“Cộng gộp” chỉ tiêu, kinh tế vùng Trung du và miền núi phía Bắc khó tăng tốc
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng các chỉ tiêu đánh giá phát triển Vùng Trung du và miền núi phía Bắc hiện nay vẫn chỉ là cộng gộp từ các địa phương nên chưa đánh giá được hết đặc thù của từng địa phương trong vùng…
Phát biểu tại hội thảo “Nghiên cứu khả năng xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp độ vùng ở Vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong bối cảnh chuyển đổi số” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh (Tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức - GIZ) tổ chức ngày 27/10, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết vùng Trung du và miền núi phía Bắc là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước.
Thu nhập bình quân người lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất chỉ bằng 82,7% mức trung bình toàn quốc. Số doanh nghiệp đang hoạt động ở vùng tính đến cuối 2021 chỉ chiếm 4,3% tổng số doanh nghiệp cả nước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào vùng cũng rất hạn chế, chỉ bằng 3,4% tổng số dự án FDI của cả nước. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong vùng vẫn ở mức thấp, gần chạm ngưỡng bình quân cả nước (26,1%).
“Dù có rất nhiều nỗ lực và một số tỉnh trong vùng đã đạt những thành quả kinh tế ấn tượng nhưng nhìn chung trình độ phát triển của các địa phương trong vùng ngày càng chênh lệch so với các vùng còn lại của cả nước”, bà Minh nhận định.
Tuy nhiên, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc lại có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và có nhiều tiềm năng chưa được khai thác và phát triển xứng tầm. Chính vì vậy, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nói chung và liên kết vùng nói riêng có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng đối với vùng.
Nếu nhìn vào các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được xem xét thông qua, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho rằng, bước đầu bảo đảm tính khả thi và có thể đo lường, giám sát được về phương pháp và yêu cầu thống kê. Đặc biệt, động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội vùng cũng bước đầu được hình thành.
Song vị chuyên gia cho rằng những bất cập của hệ thống chỉ tiêu cũ liên quan đến Vùng Trung du và miền núi phía Bắc cần tiếp tục được xử lý. Đó là chưa có thể chế trực tiếp sử dụng kết quả theo dõi, đánh giá một số chỉ tiêu cấp vùng một cách định kỳ phục vụ công tác điều hành; phương pháp tính toán thu thập số liệu và gộp từ số liệu cấp địa phương trong vùng lên số liệu cấp vùng còn đang hoàn thiện; quy hoạch định hướng phát triển cho Vùng Trung du và miền núi phía Bắc trên cơ sở tính đặc thù của các địa phương trong vùng còn hạn chế; phân cấp thực hiện chưa rõ ràng, nguồn lực (tài chính, nhân lực) để bảo đảm xây dựng, điều chỉnh và theo dõi, giám sát các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội ở các địa phương trong vùng còn khó khăn,...
“Bản thân các chỉ tiêu đánh giá phát triển vùng hiện nay vẫn chỉ là cộng gộp từ các địa phương nên chưa đánh giá được hết đặc thù của từng địa phương trong vùng, để từ đó đưa ra chính sách tăng tốc phát triển cho vùng”, ông Dương nhấn mạnh.
Vì vậy, để thúc đẩy liên kết vùng, bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng việc tăng cường thu thập, chia sẻ, phân tích dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, chuyển đổi số sẽ giúp chính phủ và cơ quan điều phối phát triển vùng có cái nhìn tổng quát và khả năng theo dõi, đánh giá cập nhật hơn về tình hình phát triển kinh tế theo vùng, thay vì chỉ theo báo cáo tổng hợp của từng địa phương riêng lẻ.
“Chuyển đổi số hướng tới việc quản lý, điều hành của chính quyền Trung ương tới địa phương được tối ưu, minh bạch, kịp thời, đồng thời làm giảm chi phí hành chính của doanh nghiệp, thông qua đó giúp kết nối Chính phủ và doanh nghiệp tốt hơn và kết nối giữa các doanh nghiệp và khách hàng tối ưu hơn. Từ đó, xu hướng liên kết không chỉ mang tính chất nội vùng, liên vùng mà còn mở rộng ra toàn cầu”, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.