Cố gắng “cai” khí đốt Nga, nhiều ngành công nghiệp ở châu Âu lao đao

An Huy
Chia sẻ

Các ngành công nghiệp của châu Âu đang vận động EU và chính phủ các nước trong khối nhằm có được sự đảm bảo rằng họ sẽ được cung cấp khí đốt từ các nguồn thay thế trong trường hợp Nga “khoá van” ...

Trong một nhà máy thép ở Đức - Ảnh: DW.
Trong một nhà máy thép ở Đức - Ảnh: DW.

Hiện nay, giá năng lượng tại châu Âu đang tăng vọt, một phần do ảnh hưởng chiến tranh Nga-Ukraine. Tình trạng này khiến các nhà sản xuất trong khu vực suy giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Tờ Wall Street Journal nói rằng các nhà máy ở châu Âu đang xoay sở tìm nguồn cung thay thế năng lượng Nga, trong bối cảnh Moscow có thể “khoá van” khí đốt bất kỳ lúc nào để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Trong trường hợp đó, sản xuất ở châu Âu gần như chắc chắn sẽ rơi vào tê liệt.

CHÂU ÂU TRƯỚC KHẢ NĂNG PHẢI CHIA KHẨU PHẦN KHÍ ĐỐT

Các nhà sản xuất ở châu Âu trong các lĩnh vực hoá chất, phân bón nông nghiệp, thép và các mặt hàng đòi hỏi nhiều năng lượng khác đã phải đương đầu với áp lực lớn trong suốt 8 tháng qua, khi căng thẳng với Nga gia tăng trước khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào tháng 2. Một số nhà sản xuất thậm chí đang phải đóng cửa nhà máy vì không thể cạnh tranh với các công ty ở Mỹ, Trung Đông và các khu vực khác có chi phí năng lượng thấp hơn nhiều so với ở châu Âu. Chẳng hạn, giá khí đốt ở châu Âu hiện đang cao gấp 3 lần so với ở Mỹ.

“Nhìn chung, mối lo lớn đối với châu Âu hiện nay là nhập khẩu tăng mà xuất khẩu lại giảm”, ông Marco Mensink, Tổng giám đốc của Cefic - tổ chức hiệp hội của ngành công nghiệp hoá chất châu Âu, phát biểu.

 

Việc sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời để vận hành các nhà máy hoá chất hay dùng năng lượng hydrogen cho sản xuất thép sẽ phải mất nhiều năm nữa mới trở nên khả thi về mặt thương mại và đòi hỏi lượng vốn đầu tư khổng lồ, theo lãnh đạo các doanh nghiệp.

Căng thẳng với Nga khiến châu Âu phải chuẩn bị cho tình huống phải chia khẩu phần khí đốt nếu Nga cắt cung cấp khí đốt đối với toàn bộ khu vực. Công ty khí đốt quốc doanh Nga Gazprom hiện đã cắt khí đốt đối với Bulgaria, Phần Lan, Ba Lan, Đan Mạch và Hà Lan sau khi những nước này từ chối yêu cầu mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra rằng các quốc gia “không thân thiện” phải thanh toán bằng đồng Rúp khi mua khí đốt Nga.

Đến năm 2021, Nga là nguồn cung đáp ứng khoảng 40% tổng nhu cầu khí đốt của toàn bộ Liên minh châu Âu (EU).

Giá năng lượng tăng cao ở châu Âu được dự báo sẽ là một nhân tố kéo tụt sản lượng công nghiệp và tăng trưởng kinh tế khu vực trong năm nay. Các chuyên gia kinh tế thuộc Uỷ ban châu Âu (EC) dự báo kinh tế Đức suy giảm trong quý 2 này dưới sức ép từ giá năng lượng leo thang. Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, cũng là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga. Khó có chuyện người tiêu dùng ở châu Âu bù đắp cho sự “hụt hơi” của sản xuất công nghiệp, vì giá năng lượng cao đang thẩm thấu vào giá cả trong khắp nền kinh tế, khiến cho sức mua của họ ngày càng hao hụt.

Hôm 14/6, nuồn cung khí đốt của châu Âu hứng một “đòn giáng kép”, khi một cảng xuất khẩu khí tự nhiên (LNG) của Mỹ tuyên bố phải tạm ngừng hoạt động trong ít nhất 3 tháng và Nga nói sẽ giảm mạnh lượng khí đốt đi qua một đường ống chủ chốt dẫn tới Đức.

Freeport LNG - cảng chiếm 1/5 tổng lượng xuất khẩu khí hoá lỏng của Mỹ và 10% nhập khẩu LNG của châu Âu trong năm nay – nói rằng gián đoạn hoạt động để sửa chữa sau một vụ nổ tại nhà máy vào tuần trước có thể kéo dài đến cuối năm. Một phần hoạt động của cảng chỉ có thể nối lại sau 90 ngày.

