Coi chừng mắc tội “cho vay nặng lãi”
Trong đợt biến động lãi suất hiện nay, ít ai để ý đến một quy định của Bộ luật Dân sự
Trước tiên, xin nhắc lại ý nghĩa của một số loại lãi suất thường nghe nhắc đến trên mặt báo trong thời gian gần đây.
Ngày 30/1/2008, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định điều chỉnh lãi suất cơ bản bằng tiền đồng kể từ 1/2/2008 là 8,75%/năm (trước đó là 8,25%). Cùng ngày, hai loại lãi suất khác cũng được quyết định nâng lên: lãi suất tái cấp vốn là 7,5%/năm (trước đó là 6,5%) và lãi suất chiết khấu là 6,0%/năm (trước đó chỉ là 4,5%).
Lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh (thường đây là lãi suất cho vay tốt nhất của các ngân hàng đối với khách hàng, chẳng hạn với khách hàng bình thường, ngân hàng sẽ chào lãi suất cho vay bằng lãi suất cơ bản cộng 1 hay 2 điểm phần trăm). Lãi suất này mang tính định hướng cho thị trường cho thời gian tới.
Lãi suất tái cấp vốn là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước áp dụng khi tái cấp vốn. Còn tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng có bảo đảm của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho các ngân hàng. Đây cũng là con đường Ngân hàng Nhà nước sử dụng để bơm tiền vào hay rút tiền ra từ nền kinh tế.
Thông thường Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn theo những hình thức như: cho vay lại theo hồ sơ tín dụng mà ngân hàng đã ký cho khách hàng vay; chiết khấu, tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá khác (như trái phiếu kho bạc); cho vay có bảo đảm bằng cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá khác.
Lãi suất chiết khấu (hay lãi suất tái chiết khấu) là một hình thức lãi suất tái cấp vốn được áp dụng khi Ngân hàng Nhà nước chiết khấu (hay tái chiết khấu) thương phiếu và các giấy tờ có giá khác cho các tổ chức tín dụng. (Ở đây xin nhắc lại, chiết khấu là việc tổ chức tín dụng mua giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán của khách hàng; còn tái chiết khấu là việc tổ chức tín dụng mua lại giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán và đã được chiết khấu theo phương thức mua hẳn). Việc công bố tăng giảm các loại lãi suất nói trên thể hiện mục tiêu nới lỏng hay thắt chặt của chính sách tiền tệ.
Một loại lãi suất khác được nhắc đến nhiều trong mấy tuần qua là lãi suất qua đêm, có lúc lên đến 20-30%/năm. Đây là một dạng lãi suất liên ngân hàng, do các ngân hàng vay ngắn hạn của nhau để bảo đảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay bảo đảm tính thanh khoản. Nó chỉ có tác dụng ngắn hạn, nhất thời đối với một ngân hàng nhất định nào đó thôi.
Trong đợt biến động lãi suất hiện nay, ít ai để ý đến một quy định của Bộ luật Dân sự. Liên quan đến chuyện vay nợ để kinh doanh, điều 476 của bộ luật này quy định “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”.
Chà! Với lãi suất cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố là 8,75%, ai mà cho vay 14%/năm là đã phạm tội “cho vay nặng lãi” vì 150% của 8,75% chỉ mới bằng hơn 13,1% một chút! Nếu một hợp đồng cho vay 17%/năm có trục trặc bị đưa ra tòa, chắc hẳn cơ quan pháp luật sẽ áp dụng quy định cũng trong điều 476 của Bộ luật Dân sự: “Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”.
Thật ra, điều luật này nhắm đến quan hệ vay mượn bên ngoài hệ thống ngân hàng nên trong thực tế, từ nhiều năm nay, nhiều khách hàng vay của ngân hàng với lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản ở từng thời kỳ mà không hề hấn gì, cũng chẳng ai hỏi han gì. Thêm một dẫn chứng nữa cho thấy sự không đồng bộ, thiếu khả năng thực thi của không ít luật Việt Nam.