Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung

Ngô Anh Văn
Chia sẻ

Cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho TP. Đà Nẵng mà cho cả khu vực miền Trung...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khởi công xây dựng cảng Liên Chiểu-Phần cơ sở hạ tầng dùng chung
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khởi công xây dựng cảng Liên Chiểu-Phần cơ sở hạ tầng dùng chung

Sáng ngày 14/12, tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, UBND thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Liên danh nhà thầu: Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân - Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng DACINCO - Công ty Cổ phần  Xây dựng Xuân Quang tổ chức khởi công Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và thành phố Đà Nẵng tham dự buổi Lễ khởi công.

MỞ RỘNG KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN CHO MIỀN TRUNG

Phát biểu tại Lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh: Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu– Phần cơ sở hạ tầng dùng chung là một hợp phần rất quan trọng của Cảng Đà Nẵng. đây là bước đi cụ thể thiết thực từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại nghị quyết 43 ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông - Tây, cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành một trong những cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á; khá thuận lợi về kết nối giao thông, kết nối với các khu công nghiệp của thành phố.

Cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả khu vực miền Trung. Điều này sẽ góp phần làm tăng vị thế của vịnh Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển của Việt Nam và khu vực.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, cần phải nhận thức đúng đắn rằng, việc Nhà nước đầu tư cảng Đà Nẵng không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả vùng miền Trung. Bởi nếu chỉ một mình quy mô kinh tế của Đà Nẵng khai thác cảng thì sẽ không thể đủ quy mô kinh tế hiệu quả, khi đó việc đầu tư là không cần thiết, thay vào đó phải hướng đến quy mô kinh tế cả vùng hay ít nhất là các tỉnh lân cận phải cùng chia sẻ không gian và hạ tầng chung, khi đó mới phát huy hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cảng biển.

“Nhận thức này cũng cần được lan tỏa trong công tác lập quy hoạch chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam nói riêng và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn có tính liên kết vùng nói chung”, Chủ tịch nước lưu ý.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết sau khi được Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, thành phố Đà Nẵng đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành Trung ương triển khai các thủ tục chuẩn bị dự án theo đúng quy định của pháp luật và tiến độ đề ra, đến nay đã đủ điều kiện để tổ chức Lễ khởi công Dự án.

Theo ông Lê Trung Chinh, với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong khu vực, việc khai thác hàng hóa qua cảng Tiên Sa, Sơn Trà có ảnh hưởng đến giao thông vận tải đường bộ của Đà Nẵng do hàng hóa phải vận chuyển qua trung tâm thành phố, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn trong những giờ cao điểm, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, môi trường phát triển du lịch của thành phố.

Cảng Tiên Sa, Sơn Trà không thể phát triển mở rộng, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại đặc biệt) do hạn chế về không gian phát triển lớn và điều kiện kết nối giao thông. Do đó phương án đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch là phù hợp với tiến trình phát triển của thành phố.

Chủ trương này đã được xác định rõ trong Nghị quyết 43-NQ-TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển TP. Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn đến 2045; và các quyết định: Số 393/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2045; Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Việc đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch, giảm tải cho khu bến Tiên Sa, Sơn Trà, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và trong khu vực; đây không chỉ là mong muốn của lãnh đạo thành phố mà cả toàn thể Nhân dân Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên - đơn vị được giao làm chủ đầu tư tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tổ chức quản lý, điều hành Dự án đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật; cùng với các Nhà thầu thực hiện nghiêm túc những nội dung các bên đã cam kết tại buổi lễ hôm nay và theo Hợp đồng đã được ký kết; tăng cường ứng dụng công nghệ, các giải pháp kỹ thuật hiện đại, cải tiến phương thức thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai đồng thời bảo đảm an toàn lao động, tuân thủ các giải pháp bảo vệ môi trường, phấn đấu hoàn thành các hạng mục sớm hơn tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng công trình.

Chủ tịch thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng của mình tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện tốt Dự án; chính quyền quận Liên Chiểu, phường Hòa Hiệp Bắc và bà con nhân dân trong khu vực quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị triển khai thi công, thực hiện Dự án đảm bảo tiến độ đề ra.

VỐN ĐẦU TƯ GẦN 3.500 TỶ ĐỒNG

Báo cáo của chủ đầu tư cho biết Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung theo Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phân khu cảng biển Liên Chiểu được quy hoạch có diện tích 1.285 ha gồm khu bến cảng Liên Chiểu diện tích 450 ha, phần còn lại được quy hoạch trở thành các khu công nghiệp, trung tâm Logistics... gắn liền với hoạt động khai thác khu bến cảng Liên Chiểu.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 435/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Trong đó: Giai đoạn đầu (đầu tư 02 bến khởi động) đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm và phát triển các bến trong giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch nhằm giảm tải cho khu bến cảng Tiên Sa, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố và các địa phương trong khu vực.

Trên cơ sở đó, ngày 18/4/2022, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Bến cảng Liên Chiểu tại Quyết định số 1059/QĐ-UBND với tổng diện tích 450 ha, gồm các phân khu chức năng chính: Hạ tầng dùng chung gồm: Đê chắn sóng có tổng chiều dài 2.090m; Luồng tàu vào cảng dài 7,3km, bề rộng 160m, cao trình đáy -14,0m (hệ Hải đồ).

Các khu bến chính: Khu bến container diện tích 114 ha, gồm 08 bến, với tổng chiều dài 2.750m, Khu bến tổng hợp diện tích 58ha, với tổng chiều dài 1.550m tiếp nhận tàu container, tổng hợp có trọng tải 100.000 DWT (sức chở từ 6.000 - 8.000Teus) lên đến 200.000DWT (sức chở 18.000 Teus); Khu bến thủy nội địa diện tích 38ha với tổng chiều dài tuyến bến 1.200m tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000DWT để tiếp chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa và ven biển giảm ách tắc hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ và Khu bến dầu: Gồm 06 bến bố trí phía trong đê chắn sóng, tiếp nhận tàu trọng tải 30.000DWT.

Đường giao thông kết nối đến cổng cảng gồm 02 đoạn: Đoạn 1 từ cổng cảng đến chân cầu vượt đường sắt dài 1,2 km, quy mô 06 làn xe, bề rộng 30 m; Đoạn 2 bao gồm các nhánh thuộc phạm vi nút giao, nối tiếp với đoạn 1 và đường Nguyễn Văn Cừ (QL1), mỗi nhánh gồm 02 làn xe, bề rộng 8 m.

Hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng của khu vực bến cảng khởi động.

Đây là công trình giao thông, dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư: 3.426,3 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố Đà Nẵng). Tiến độ thực hiện đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho 02 bến khởi động ban đầu, với thời gian thực hiện Hợp đồng là 1.380 ngày.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con