Về phần mình, Nga nói sẽ giảm 40% công suất cung cấp khí đốt qua đường ông Nord Stream 1 dẫn tới Đức. Lý do mà Moscow đưa ra là một số turbine khí của đường ống này đang bị công ty Đức Siemens Energy trì hoãn đưa trở lại. Trong khi đó, phía Siemens nói sự trì hoãn là do các biện pháp trừng phạt của Canada đối với Nga.

Ngay lập tức, giá khí đốt tiêu chuẩn tại thị trường châu Âu tăng hơn 15% trong phiên giao dịch ngày 14/6, lên mức 99 Euro/megawatt giờ. Giá khí đốt giao tháng 7 tại Anh tăng 25%, lên mức 1,97 Bảng/therm. Trái lại, giá khí đốt ở Mỹ giảm hơn 15%.

Nguồn cung năng lượng từ Nga ngày càng “teo” lại đặt nền công nghiệp châu Âu vào thế bất lợi trong dài hạn trừ phi các nhà sản xuất triển khai được những công nghệ giúp giảm mạnh nhu cầu sử dụng năng lượng hoá thạch. Tuy nhiên, nhiều công nghệ trong số này - chẳng hạn sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời để vận hành các nhà máy hoá chất hay dùng năng lượng hydrogen cho sản xuất thép - sẽ phải mất nhiều năm nữa mới trở nên khả thi về mặt thương mại và đòi hỏi lượng vốn đầu tư khổng lồ, theo lãnh đạo các doanh nghiệp.

CÂU CHUYỆN CỦA CÁC NHÀ MÁY PHÂN BÓN

Các nhà sản xuất ở châu Âu phụ thuộc vào khí đốt Nga với tư cách một nguồn năng lượng và cả nguyên vật liệu đầu vào. Tại khu vực này, giá khí đốt quyết định giá điện, nên các nhà máy chịu cảnh “thiệt đơn, thiệt kép” mỗi khi giá khí đốt tăng. Ammonia là mặt hàng nhạy cảm hơn cả, chiếm khoảng 70% nhu cầu sử dụng khí đốt làm nguyên vật liệu thô ở châu Âu, mà phần lớn số ammonia ở châu Âu được dùng cho việc sản xuất phân bón nông nghiệp.

Việc các công ty châu Âu có thể thích ứng với giá năng lượng tăng vọt hay không sẽ tuỳ thuộc vào việc họ có thể đẩy mạnh sản xuất tại các cơ sở trên toàn cầu. OCI NV, một công ty sản xuất phân bón đặt trụ sở tại Amsterdam, đã giảm sản xuất ammonia tại nhà máy ở Hà Lan, và thay vào đó tăng cường nhập khẩu hoá chất này từ các nhà máy của công ty ở Mỹ, Ai Cập và Algeria – theo CEO Ahmed El-Hoshy. Hiện nay, OIC vẫn hoàn tất tại Hà Lan những công đoạn cuối cùng của quy trình sản xuất phân bón.

 

Nhiều nhà sản xuất phân bón ở châu Âu đã quyết định đóng cửa nhà máy vì không thể nhập khẩu ammonia từ nước ngoài.

Việc các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng ở châu Âu cắt giảm sản xuất đã giúp giải toả bớt áp lực ngắn hạn đối với nguồn cung khí đốt của khu vực, giải phóng một phần nguồn cung năng lượng này cho việc phát điện và sưởi ấm trong mùa đông tới – giai đoạn mà giới chức châu Âu dự báo nguồn cung khí đốt sẽ thắt chặt.

Trước đây, OCI chỉ nhập khẩu lượng Amonia lớn vào châu Âu trong mùa đông, khi giá khí đốt trở nên đắt đỏ nhất trong năm. “Bây giờ, tháng nào cũng là tháng mùa đông”, ông El-Hoshy phàn nàn với Wall Street Journal.

CF Industries Holdings, hãng phân bón lớn nhất của Anh, tuần trước tuyên bố sẽ đóng cửa vĩnh viễn một nhà máy đã dừng sản xuất ammonia từ năm ngoái. “Là một nhà sản xuất với chi phí cao trong một ngành công nghiệp có mức độ cạnh tranh khốc liệt toàn cầu, chúng tôi nhận thấy những thay đổi to lớn trong sự bền vững dài hạn, từ góc độ phương thức hoạt động của chúng tôi hiện nay”, Giám đốc Brett Nightingale của CF Industries phát biểu.

Các hãng thép châu Âu cũng cắt giảm sản xuất từ tháng 10 để tiết kiệm chi phí khí đốt và điện. Tháng 3, giá điện tăng vọt ở Tây Ban Nha khiến các hãng thép ở nước này phải lựa chọn giữa giảm sản lượng hoặc đóng cửa hoàn toàn.

“Chuyện này thực sự điên rồ”, Giám đốc tài chính (CFO) Miguel Ferrandis Torres của công ty Acerinox SA có trụ sở ở Madrid phát biểu. Hồi tháng 3, công ty này phải dừng một dây chuyền sản xuất trong 3 ngày.

Các ngành công nghiệp của châu Âu hiện đang vận động EU và chính phủ các nước trong khối nhằm có được sự đảm bảo rằng họ sẽ được cung cấp khí đốt từ các nguồn thay thế trong trường hợp Nga “khoá van” khí đốt.

“Chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy đến cả. Chúng tôi không thể sản xuất phân bón nếu không có khí đốt. Chúng tôi muốn có được sự đảm bảo tốt nhất”, Tổng giám đốc Jacob Hansen của Fertilizers Europe, tổ chức vận động hành lang chính của ngành công nghiệp phân bón châu Âu, phát biểu.

CÁC NGUỒN NĂNG LƯỢNG KHÁC CÓ KHẢ THI?

Nếu Nga cắt cung cấp khí đốt đối với Đức, nước này sẽ ưu tiên khí đốt cho các hộ gia đình và các dịch vụ chủ chốt như bệnh viện, cảnh sát và quân đội. Trong trường hợp đó, các nhà máy lớn có thể bị chia khẩu phần khí đốt và rơi vào cảnh gián đoạn hoạt động, đặt hàng nghìn công ăn việc làm vào thế rủi ro. Quyết định đối tượng nào được cấp khí đốt và cấp bao nhiêu sẽ nằm trong tay Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, cơ quan giám sát các vấn đề năng lượng của nước này.

Cơ quan này đã thiết lập một “căn phòng chiến tranh” (war room) được trang bị dự trữ dầu diesel, có phòng tắm, giường ngủ và dự trữ lương thực-thực phẩm, cùng một đội xử lý khủng hoảng gồm hơn 65 người. Đội này sẵn sang làm việc 24/24 trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp như vậy. Quyết định phân bổ khí đốt sẽ được đưa ra dựa trên dữ liệu sử dụng khí đốt đang được thu thập từ các công ty.

 

Các nhà máy hoá chất ở châu Âu dùng khí đốt để vận hành những lò phản ứng lớn làm nhiệm vụ tách dầu thô và khí đốt thành các hoá chất thành phần trong điều kiện nhiệt độ cao và áp suất lớn.

“Chúng tôi sẽ xem xét cụ thể từng công ty có thể ứng phó như thế nào, những công ty nào có thể tồn tại được khi có gián đoạn nguồn cung khí đốt, và những công ty nào không thể”, ông Klaus Muller, Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, phát biểu.

Ông Muller và ê-kíp của ông cũng sẽ xem xét các yếu tố như phân bố địa lý của các nhà máy công nghiệp và cách thức phù hợp để vận chuyển khí đốt tới từng nhà máy. “Chúng tôi cố gắng lường trước tất cả những yếu tố này, nhưng đó chắc chắn không phải là một tình huống dễ chịu gì”, ông nói.

Các nhà máy hoá chất ở châu Âu dùng khí đốt để vận hành những lò phản ứng lớn làm nhiệm vụ tách dầu thô và khí đốt thành các hoá chất thành phần trong điều kiện nhiệt độ cao và áp suất lớn. Ông Mensink nói ngành này đang tìm cách dùng điện để cung cấp năng lượng cho quy trình sản xuất của mình, nhưng công nghệ này phải đến năm 2030 mới sẵn sàng cho ứng dụng thương mại.

Các nhà máy muốn thay thế điện phát bằng ga với điện phát bằng các nguồn năng lượng tái sinh, nhưng nguồn cung năng lượng gió và năng lượng mặt trời không đủ để đáp ứng nhu cầu – ông Mensink cho hay.

“Chúng tôi đang cố gắng tận dụng những nguồn năng lượng thay thế để dùng cho sản xuất, nhưng thực tế là châu Âu cần phải đầu tư và xây dựng nhiều hơn để phát triển những nguồn năng lượng này”, ông nói.

Các hãng thép châu Âu đang cam kết nâng cấp nhà máy để dùng hydrogen thay vì dùng khí đốt làm nguyên liệu thô.

“Các nguồn cung khí đốt từ ngoài Nga vẫn sẽ quan trọng, chừng nào châu Âu còn chưa có được hạ tầng năng lượng hydro ở mức giá phải chăng”, Tổng giám đốc Axel Eggert của Eurofer - tổ chức vận động hành lang của ngành thép châu Âu - nhận định.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con