng là nỗi lo chung của nhiều vị ủy viên thường vụ khác.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K'sor Phước phát biểu: “Hệ quả về môi trường nếu không chú ý, sẽ rất thảm khốc. Tôi đi dọc sông Lô, sông Mã nhiều lần, lần nào cũng gặp không ít tàu đãi vàng. Họ sử dụng thủy ngân ngay đầu nguồn nước, đổ xuống sông, rồi ở dưới này dân ta ăn cả”.

Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh, “đáng lưu ý nhất là tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường chỉ là 50%, thấp hơn năm 2008 (60%). Đây là những chỉ tiêu ảnh hưởng đến phát triển bền vững và chất lượng đời sống xã hội.

Xếp sau môi trường là chỉ tiêu không đạt kế hoạch về đào tạo nguồn nhân lực với 2 chỉ tiêu. Liên quan đến vấn đề này, cơ quan thẩm tra cho rằng: mất cân đối về lao động, việc làm tiếp tục là vấn đề nổi lên của năm 2009.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2009 mới đạt khoảng 38%, thiếu lao động có chuyên môn, tay nghề cao, ngay cả việc tuyển dụng lao động phổ thông của nhiều doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn.

Trong khi đó, kết quả tạo việc làm mới chỉ đạt 1,51 triệu người/1,7 triệu kế hoạch.

Với trách nhiệm chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế cũng phản ánh ý kiến một số Ủy ban của Quốc hội đề nghị cần xem xét, đánh giá một cách thực chất hơn về một số chỉ tiêu xã hội như tạo việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, số giường bệnh trên 1 vạn dân, tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý...

Bởi vì, số liệu báo cáo của các cơ quan Nhà nước về cùng một chỉ tiêu còn khác nhau. Đơn cử, chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo Tổng cục Thống kê là 12,3%, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội là 11,3%.  Hệ thống báo cáo, thu thập số liệu không thường xuyên, chưa có cơ chế để quản lý và kiểm soát nên chưa bảo đảm độ tin cậy.

Ngay tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một vị đại biểu đến từ Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng cũng đặt vấn đề cần xem lại một số chỉ tiêu xem có phù hợp hay không. Ví như chỉ tiêu tốc độ tăng tuyển mới đại học cao đẳng, nếu ngành giáo dục cứ tham mưu tăng để đủ chỉ tiêu nhưng quy mô không đào tạo không đáp ứng được, như kết quả của đợt giám sát vừa qua đã chỉ ra.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con