Chủ tịch Quốc hội: "Tạo điều kiện tốt nhất cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc"
Khu công nghệ cao Hoà Lạc đã định hình và đang đón nhận những tín hiệu tốt về công tác thu hút đầu tư
"Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc có giải pháp thu hút nhân tài, đưa Hòa Lạc trở thành điểm đến hấp dẫn, uy tín và thân thiện với giới khoa học công nghệ trong nước và trên thế giới", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong chuyến thăm và làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và dự lễ khánh thành nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh VinSmart (thuộc tập đoàn Vingroup), ngày 23/11.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, đại diện Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, tính đến nay, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có 90 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 85.800 tỷ đồng, trong đó 45 dự án đang hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, sản xuất và gia công phần mềm, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hóa.
Trong đó, riêng năm 2019 Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đầu tư 6.895 tỷ đồng. Ban quản lý cũng đang trao đổi thu hút một số dự án đầu tư với tổng số vốn dự kiến 26.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá việc thu hút đầu tư các tập đoàn lớn trên thế giới (như Hanwha, Nidec, Nissan Techno...) và các tập đoàn lớn trong nước (như Vingroup, FPT, VNPT, Viettel...) cho thấy, Khu công nghệ cao Hoà Lạc đã định hình và đang đón nhận những tín hiệu tốt về công tác thu hút đầu tư.
"Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cùng các nhà đầu tư đã có sự hợp tác chặt chẽ để giúp nơi đây trở thành cái nôi ươm mầm cho sự phát triển các dự án công nghệ cao, trở thành điểm đến hấp dẫn và đáng tin cậy cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế", Chủ tịch Kim Ngân nói.
Trong thời gian tới, để tiếp tục tạo điều kiện cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc bước vào giai đoạn bứt phá, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải bám sát các chỉ đạo của Bộ Chính trị như về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động thu hút đầu tư. Đồng thời nghiên cứu xây dựng phương án đón đầu xu hướng chuyển dịch đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, có kế hoạch tăng cường năng lực phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc về cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động phát triển công nghệ trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam để Khu công nghệ cao Hòa Lạc thực sự trở thành trung tâm phát triển công nghệ của đất nước và khu vực.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Khu công nghệ cao Hòa Lạc có kế hoạch phát triển, đầu tư sáng tạo, mở rộng sản xuất, ứng dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến, hiện đại đồng thời chủ động, tích cực tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn Việt Nam.
Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc có giải pháp thu hút nhân tài, đưa Hòa Lạc trở thành điểm đến hấp dẫn, uy tín và thân thiện với giới khoa học công nghệ trong nước và trên thế giới. Nơi đây phải trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ bậc cao cho đất nước. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động và phát triển, Khu công nghệ cao cần đề xuất những chính sách mới mang tính đột phá về phát triển khoa học, công nghệ.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, về những đề xuất, kiến nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giao các cơ quan của của Quốc hội phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tháo gỡ để có thể tạo những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Trao quyết định đầu tư cho 4 dự án lớn, vốn đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng trong sáng nay đã tham dự lễ khánh thành nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh VinSmart (giai đoạn 1), đồng thời chứng kiến lễ ký thỏa thuận xây dựng dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp CNC của Viettel và trao quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án lớn vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc với số vốn đầu tư khoảng 7.460 tỷ đồng.
Tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart có tổng công suất 125 triệu thiết bị/năm. Trong đó giai đoạn 1 của Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 4,8 hecta với mặt bằng khu sản xuất là 45.200 m2, quy hoạch thành các phân khu sản xuất bảng mạch điện tử, sản xuất điện thoại cùng hệ thống các phòng nghiên cứu độc lập.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tham quan nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh Vinsmart.
Công suất thiết kế giai đoạn 1 đạt hơn 26 triệu thiết bị/năm, cụ thể điện thoại thông minh ước tính 23 triệu sản phẩm/năm, thiết bị IoT ước tính 1 triệu sản phẩm/năm và thiết bị điện tử thông minh khác ước tính trên 2 triệu sản phẩm/năm. Dự kiến từ năm 2020, Viện Thiết bị viễn thông thuộc VinSmart sẽ cho ra đời sản phẩm 5G đầu tiên của Việt Nam, đón đầu tiến trình thương mại hóa mạng 5G.
Cùng với đó Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng đã kí thỏa thuận hợp tác chiến lược với mục đích thúc đẩy sự phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Khu CNC Hòa Lạc) và đáp ứng nhu cầu đầu tư, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của Viettel.
Theo thoả thuận hợp tác chiến lược, quý 1/2020, Viettel sẽ khởi công xây dựng dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp CNC trên diện tích 9,1 ha tại Khu CNC Hòa Lạc. Đây sẽ trở thành trung tâm thử nghiệm, sản xuất thiết bị công nghệ cao của Viettel.
Lễ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Viettel và Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Đây sẽ trở thành trung tâm thử nghiệm, sản xuất thiết bị công nghệ cao của Viettel. Tiếp theo đó, Viettel cũng sẽ xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Viettel trên diện tích 13,2ha, được coi là khu nghiên cứu R&D quy mô lớn, là vườn ươm cho những dự án trọng điểm của Viettel như các sản phẩm công nghiệp quốc phòng, thiết bị điện tử viễn thông, hạ tầng mạng 5G, IoT...