Cơ quan thuế chặn mua bán hoá đơn trái phép để ngăn nạn gian lận trong hoàn thuế VAT
Một trong những vướng mắc khiến hồ sơ hoàn thuế VAT bị mắc kẹt, doanh nghiệp vẫn chưa được hoàn thuế vừa qua do cơ quan thuế phát hiện trong bộ hồ sơ có một số hóa đơn mua vật tư từ những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và hóa đơn, hoặc doanh nghiệp bỏ trốn...
Thông tin về công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022, cơ quan thuế cả nước ban hành 20.774 quyết định hoàn thuế VAT với tổng số tiền thuế được hoàn là 150.709 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2023 (tính đến hết ngày 27/7), cơ quan thuế cả nước số ban hành 9.800 quyết định hoàn thuế VAT, tương ứng số thuế hoàn 70.356 tỷ đồng.
Trong đó, gần 80% hồ sơ được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế trước trong thời hạn 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế.
RÀ SOÁT QUY ĐỊNH, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ
Cũng theo Bộ Tài chính, qua công tác rà soát các hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau như: hồ sơ hoàn thuế lần đầu, hồ sơ của người nộp thuế trong thời hạn 2 năm kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế; ồ sơ rủi ro cao theo phân loại quản lý rủi ro..., cơ quan thuế phát hiện một số hồ sơ đề nghị hoàn thuế có đầu vào đề nghị hoàn là các hóa đơn VAT hàng hóa, dịch vụ mua của các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và hóa đơn.
Do vậy, "cơ quan thuế cần thực hiện các biện pháp kiểm tra, xác minh, đối chiếu để xác định số thuế VAT đủ điều kiện hoàn thuế, kiểm soát chặt chẽ tránh gian lận, thất thoát ngân sách nhà nước", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác giải quyết hoàn thuế VAT, Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo Tổng cục Thuế khẩn trương, quyết liệt có văn bản chỉ đạo các cục thuế trong công tác hoàn thuế VAT đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho doanh nghiệp theo đúng quy định. Trường hợp có vướng mắc thì thực hiện đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ và giải thích cho doanh nghiệp.
Gần đây nhất, đầu tháng 8, Tổng cục Thuế tiếp tục họp bàn giữa các đơn vị liên quan triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Công văn 5503/VPCP-KTTH ngày 20/7/2023. Cuộc họp đưa ra một số giải pháp để đẩy nhanh và giải quyết các vướng mắc trong hoàn thuế VAT về chính sách, về chỉ đạo chung toàn ngành, về đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, về đẩy mạnh tiến độ xây dựng, triển khai ứng dụng phân tích rủi ro; về nâng cấp hoàn thiện ứng dụng theo dõi kết quả xác minh hóa đơn…
Nêu rõ giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế VAT thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết thứ nhất, Tổng cục Thuế đang rà soát để báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền các quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, thuế suất và các điều kiện về hoàn thuế VAT đối với hàng hóa xuất khẩu.
Đồng thời, rà soát quy định về thủ tục hoàn thuế tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn gồm: hồ sơ hoàn thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế.
Tổng cục Thuế cũng tham khảo kinh nghiệm quốc tế về hoàn thuế VAT để đảm bảo các quy định về đối tượng, điều kiện, hồ sơ, thủ tục hoàn thuế VAT được thống nhất, chặt chẽ, giúp việc hoàn thuế VAT được kịp thời; đồng thời, tránh tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi, gian lận tiền thuế.
"Sau khi cấp phép thành lập doanh nghiệp có chế độ kiểm tra hậu kiểm các điều kiện mà doanh nghiệp đăng ký có đúng như doanh nghiệp đăng ký ban đầu khi khai hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp, để kiểm soát việc các cá nhân, nhóm cá nhân thành lập các doanh nghiệp nhằm mục đích mua bán hóa đơn VAT để trục lợi, gian lận tiền thuế", Bộ Tài chính nêu rõ.
Cơ quan thuế cũng tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng liên quan đến đăng ký kinh doanh có quy định chặt chẽ về đối chiếu nhân thân, xác thực nhân thân khi thành lập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định pháp luật để nâng mức xử phạt (hành chính/hình sự) đối với các hành vi mua bán trái phép hóa đơn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Thứ hai, triển khai toàn diện, nâng cấp tối đa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết hoàn thuế theo Quy trình hoàn thuế mới ban hành theo Quyết định số 679/QĐ-TCT ngày 31/5/2023 để tự động thực hiện các công việc, hỗ trợ cơ quan thuế các cấp trong công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế kịp thời, đúng quy định, kiểm soát hoàn thuế chặt chẽ.
Tổng cục Thuế áp dụng, triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong chuỗi mua bán của các doanh nghiệp, từ đó phát hiện các dấu hiệu gian lận trong việc kê khai, nộp thuế của các doanh nghiệp trung gian trong chuỗi mua bán. Đồng thời, phát hiện các dấu hiệu bất thường về giá trị hàng hóa giao dịch mua bán; phát hiện chuỗi mua bán lòng vòng của các doanh nghiệp…
ĐỐI THOẠI GỠ KHÓ, DOANH NGHIỆP CẦN CHỦ ĐỘNG HƠN
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo quyết liệt cơ quan thuế các cấp trong việc giải quyết hoàn thuế VAT, không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Cơ quan thuế các cấp cần bố trí đầy đủ nguồn lực khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra hoàn thuế đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế đúng thời hạn quy định, đúng đối tượng và trường hợp được hoàn thuế.
Đối với số thuế có kết quả kiểm tra, xác minh thì khẩn trương giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn cho người nộp thuế.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng tổ chức đối thoại tại cấp cục thuế tỉnh, thành phố với hiệp hội, doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế VAT tồn đọng kéo dài để làm rõ vướng mắc, chủ động xử lý, giải quyết các vướng mắc trong thẩm quyền. Trường hợp vướng mắc vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Tổng cục Thuế để được kịp thời hướng dẫn.
"Riêng trong tháng 6 năm 2023, các cục thuế, tổ chức công tác đối thoại với 63 doanh nghiệp có vướng mắc về hoàn thuế VAT", Bộ Tài chính cho biết.
Ngành thuế cũng tăng cường công tác tuyên truyền về hồ sơ, thủ tục hoàn thuế để doanh nghiệp chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị hoàn thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận hồ sơ, tránh hồ sơ chưa đáp ứng thủ tục khi gửi đến cơ quan thuế.
Ngoài ra, "tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn đối với quyết định hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn, trục lợi trong hoàn thuế nhằm chiếm đoạt ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, để công tác hoàn thuế được thuận lợi hơn, về phía doanh nghiệp, các đơn vị cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách pháp luật về thuế, hóa đơn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nói không với các hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn không hợp pháp trong trong việc đề nghị hoàn thuế VAT.
"Doanh nghiệp cần chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị hoàn thuế, rà soát, tập hợp các hóa đơn đầu vào, chứng từ thanh toán, các tờ khai hải quan, hợp đồng xuất khẩu trước khi nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra của cơ quan thuế", Bộ Tài chính lưu ý. Tránh hồ sơ chưa đáp ứng thủ tục gây ảnh hưởng đến tiến độ tiếp nhận, giải quyết của cơ quan thuế.
Trường hợp vướng mắc liên quan đến hồ sơ đề nghị hoàn thuế, doanh nghiệp chủ động, kịp thời liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn, giải đáp.