Công nghệ tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp

Lưu Hà
Chia sẻ

Để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang tích cực đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với độ mở lớn của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Nếu tận dụng được từ việc chuyển đổi, ứng dụng khoa học và công nghệ, bằng sự hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách cụ thể, doanh nghiệp Việt sẽ có được đà phát triển, tạo được sức cạnh tranh ở không chỉ thị trường trong nước mà còn tại thị trường khu vực và trên thế giới.

PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT THÔNG MINH

Là doanh nghiệp truyền thống gần 65 năm tuổi đời, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã nhiều lần chuyển tầng công nghệ, liên tục lập ra các trung tâm nghiên cứu để hình thành chiến lược chuyển đổi số. Theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Kết, công ty đã phát triển sản xuất thông minh, sử dụng robot hóa, ứng dụng công nghệ học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối công nghiệp (IIoT); thực hiện sản xuất hàng loạt theo nhu cầu cá thể hóa.

“Khi các công nghệ này kết hợp, chúng tạo ra một hệ thống linh hoạt và thông minh có khả năng cải thiện hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy sự phát triển bền vững”, ông Nguyễn Đoàn Kết cho biết.

Chia sẻ về hành trình áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Nafoods Group cho biết hiện tại sản phẩm từ chanh leo của công ty đã xuất khẩu đi 70 nước trên toàn thế giới, tạo giá trị hàng trăm triệu USD. Trong quá trình sản xuất, Nafoods tiên phong số hóa vùng trồng, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, đối với sản xuất nông nghiệp, khoa học và công nghệ rất quan trọng, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao. Hiện tại, Công ty có trên 10 giáo sư, 15 tiến sĩ và nhiều nhà nghiên cứu ở các trường đại học cùng hợp tác.

Tương tự, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết công ty đã nghiên cứu tất cả các công nghệ nuôi tôm trên thế giới để tìm ra công nghệ sinh học MPBiO, đã thử nghiệm từ năm 2022 và ghi nhận thành công. Công nghệ này sử dụng toàn bộ vi sinh đối kháng để ức chế mầm bệnh, dùng vi sinh để tăng cường sức khỏe miễn dịch của tôm, và dùng vi sinh để xử lý nước trong ao.

Theo đó, chi phí hóa chất giảm 95%, tiền điện giảm 50-70%, tiền thức ăn giảm trên 30%... Với quy trình mới, Minh Phú đã đi giới thiệu đến các khách hàng tại Mỹ, Nhật, châu Âu, Hàn Quốc,... từ đó công ty kỳ vọng có sản lượng trên 70.000 tấn, cùng kết quả kinh doanh vượt bậc hơn trước.

Ứng dụng khoa học và công nghệ, doanh nghiệp Việt sẽ có được đà phát triển, tạo được sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ứng dụng khoa học và công nghệ, doanh nghiệp Việt sẽ có được đà phát triển, tạo được sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Cricket One, nhà sản xuất đạm dế lớn nhất Đông Nam Á có trang trại Bình Phước, cũng bắt đầu dùng trí tuệ nhân tạo trong chăn nuôi từ năm 2019. Đồng sáng lập kiêm Giám đốc phát triển kinh doanh Bicky Nguyen cho biết nền tảng đang trong giai đoạn máy học (machine learning) và đưa ra các khuyến nghị cảnh báo khá đúng.

“Chúng tôi đo được mật độ đàn dế thông qua hành vi di chuyển dọc - ngang của chúng. Các thông số về điều kiện sống giúp công ty nghiên cứu sâu, hiểu và ra quyết định chăm sóc loài côn trùng này bớt cảm tính hơn trước”, bà Bicky Nguyen cho biết; đồng thời bà nhấn mạnh AI cực kỳ hữu dụng cho ngành chăn nuôi sau này.

Dệt may cũng là một trong những ngành công nghiệp đang có xu hướng công nghệ hóa mạnh. Khi chuyển đổi phương thức sản xuất từ OEM (gia công) sang sản xuất theo FOB (chủ động nguồn nguyên liệu), giá trị gia tăng của doanh nghiệp dệt may bắt đầu tăng lên. Nhờ giải pháp kỹ thuật số Style3D - phần mềm thiết kế 3D, ứng dụng AI vào thiết kế thời trang, các doanh nghiệp đã rút ngắn thời gian, công sức cũng như giảm lãng phí nguyên phụ liệu.

Đại diện Công ty TNHH C.S.P cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ giúp cho quá trình từ thiết kế, chọn mẫu, duyệt mẫu, sản xuất được đẩy nhanh hơn, doanh nghiệp chỉ cần 2 - 3 giờ đã có thể thiết kế xong 1 mẫu sản phẩm gửi khách hàng để đưa vào sản xuất”, đại diện C.S.P chia sẻ.

Tại hội thảo “AI và Quản trị doanh nghiệp” mới đây, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud, cho biết bên cạnh ứng dụng vào sản xuất, AI còn giúp doanh nghiệp trong tiếp thị và kinh doanh, hỗ trợ người dùng có thể hỏi đáp về các dịch vụ, điều kiện sử dụng sản phẩm… AI cũng được doanh nghiệp sử dụng để đào tạo, nâng cao chất lượng nhân viên bằng cách đánh giá và xác định ra những lỗ hổng kiến thức cần bổ sung, từ đó đề xuất những nội dung học phù hợp. Mô hình đào tạo này có thể được triển khai ở nhiều doanh nghiệp liên quan tới các lĩnh vực bán lẻ, thời trang, dịch vụ tài chính…

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2024 phát hành ngày 01/7/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Công nghệ tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp - Ảnh 1

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con