Cổ phiếu giảm la liệt, thanh khoản vẫn rất chậm
Thị trường đột ngột bị bán báo dữ dội trong phiên sáng nay, toàn sàn HoSE chỉ còn 32 mã tăng nhưng tới 474 mã giảm, VN-Index bốc hơi 2,49%. Tuy nhiên thanh khoản sàn này chỉ hơn 8,8 ngàn tỷ đồng khớp lệnh và hai sàn chỉ quanh ngưỡng 10 ngàn tỷ đồng. Đây là hiệu ứng của bên bán quá mạnh trong khi dòng tiền rút lui...
Thị trường đột ngột bị bán báo dữ dội trong phiên sáng nay, toàn sàn HoSE chỉ còn 32 mã tăng nhưng tới 474 mã giảm, VN-Index bốc hơi 2,49%. Tuy nhiên thanh khoản sàn này chỉ hơn 8,8 ngàn tỷ đồng khớp lệnh và hai sàn chỉ quanh ngưỡng 10 ngàn tỷ đồng. Đây là hiệu ứng của bên bán quá mạnh trong khi dòng tiền rút lui.
Kết phiên sáng VN-Index bốc hơi 28,74 điểm xuống mức 1.126,51 điểm. Tính theo mức đóng cửa thì chỉ số đã thủng đáy thấp nhất tuần trước, nhưng tính theo biên độ tối đa thì đang ngấp nghé (đáy ngày 27/9 chỉ số sâu nhất xuống 1.126,36 điểm). Tuy nhiên VN30 đã hoàn toàn thủng đáy khi xuống mức 1.136,73 điểm giảm 2,6%.
Sức ép ở nhóm cổ phiếu blue-chips là rất lớn và khi điểm số mất quá nhiều thì tâm lý sợ hãi lan tỏa rất rộng. Toàn bộ rổ VN30 chỉ còn duy nhất SSB tham chiếu, còn lại toàn giảm, trong đó 11 mã giảm trên 3% và 14 mã khác giảm trong biên độ 1% tới 2%.
Về biên độ, GVR đang dẫn đầu với mức giảm 5,64%, MWG giảm 4,72%, HPG giảm 4,58%. Về ảnh hưởng điểm số, VIC dẫn đầu khi giảm 4,05%, tiếp đến là HPG, BID giảm 2,62%, VPB giảm 3,67%, GAS giảm 3,14%. Trong Top 10 vốn hóa của chỉ số, duy nhất VCB giảm nhẹ 0,23%, còn lại 5 mã giảm trên 2%, các mã khác giảm quanh 1%.
Trên toàn sàn HoSE, trong 474 mã đỏ, có 150 mã giảm trên 3% và 115 mã giảm trong biên độ 1% tới 2%. Rất may mới có 2 mã giảm sàn, là PTL và TDW.
Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn đạt khoảng 10.083 tỷ đồng, có tăng 92% so với sáng hôm qua nhưng mức này vẫn khá thấp so với giai đoạn cuối tháng 8, đầu tháng 9. Điều này gợi nhớ đến phiên ngày 25/9 vừa qua khi phiên sáng cũng giao dịch rất nhỏ do dòng tiền rút lui và đến chiều lượng hàng về tài khoản bán đổ bán tháo giá sâu hơn khiến hàng trăm mã giảm sàn mới kéo được thanh khoản lên.
Với rủi ro VN-Index phá đáy, về mặt kỹ thuật đà giảm có nguy cơ kéo dài hơn. Điều này đẩy những nhà đầu tư mua vào tuần đi ngang vừa rồi ở thế mắc kẹt vào bull-trap. Tổng giá trị giao dịch tuần trước vào khoảng 104 ngàn tỷ đồng chỉ tính trên HoSE và HNX là con số không hề nhỏ. Với áp lực này và rủi ro điều chỉnh, nhà đầu tư cầm tiền có thể thận trọng hơn trong quyết định bắt đáy.
Trên sàn HoSE sáng nay có 23 cổ phiếu thanh khoản vượt 100 tỷ đồng thì tới 20 mã giảm quá 3%. Cổ phiếu giảm “nhẹ nhất” trong 20 mã này là HAH cũng mất tới 3,44% giá trị. Hai cổ phiếu khác là DGC và VCG cũng giảm tương ứng 2,67% và 2,62%. Duy nhất HHV là khá tốt, giảm 0,3%. Có thể thấy về mặt tổng thể, dòng tiền mua đang rút lui xuống vùng giá rất sâu hoặc chưa treo lệnh, nên thanh khoản tăng chậm dù biên độ giảm giá rất mạnh. Đối với các cổ phiếu có thanh khoản cao, biên độ giảm cũng rất lớn phản ánh nhu cầu bán tháo dữ dội.
Trong 32 cổ phiếu đi ngược dòng sáng nay, rất ít mã xuất hiện thanh khoản đủ tin cậy. RDP tăng kịch trần và giao dịch gần 24,7 tỷ đồng, TTA tăng 2,66% với 21 tỷ, CTI tăng 1,32% với 9,4 tỷ, LCG tăng 0,8% với 68,1 tỷ là các cổ phiếu đáng kể duy nhất.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng góp phần gia tăng áp lực khi bán ròng 233,7 tỷ đồng trên HoSE. HPG bị bán ròng 32,5 tỷ, STB -23,1 tỷ, VIC -22,3 tỷ, VCI -21 tỷ là các mã nổi bật. Phía mua có DPM +19,2 tỷ là cổ phiếu duy nhất nhỉnh hơn các mã khác.
Với mức tăng giá khá tốt ở nhiều cổ phiếu trong hai phiên cuối tuần trước, nếu nhà đầu tư chưa chốt lời ngay thì chiều nay hàng về có rủi ro bốc hơi toàn bộ lợi nhuận hoặc thua lỗ. Điều quan trọng là dòng tiền mua quá thận trọng, khiến sức ép tâm lý bị dồn nén ở bên cầm cổ. Đặc biệt nếu nhà đầu tư sử dụng margin để bắt đáy tuần trước với hi vọng nhịp điều chỉnh đã kết thúc thì rủi ro đổ vỡ kỹ thuật có thể thúc đẩy hành động giảm đòn bẩy quy mô lớn.