Chứng khoán Việt không còn rẻ so với các thị trường trong khu vực?
Việc định giá thị trường tại ngưỡng P/E trung bình 5 năm sẽ là điểm cần cân nhắc trong ngắn hạn; P/E của thị trường Việt Nam đang giao dịch quanh mức trung vị của các thị trường được chọn lựa là 17 lần...
Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán tháng 8, Mirae Asset nhấn mạnh, thị trường vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi kể từ giữa tháng 11/2022, với mức định giá P/E của thị trường đã được đẩy lên gần ngưỡng trung bình 5 năm là 17,7 lần (từ mức -2SD là 11,2 lần). Trong đó, 72% mức tăng của chỉ số P/E đến từ việc VN-Index tăng điểm và 28% đến từ việc EPS sụt giảm.
Theo phương pháp từ Bloomberg tính toán cho chỉ số P/E, EPS của thị trường (12 tháng gần nhất) đã giảm 11% so với năm 2022.
Mirae Asset giữ nguyên kỳ vọng trong các báo cáo trước là P/E của thị trường sẽ tiếp tục hướng về ngưỡng trung bình 5 năm. Tăng trưởng EPS sẽ phục hồi theo hình chữ U, sau khi quý 1 và quý 2 đã giảm 23% và 21% so với cùng kỳ (theo phương pháp tính của Bloomberg).
Mức tăng trưởng của hầu hết các ngành đều có sự khởi sắc trong nửa cuối năm nhờ lãi suất cho vay giảm và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; xuất khẩu và tiêu dùng trong nước hồi phục; các dự án đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới; các chính sách hỗ trợ.
Chính phủ Việt Nam tiếp tục kiên định với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5%, mặc dù tăng trưởng GDP nửa đầu năm chỉ đạt 3,7%. Để đạt được mức tăng trưởng lên đến 9% trong nửa cuối năm 2023, đầu tư công sẽ đóng vai trò chính (7 tháng đầu năm tăng trưởng 43% YoY; kỳ vọng mức giải ngân trong 6 tháng tới tăng 16% YoY để đạt được mức mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao).
Đáng chú ý, dữ liệu vĩ mô tháng 7 cho thấy dấu hiệu phục hồi của xuất khấu, FDI, và du lịch. Trong khi đó, Chính phủ tiếp tục nỗ lực tháo gỡ nút thắt cho ngành bất động sản, cũng như các tổ chức phát hành trái phiếu, giúp cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư.
Về phía chính sách tiền tệ, do cầu tín dụng vẫn thấp nên Mirae Asset kỳ vọng sắp tới Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cắt giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 25bps.
Tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước chuyển biến tích cực thể hiện qua số tài khoản mở mới 3 tháng liên tiếp trên mỗi 100 nghìn tài khoản/tháng. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE cũng ghi nhận tháng thứ 4 cải thiện liên tiếp. Trong đó, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm cá nhân trong nước chiếm gần 87% tổng giá trị giao dịch tháng 7, ghi nhận 4 tháng liên tiếp trên ngưỡng 85% tổng giá trị, tăng đáng kể so với mức bình quân 80% các tháng trước đó.
Hơn nữa, tổng mức cho vay ký quỹ đã tạo đáy cuối quý 4/2022 và liên tục cải thiện 2 quý liên tiếp. Dù vậy, tỷ lệ nợ vay ký quỹ cuối quý 2/2023 chỉ mới bằng khoản 70% vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán, thấp hơn mức đỉnh cuối quý 1/2022 là gần 130%.
Trong lịch sử, từ quý 3/2020 đến quý 1/2022, thị trường giao dịch trên vùng P/E trung bình 5 năm nhờ các động lực kỳ vọng các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn COVID; nợ vay ký quỹ tăng mạnh kể từ quý 2/2020; số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng mạnh từ tháng 3/2020; giá trị giao dịch bình quân tăng mạnh kể từ tháng 10/2020; kỳ vọng lợi nhuận phục hồi trong năm 2021.
Ở thời điểm hiện tại, những yếu tố hỗ trợ kể trên đang được kỳ vọng lặp lại trong giai đoạn tới bao gồm sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa và tiền tệ, triển vọng phục hồi lợi nhuận trong 2 quý tới, cùng với việc thanh khoản thị trường cải thiện và sự lạc quan từ nhóm nhà đầu tư cá nhân.
"Việc định giá thị trường tại ngưỡng P/E trung bình 5 năm sẽ là điểm cần cân nhắc trong ngắn hạn bởi vì kỳ vọng EPS cải thiện trong 2 quý tới thì mức P/E dự phóng sẽ giảm thấp hơn; P/E của thị trường Việt Nam đang giao dịch quanh mức trung vị của các thị trường được chọn lựa là 17 lần, tuy nhiên điểm hấp dẫn khi so sánh tương quan với các thị trường khác vẫn là ROE cao", Mirae Asset nhấn mạnh.