Cổ phiếu nào tiềm năng nhất trong “cơn điên” tăng giá dầu?
Giá dầu đang ở vùng đỉnh lịch sử, cao nhất tính từ thời điểm cuối tháng 10/2014. Nhiều dự báo cho rằng, giá dầu có thể vượt 100 USD trong năm nay...
Sự tăng mạnh của giá dầu được cho là kết hợp của nhiều nguyên nhân: nhu cầu đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19 trong khi nguồn cung đang được kiểm soát một cách thận trọng (OPEC+ trong cuộc họp ngày 2/2/2022 đã giữ nguyên lộ trình tăng sản lượng thêm 400k thùng/ngày chứ không tăng nhiều hơn). Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine cũng như tình hình nóng lên ở Trung Đông cũng thúc đẩy giá dầu lên cao.
GIÁ DẦU CÓ THỂ VƯỢT 100 USD
Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các tổ chức lớn trên thế giới đều có dự báo khá lạc quan về triển vọng của giá dầu năm 2022. Nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh sau khi các nên kinh tế mở cửa trở lại là động lực chính khiến giá dầu được dự báo sẽ duy trì ở mức cao, đặc biệt là nguồn cung dầu khí trong những năm qua đã không tăng mạnh do chiến lược giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo cũng như thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ kể từ tháng 4/2020.
Goldman Sachs trong báo cáo hồi cuối tháng 1/2022 dự báo giá dầu sẽ có thể đạt 100 USD/thùng vào 2 quý cuối năm 2022, và mức trung bình cả năm 2022 có thể đạt 95,8 USD/thùng, và năm 2023 có thể đạt trung bình 105 USD/thùng, mức tăng đáng kể so với dự báo trước kia là 81 và 85 USD/thùng cho năm 2022 và 2023.
Theo OPEC, tổng số giàn khoan đang hoạt động trong 2021 đã vượt năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với năm 2019. Do các hoạt động đầu tư đã chuyển hướng sang nhiên liệu xanh, đầu tư vào nhiêu liệu hóa thách đã giảm trong những năm gần đây. Do đó, tình trạng dư cung có thể không xảy ra trong ngắn hạn, điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu.
Trong nước, trao đổi với báo giới, ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia cao cấp của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cũng dự báo rằng, giá dầu năm 2022 có thể chạm ngưỡng ba con số, tức là sẽ có thời điểm giá dầu sẽ vượt mức 100 USD/thùng, nhất là trong giai đoạn của quý I và đầu quý II khi mà tình hình dịch bệnh được cải thiện cũng như là khi dự trữ dầu thô tại các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc, EU có thể sụt giảm nhanh. Hiện lượng dầu thô dự trữ của Mỹ chỉ hơn 500 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
VPI cho rằng giai đoạn nửa đầu năm 2022, giá dầu thô có thể ở mức trên 80 USD/thùng. Giai đoạn nửa sau của năm 2022, giá dầu sẽ ở mức độ ổn định hơn khi các nền kinh tế đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, các vấn đề liên quan đến logistics được đảm bảo cũng như các nền kinh tế bắt đầu có những chính sách liên quan đến tài khóa thực chất hơn và các dòng chảy tiền tệ có thể được luân chuyển một cách hợp lý giữa các nền kinh tế. Vì vậy, giá dầu thô khi đó có thể dao động ở mức trên 78 USD/thùng hoặc có thể cao hơn một chút.
Chứng khoán SSI cũng vừa phải nâng giả định giá dầu lên mức USD 80/thùng từ 70 USD/thùng trong báo cáo chiến lược năm 2022 sau khi tính đến đợt tăng giá gần đây của giá dầu.
DOANH NGHIỆP NÀO LỢI NHẤT?
Theo đánh giá của SSI Research, môi trường giá dầu ổn định và duy trì trên 60-70 USD/thùng sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam khai thác các mỏ dầu khí hiện tại cũng như triển khai các dự án dầu khí mới. Trước đó, hoạt động khai thác dầu khí năm 2021 không có nhiều sôi động.
Biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến GAS, làm tăng/giảm doanh thu & biên lợi nhuận, và nhu cầu khí khô từ nhà máy điện do giá điện khí ở mức cao, cũng như PLX & OIL (tăng/giảm doanh thu & lãi/lỗ hàng tồn kho) và BSR (tăng/giảm biên lợi nhuận lọc hóa dầu, lãi/lỗ hàng tồn kho).
Cụ thể, với GAS, năm 2022, SSI Research ước tính nhu cầu từ các nhà máy điện khí hồi phục. Tăng trưởng sản lượng ước tính đạt 18,5% do mức so sánh thấp trong 2021 nhưng vẫn thấp hơn so với mức trước Covid trong 2019. Với giả định giá dầu thô Brent theo kịch bản cơ sở là 80 USD/ thùng, lợi nhuận của GAS ước tăng mạnh do giá bán tăng. Theo ước tính, với mỗi 10 USD tăng/giảm của giá dầu Brent, lợi nhuận trước thuế của GAS sẽ tăng/giảm khoảng 700-1.100 tỷ đồng.
Với PLX, lợi nhuận có thể tăng 28% trong 2022, do sản lượng tiêu thụ xăng và nhiên liệu máy bay cũng như các mảng kinh doanh khác hồi phục. Ước tính lợi nhuận này chưa bao gồm việc thoái vốn khỏi PGB có thể đem lại khoản thu nhập bất thường đáng kể cho PLX.
OIL là công ty bán lẻ xăng dầu, do vậy giá dầu tăng giúp Công ty có thể hưởng lợi từ giá dầu tăng nhờ hàng tồn kho chi phí thấp. Sản lượng tiêu thụ có thể hồi phục trong 2022 so với mức thấp trong 2021.
Tương tự, BSR ước tính duy trì kết quả kinh doanh cao trong 2022 nhờ sảnl ượng ổn định, giá dầu cũng như mức chênh lệch giữa giá xăng dầu và giá đầu vào (crack spread) tăng.
Trong khi đó, đối với các công ty dầu khí upstream (PVD & PVS), giá dầu không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng của công ty trong ngắn hạn do các công ty này dựa và các dự án, mang tính chất dài hạn hơn. Mặc dù vậy, ước tính mảng khoan của PVD hồi phục từ Q2/2021 và ghi nhận lợi nhuận từ 2022 nhờ hiệu suất sử dụng và giá thuê tăng. Giá dầu duy trì tích cực sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động đầu tư thăm dò khai thác, đặc biệt là việc triển khai các dự án lớn, giúp đem lại khối lượng công việc tiềm năng cho PVD, PVS trong dài hạn.
Tương quan của giá cổ phiếu ngành dầu khí và giá dầu, theo SSI Research, dù có sự khác nhau về các yếu tố cơ bản, giá cổ phiếu ngành dầu khí đều có tương quan rất chặt chẽ với giá dầu, hay nói cách khác độ “nhạy” của giá cổ phiếu với giá dầu là rất cao. Giá dầu tăng đem lại cơ hội đầu tư cả ngắn và dài hạn. Với chiến lược đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư có thể xem xét các cổ phiếu có mức độ tương quan lớn nhất với giá dầu như BSR, PVD, PVS và OIL.
SSI Research cũng nâng định giá mục tiêu 1 năm của cổ phiếu GAS từ 118.000 đồng lên 130.000 đồng; PVD từ 31.000 đồng lên 35.000 đồng; với các cổ phiếu giữ nguyên mức định giá như trong báo cáo ra trước đó ngày 24/1/2022.