Chuyên gia lạc quan đưa ra hai kịch bản lạm phát năm 2024
Các chuyên gia đến từ Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng có nhiều nhân tố kiềm chế áp lực lạm phát nửa cuối năm 2024. Các ẩn số về điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường, tăng lương cũng nằm trong kịch bản, được điều hành thận trọng để đảm bảo CPI bình quân nằm trong tầm tay như mục tiêu Quốc hội đề ra...
Ngày 3/07, tại Hà Nội, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức hội thảo: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024”.
CPI TĂNG 1,4% SO VỚI CUỐI NĂM 2023, ÁP LỰC LẠM PHÁT VỪA PHẢI
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê mới công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng 6/2024 tăng 1,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%. CPI bình quân quý 2/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố khiến nhiều ý kiến lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, nhấn mạnh rằng trên thực tế, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn.
"Chỉ số lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu do tác động từ điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý 3/2023. Bởi vậy, trong quý 3/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý", ông Độ phân tích.
Cũng theo ông Độ, nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy bức tranh khác cho thấy áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải, vì chưa tính giá dịch vụ y tế, giáo dục đã điều chỉnh từ quý 3/2023.
Cụ thể, so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,40%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý 2/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng. Đây đều là các mức vừa phải trong 5 năm gần đây.
Vị chuyên gia này đánh giá không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến trong 6 tháng cuối năm 2024; ngoại trừ việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý chưa được công bố về quy mô, thời điểm và giới chuyên gia đang chờ đợi.
"Có thể kỳ vọng tốc độ tăng giá trong 6 tháng cuối năm sẽ ở mức tương đương so với trong 6 tháng đầu năm 2024, nếu không có các đợt điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn", ông Độ nhận định.
ẨN SỐ CUỐI NĂM KHÔNG QUÁ LO NGẠI
Làm rõ hơn lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công và mặt hàng Nhà nước quản lý nửa cuối năm, bà Vũ Hương Trà, Phó trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết với dịch vụ khám chữa bệnh dự kiến được điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở. Dịch vụ giáo dục cũng có lộ trình điều chỉnh năm 2024-2025 với khu vực ngoài công lập, theo đó, sẽ tăng khung còn mức độ cụ thể phải theo dõi diễn biến thực tế.
Bên cạnh đó, Luật Giá có hiệu lực từ tháng 7/2024, danh mục Nhà nước định giá do Nhà nước kiểm soát sẽ được tổng hợp lại, thay vì được quy định rải rác tại các văn bản chuyên ngành. "Lương tăng nhưng không phải hoàn toàn mặt hàng do Nhà nước định giá đều tăng, mức độ tăng phù hợp để kiểm soát lạm phát", bà Trà nhấn mạnh.
Ngoài ẩn số từ các mặt hàng được điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường, ông Nguyễn Đức Độ cho rằng áp lực lạm phát 6 tháng cuối năm 2024 không quá lo ngại nếu nhìn nhận 6 yếu tố tác động.
Thứ nhất, mặc dù nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức 6,42% và dự báo cả năm có thể đạt mức 6,5% nhưng xét cả giai đoạn 2020-2024, GDP chỉ tăng trung bình khoảng 5%/năm, thấp hơn mức trung bình 6,1% của giai đoạn 2014-2024.
"Tức là nền kinh tế trong năm 2024 vẫn đang hoạt động ở dưới mức tiềm năng", ông Độ nêu rõ.
Thứ hai, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong giai đoạn 2020-2024 luôn ở mức thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP, khoảng 3,9%/năm.
Nói cách khác, cầu tiêu dùng vẫn còn yếu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẽ quan tâm đến việc tiêu thụ hàng hóa hơn là tăng giá.
Xét các cú sốc về phía cung, ông Độ phân tích thứ ba, mặc dù tỷ giá tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm (tăng 4,17% so với tháng 12/2023 và tăng 7,66% so với cùng kỳ; bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,64%) nhưng lạm phát hàng tháng trong 6 tháng đầu năm 2024 không cao.
"Hơn nữa, đà tăng của tỷ giá đã chững lại trong tháng 5-6/2024 và được dự báo sẽ ổn định, thậm chí giảm trong 6 tháng cuối năm. Thị trường đang đợi Fed cắt giảm lãi suất càng sớm thì đồng USD có thể giảm giá trên thị trường quốc tế", ông Độ nhìn nhận.
Thứ tư, giá dầu tương đối ổn định trong thời gian qua khi dao động xung quanh mức 80 USD/thùng và khó tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm do nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ vẫn hiện hữu khi Fed duy trì lãi suất ở mức cao.
Thứ năm, lãi suất mặc dù thấp nhưng vẫn được duy trì ở mức thực dương và giúp kiềm chế lạm phát.
Còn cung tiền và tín dụng tăng trưởng ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, tính đến thời điểm 24/6/2024 tăng trưởng huy động vốn và tín dụng của các tổ chức tín dụng mới đạt tương ứng 1,50% và 4,45%. Như vậy còn kém xa so với mục tiêu đề ra.
Nhân tố thứ sáu, tác động từ tăng lương cơ sở tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn do khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, chưa đến 8% số lao động.
HAI KỊCH BẢN VỀ LẠM PHÁT NĂM 2024
Dự báo diễn biến nửa cuối năm 2024,Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng CPI đạt đỉnh cỡ tháng 7,8/2024 sau đó giảm dần. Trung bình cả năm 2024, theo ông Độ, về tổng thể, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4% (+/- 0,2%), tức là rơi vào kịch bản cao trong dự báo từ đầu năm 2024 là 3,0% (+/-0,5%).
PGS.TS. NGƯT. Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, đưa ra hai kịch bản dự báo.
Kịch bản 1: CPI bình quân ở khoảng 3,95% (+0,25%) với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 6-6,5% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới.
Kịch bản 2: CPI bình quân ở khoảng 3,95% (-0,25%) với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt 6% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới.
Để kiềm chế lạm phát nửa cuối năm, đảm bảo thực hiện mục tiêu CPI bình quân từ mức 4 - 4,5% trong năm 2024, Viện trưởng cho rằng cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng, Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất thấp và mở rộng tín dụng có kiểm soát.
"Tuy nhiên, cần kiểm soát chặt chẽ về giải ngân tín dụng đúng mục đích và hiệu quả khi sử dụng vốn vào sản xuất, tiêu dùng nhằm đảm bảo sản lượng tổng cung và hiệu quả kinh doanh và gia tăng tổng cầu qua tiêu dùng cá nhân", ông Nguyên khuyến nghị.
Bên cạnh đó, bình ổn thị trường vàng, thị trường ngoại hối và giá trị đồng tiền trong bối cảnh Chính phủ sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, đi ngược với xu hướng chính sách các nước trên thế giới. Đồng thời, chuẩn bị trước kịch bản ứng phó hiệu quả trước khả năng ngân hàng trung ương các nước lớn có chính sách hạ lãi suất.
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Các bộ ngành nên chủ động đề xuất các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào các tháng cuối năm 2024 (thời điểm chuẩn bị tết âm lịch 2025), hoặc dồn vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, đồng thời giảm bớt áp lực cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát.
"Chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra tại nhiều quốc gia có thể ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực, thực phẩm toàn cầu và dịch bệnh trên vật nuôi", Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nêu rõ.
Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá.