Chứng khoán Mỹ tụt điểm dù CPI không cao như dự báo, giá dầu tiếp tục tăng
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (14/9), quay trở lại xu hướng ảm đạm của tháng 9...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (14/9), quay trở lại xu hướng ảm đạm của tháng 9, cho dù lạm phát không “căng” như nhận định ban đầu. Giá dầu có thêm một phiên tăng, lên mức cao nhất trong 6 tuần.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,8%, còn 34.577,57 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm gần 0,5%, còn 4.443,05 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,5%, còn 15.037,76 điểm.
Các chỉ số đã tăng mạnh khi mở cửa phiên giao dịch, sau khi Bộ Lao động công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 dù vẫn tăng nhưng mức tăng không lớn như dự báo. Sau khoảng nửa giờ giao dịch, cả ba chỉ số chuyển sang sắc đỏ và duy trì trạng thái giảm cho tới cuối phiên.
Dẫn đầu sự giảm điểm của thị trường phiên này là những cổ phiếu có mối liên hệ mật thiết với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế. Cổ phiếu ngân hàng Bank of America sụt 2,6%; cổ phiếu tập đoàn công nghiệp General Electric (GE) trượt 3,9%.
“Điều thị trường cần lúc này là lạm phát tiếp tục giảm mà không ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế”, chiến lược gia Liz Ann Sonders của Charles Schwab phát biểu khi trao đổi với hãng tin CNBC.
CPI tháng 8 của Mỹ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,3% so với tháng 7, so với các mức dự báo tăng tương ứng 5,3% và 0,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Cổ phiếu Apple đóng cửa với mức giảm gần 1% sau khi hãng trình làng mẫu smartphone thế hệ mới iPhone 13. Biến động giá cổ phiếu Apple phiên này không nằm ngoài xu hướng sau mỗi lần hãng giới thiệu sản phẩm mới trước đây.
Giá cả tăng yếu hơn dự báo giảm bớt kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ đã đương đầu áp lực giảm từ khi báo cáo việc làm tháng 8 không đạt kỳ vọng.
“Trong vòng vài tuần tới đây, các dữ liệu kinh tế sẽ càng trở nên quan trọng vì sẽ giúp khẳng định sự suy yếu của thị trường việc làm tháng 8 là khởi đầu của một xu hướng, hay chỉ là suy yếu nhất thời”, bà Sonders nói.
Trong tháng 9 này, S&P 500 và Nasdaq đều đã giảm hơn 1% và Dow Jones giảm 2,2%. Tháng 9 luôn là tháng tệ nhất trong năm của chứng khoán Mỹ, với mức giảm bình quân 0,56% trong tháng này kể từ năm 1945 đến nay, theo CFRA.
Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới.
“Tôi tin rằng Fed sẽ đề cập đến vấn đề cắt giảm chương trình mua tài sản trong lần họp này, nhưng phải đến tháng 11 mới chính thức công bố cắt giảm, và sẽ bắt đầu thực thi việc cắt giảm trước khi kết thúc năm”, chiến lược gia Art Hogan của National Securities nhận định.
Giá dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi sản lượng dầu của Mỹ chưa thể hồi phục sau bão Ida trong khi một cơn bão mới lại đang hình thành trên Vịnh Mexico.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,13 USD/thùng, tương đương tăng 0,2%, đạt 73,64 USD/thùng. Giá dầu WTI tại New York đi ngang ở mức 70,45 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent tăng 0,8% và giá dầu WTI tăng 1,1% trong phiên ngày thứ Hai.
Đây là vùng giá cao nhất của cả hai loại dầu kể từ đầu tháng 8 tới nay.
“Mối lo về cơn bão mới Nicholas đang thúc đẩy nhà đầu tư mua dầu. Nhưng mức tăng sẽ bị hạn chế bởi đã qua mùa lái xe cao điểm ở Mỹ và nguồn cung dầu sẽ tăng lên khi Mỹ và Trung Quốc xả dự trữ dầu, cũng như khả năng Iran nối lại xuất khẩu dầu”, Giám đốc Hiroyuki Kikukawa của Nissan Securities nhận định với hãng tin Reuters.