Cổ phiếu VCB lên sát đỉnh cao lịch sử, tiền vào bắt đáy phiên chiều
Sự kết hợp giữa nhịp phục hồi của các mã trụ và dòng tiền vào mua mạnh hơn đã giúp thị trường có nhịp phục hồi thoát đáy chiều nay. Tiếc rằng động lực tăng vẫn chưa đủ để đổi màu chỉ số khi VCB tăng quá lẻ loi trong nhóm trụ lớn nhất. VN-Index kết phiên vẫn giảm 0,44 điểm với độ rộng nghiêng hẳn về phía giảm...
Sự kết hợp giữa nhịp phục hồi của các mã trụ và dòng tiền vào mua mạnh hơn đã giúp thị trường có nhịp phục hồi thoát đáy chiều nay. Tiếc rằng động lực tăng vẫn chưa đủ để đổi màu chỉ số khi VCB tăng quá lẻ loi trong nhóm trụ lớn nhất. VN-Index kết phiên vẫn giảm 0,44 điểm với độ rộng nghiêng hẳn về phía giảm.
Điểm nhấn chiều nay là sự bùng nổ của VCB kết hợp với nhịp đánh thốc tăng ở một số cổ phiếu blue-chips khác. VN-Index tạo đáy sâu của ngày lúc 2h và mức phục hồi trong những phút cuối khoảng 6,7 điểm, không đủ để vượt tham chiếu nhưng đủ đề duy trì một trạng thái đi ngang hẹp giống hôm qua.
VCB là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường thời điểm này, nên mỗi phần trăm tăng giá của mã này đều có giá trị đối với VN-Index. Ngay từ cuối phiên sáng, VCB đã là trụ của chỉ số với mức tăng 1,43%. Phần lớn thời gian buổi chiều VCB đứng im, nhưng từ 2h trở đi thì bắt đầu bứt phá. Giá tăng thêm 1,64% chỉ trong 30 phút cuối đợt liên tục và đợt ATC, mở rộng biên độ tăng cả ngày lên 2,65% so với tham chiếu. Riêng VCB đã góp cho VN-Index gần 2,9 điểm. Thanh khoản phiên chiều của VCB cũng tăng 26% so với buổi sáng, đạt 45,7 tỷ đồng.
Với mức chốt phiên tại 93.000 đồng, VCB đã đứng tương đương với đỉnh tháng 1/2023 và chỉ còn thấp hơn đỉnh cao lịch sử hồi cuối tháng 1/2022 khoảng 3% mà thôi. Trong số các blue-chips, VCB là mã duy nhất đã quay trở lại đỉnh cao lịch sử, coi như không bị tổn thương gì trong xu hướng điều chỉnh mạnh năm 2022. Nếu tính suốt nhịp tăng từ đáy tháng 11/2022 tới nay, VN-Index tăng khoảng 165 điểm thì VCB đóng góp 22 điểm.
Ngoài VCB, đợt ATC chiều nay cũng xuất nhịp nhịp kéo giá ở một số mã: SAB được giật từ 188.000 đồng lên 192.800 đồng, tăng chung cuộc 2,83% so với tham chiếu. VIB có cú nhảy 1,04% đợt cuối, tăng tổng cộng 2,97% so với tham chiếu. OCB thậm chí bay cao 3,19% trong đợt ATC. NVL, PLX, VHM là các mã khác có diễn biến tăng cuối cùng.
Thanh khoản khá mạnh phiên chiều là một tín hiệu tích cực, nhất là khi giá cổ phiếu hồi lại. Riêng HoSE chiều nay giao dịch 5.965,6 tỷ đồng, tăng 84% so với phiên sáng. Vn30 thậm chí tăng gấp đôi thanh khoản, đạt 3.033 tỷ đồng. Dĩ nhiên tổng thể giao dịch vẫn còn rất kém, loanh quanh 10 ngàn tỷ đồng khớp lệnh hai sàn cả ngày, nhưng lực cầu buổi chiều khá chủ động, nhất là với phiên hàng về quy mô lớn.
Khối ngoại cũng là một lực đỡ quan trọng khi chiều nay giải ngân tăng lên. Tổng giá trị mua thêm trên HoSE là 823,2 tỷ đồng, tăng 29% so với phiên sáng. Mức bán ra giảm 17%, đạt 423 tỷ đồng. Mức mua ròng cả phiên nhờ đó tăng lên 530,2 tỷ đồng. STB là mã được mua mạnh phiên chiều, tổng giao dịch ròng cả ngày đạt 171,1 tỷ. Ngoài ra HPG +106,7 tỷ, NVL +49,9 tỷ, VCB +30,8 tỷ, KBC +28,1 tỷ, CTG +26,2 tỷ, VIC +23,5 tỷ, SSI +20,6 tỷ... Phía bán ròng không có mã nào đáng kể.
Độ rộng của VN-Index cuối phiên ghi nhận 185 mã tăng/216 mã giảm, đã suy yếu so với phiên sáng (221 mã tăng/140 mã giảm). Về mặt điểm số giữa sáng và chiều VN-Index không chênh lệch bao nhiêu, nhưng cổ phiếu thì hạ độ cao nhiều hơn. Nguyên nhân là sức mạnh của các blue-chips chỉ có thể tác động nhẹ tới chỉ số, hãm đà giảm điểm, chứ không tạo được sức mạnh lan tỏa rộng hơn. Các cổ phiếu vẫn bị chốt lời riêng rẽ, nhất là khi hôm nay lượng hàng đạt đỉnh về tài khoản.