Chứng khoán Mỹ bán tháo sau số liệu lạm phát nóng hơn dự báo, giá dầu vẫn tăng
Dow Jones "bay" hơn 500 điểm sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ cho thấy lạm phát giảm chậm hơn so với kỳ vọng...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (13/2), sau khi dữ liệu lạm phát nóng hơn kỳ vọng khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh và đẩy lùi kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm lãi suất sớm và nhiều nhiều trong năm nay. Mặc cổ phiếu bị bán tháo, giá dầu thô vẫn tăng do được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 524,63 điểm, tương đương giảm 1,35%, còn 38.272,75 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất tính theo giá trị phần trăm của chỉ số blue-chip gồm 30 cổ phiếu thành viên này kể từ tháng 3/2023. Ở thời điểm đáy của phiên, Dow Jones giảm gần 2%.
Chỉ số S&P 500 trượt 1,37%, chốt ở 4.953,17 điểm. Chỉ số Nasdaq “bốc hơi” 1,8%, còn 15.655,6 điểm.
Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu vốn hoá nhỏ giảm gần 4%, đánh đấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2022.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong một cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Dow Jones, các chuyên gia kinh tế dự báo mức tăng tháng 0,2% và mức tăng năm 2,9%.
CPI lõi, thước đo không bao gồm 2 nhóm hàng hoá có mức độ biến động lớn là thực phẩm và năng lượng, ghi nhận mức tăng 0,4% so với tháng trước và 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo của giới chuyên gia là tăng 0,3% trong tháng và tăng 3,7% trong năm, đều thấp hơn so với con số thực tế được đưa ra.
“Đây là lý do dễ dàng để nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu sau khi thị trường đã tăng rất mạnh từ đầu năm đến nay. Báo cáo CPI nóng hơn một chút so với dự báo và là bằng chứng cho thấy tiến trình giảm lạm phát không phải là một con đường bằng phẳng. Tuy nhiên, hướng đi chính của lạm phát vẫn là giảm”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của công ty B. Riley Financial nhận định với hãng tin CNBC.
Các con số lạm phát cao hơn dự báo đẩy lùi kỳ vọng về thời điểm mà Fed có thể có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên, cũng như số lần giảm lãi suất mà ngân hàng trung ương này có thể triển khai trong năm nay. Gần đây, trạng thái vững vàng của nền kinh tế và thị trường lao động Mỹ khiến giới đầu tư hầu như không còn đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 3.
“Thị trường đang phản ứng khá mạnh với số liệu lạm phát, vì dữ liệu này về cơ bản đặt dấu chấm hết cho kỳ vọng giảm lãi suất vào tháng 3. Đây là bằng chứng về một nền kinh tế vẫn mạnh và lạm phát vẫn còn cao”, Giám đốc đầu tư Carol Schleif của công ty BMO Family Office nhận định.
Sự dịch chuyển kỳ vọng lãi suất được phản ánh rõ rệt vào lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm vượt mốc 4,66% và lợi suất của kỳ hạn 10 năm vượt 4,32% sau khi báo cáo lạm phát được công bố.
Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn - nhóm dẫn đầu sự tăng điểm của toàn thị trường trong những tháng gần đây - giảm mạnh phiên này dưới áp lực lãi suất. Hãng phần mềm Microsoft và “đế chế” bán lẻ trực tuyến Amazon giảm hơn 2% mỗi cổ phiếu.
Không còn kỳ vọng rằng Fed sẽ hạ lãi suất từ tháng 3, nhà đầu tư cũng giảm bớt đặt cược vào tháng 5 và thay vào đó, đặt cược nhiều hơn vào cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 11-12/6 của Fed. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, khả năng Fed giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6 là gần 75%. Trong khi đó, khả năng Fed hành động trong cuộc họp ngày 30/4-1/5 giảm còn hơn 36% từ mức gần 61% trước đó.
Triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn gây áp lực lên chứng khoán toàn cầu trong phiên ngày thứ Ba. Chỉ số MSCI All Country World Index đo thị trường của 49 quốc gia giảm 1,1%. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu mất 0,95% điểm số.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,95 USD/thùng, tương đương tăng 1,24%, chốt ở mức 77,87 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4 tăng 0,77 USD/thùng, tương đương tăng 0,94%, chốt ở 82,77 USD/thùng.
Dù đương đầu với sức ép giảm từ triển vọng lãi suất Fed, giá dầu vẫn tăng do mối lo căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, nơi cuộc chiến tranh Israel-Hamas vẫn có nguy cơ lan rộng và kéo theo sự đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Iran. Một tình huống như vậy có thể dẫn tới gián đoạn nguồn cung dầu thô từ một trong những trung tâm sản xuất dầu của thế giới.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI và dầu Brent đã tăng tương ứng 8,68% và 7,44%.
“Giá dầu đang bị chi phối bởi những gì đã và chưa diễn ra ở Trung Đông. Biểu đồ kỹ thuật giá dầu có thể ngay lập tức không còn ý nghĩa gì nếu xảy ra một sự kiện bất ngờ như một vụ phóng tên lửa hoặc một thoả thuận hoà bình được thiết lập. Trong trường hợp như vậy, giá dầu có thể dễ dàng biến động 10 USD/thùng”, nhà phân tích John Evans của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhận định trong một báo cáo.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) dự báo thị trường dầu toàn cầu thắt chặt trong năm nay do nhu cầu được dự báo tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong khi sản lượng dầu ngoài OPEC được dự báo chỉ tăng 1,2 triệu thùng/ngày. Điều đó có nghĩa là thế giới sẽ thiếu dầu nếu OPEC không đảo ngược việc cắt giảm sản lượng đang thực thi.
Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi với hãng tin Bloomberg, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol dự báo cung cầu dầu sẽ cân băng trong năm nay trừ phi xảy ra một sự kiện địa chính trị bất ngờ hay thời tiết cực đoan. Ông Birol nói nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,2-1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhưng tăng trưởng sản lượng dầu của các nước Mỹ, Brazil, Canada và Guyana sẽ đủ để đáp ứng.