Chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thất hứa kéo dài khiến người dân bức xúc
Sau gần 5 năm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi vào khai thác nhưng những thiệt hại gây ra cho người dân tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa được khắc phục, khiến người dân bức xúc kéo dài...
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 2042/BGTVT-CQLXD gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) xem xét, xử lý tất cả các tồn tại, vướng mắc của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trên địa bàn Quảng Ngãi.
VƯỚNG MẮC NGUỒN VỐN KHIẾN 4 TUYẾN DÂN SINH CHƯA ĐƯỢC SỬA CHỮA
Cụ thể, cử tri tỉnh Quảng Ngãi nhiều lần kiến nghị các đơn vị thi công công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoàn trả 23 tuyến đường dân sinh với tổng chiều dài hơn 55,6 km đã mượn để vận chuyển vật liệu phục vụ thi công; đồng thời, xây dựng một số đoạn kênh mương thoát nước để khắc phục ngập úng, khắc phục các điểm gây tắc nghẽn hệ thống tưới tiêu.
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo VEC quý 3/2022 sẽ xem xét, xử lý tất cả các tồn tại, vướng mắc của dự án trên địa bàn Quảng Ngãi. Cụ thể, VEC sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án để bố trí đủ khoản chênh lệch gần 300 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho địa phương; bố trí kinh phí khoảng 600 tỷ đồng để hoàn thành công trình, phần việc còn dở dang đoạn qua Quảng Ngãi.
Đồng thời, làm việc với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hoàn trả đường mượn của địa phương; nếu nhà thầu chây ỳ thì VEC sẽ có biện pháp xử lý triệt để, chậm nhất là ngày 30/11/2022 hoàn thành. VEC sẽ có kế hoạch triển khai các tuyến đường kết nối đường địa phương với cao tốc, nhằm khai thác hiệu quả dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, đến nay đã hết năm 2022 nhưng VEC vẫn chưa thực hiện những nội dung cam kết nêu trên.
Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Ngãi nêu trên, Bộ Giao thông vận tải, cho biết về hoàn trả đường địa phương, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng công ty VEC thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm chủ đầu tư; trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi dài 40,1km (từ Km99+500 đến Km139+520), gồm 3 gói thầu xây lắp chính (A1, A2 và A3).
Theo báo cáo của VEC, trên địa bản tỉnh Quảng Ngãi, các nhà thầu thi công dự án sử dụng 23 tuyến đường địa phương với tổng chiều dài khoảng 55,6 km để phục vụ thi công dự án.
Báo cáo của VEC cho thấy năm 2018, các nhà thầu đã sửa chữa hoàn trả 7 tuyến với tổng chiều dài là 20,4 km. Trong đó, có 1 tuyến đường nhà thầu sửa chữa hoàn trả được 0,5 km/tổng chiều dài là 1 km.
Cùng với đó, hiện nay, địa phương thực hiện nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường trong đó có 12 tuyến đường với tổng chiều dài là 30,6 km chưa được nhà thầu sửa chữa hoàn trả, bao gồm cả đoạn 0,5 km còn lại của tuyến đường nhà thầu đang sửa chữa hoàn trả dở dang nêu trên.
Như vậy, "hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn lại 4 tuyến với tổng chiều dài khoảng 4,6 km chưa được nhà thầu sửa chữa hoàn trả hoặc địa phương chưa nâng cấp, cải tạo", Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Bộ Giao thông vận tải khẳng định theo quy định của các hợp đồng xây lắp thuộc dự án, các nhà thầu có trách nhiệm sửa chữa hoàn trả các đường của địa phương được nhà thầu mượn, sử dụng phục vụ thi công fự án.
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo VEC để yêu cầu các nhà thầu thực hiện.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân: như vướng mắc nguồn vốn; thời gian thực hiện dự án, thời gian thực hiện hợp đồng xây lắp đã hết; tư vấn giám sát đã dừng thực hiện hợp đồng... nên đến nay các nhà thầu chưa tiếp tục thực hiện sửa chữa hoàn trả các tuyến đường còn lại.
Trong thời gian tới, sau khi các vướng mắc về nguồn vốn cho dự án được giải quyết, Bộ Giao thông vận tải sẽ đôn đốc VEC chỉ đạo các nhà thầu tiếp tục sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường địa phương còn lại nêu trên đúng như cam kết.
RUỘNG BỎ HOANG DO NHIỀU ĐOẠN KÊNH MƯƠNG BỊ BỒI LẤP
Còn về đề nghị xây dựng một số đoạn kênh mương thoát nước để khắc phục ngập úng, khắc phục các điểm gây tắc nghẽn hệ thống tưới tiêu, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo báo cáo của VEC, tại đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, hệ thống kênh, mương và hệ thống tưới, tiêu phục vụ canh tác của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã được thiết kế và thi công cơ bản đầy đủ, đảm bảo khả năng thoát nước và khả năng tưới, tiêu nước phục vụ canh tác của người dân khu vực dự án đi qua.
Tuy nhiên, "do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và phát sinh vướng mắc về nguồn vốn sau ngày 29/4/2019 như nêu trên nên đến nay vẫn còn 2 vị trí kênh, mương với tổng chiều dài là 119,6 m chưa thi công", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, sau khi các vướng mắc về nguồn vốn cho dự án được giải quyết, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục đôn đốc VEC chỉ đạo các nhà thầu tiếp tục thi công các vị trí kênh, mương còn lại đúng theo hồ sơ thiết kế được duyệt.
Ngoài ra, sau khi nhận được phản ánh của cử tri tỉnh Quảng Ngãi, chủ đầu tư đã tiến hành kiểm tra thực tế hiện trường, phát hiện, ghi nhận và chỉ đạo đơn vị quản lý khai thác tuyến đường cao tốc nạo vét, phát quang, khơi thông một số vị trí kênh, mương bị bồi lấp, cỏ mọc cản trở dòng chảy.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 139,2km, với tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, do Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam VEC làm chủ đầu tư.
Đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam dài khoảng 91,5km, từ Km8 - Km99+500; trong đó, đoạn Km8 - Km65 đưa vào khai thác từ ngày 2/8/2017, đoạn Km65 - Km99+500 đưa vào khai thác từ ngày 2/9/2018.