Cứu ngân hàng 0 đồng: Như muối bỏ biển
Một điểm mới quan trọng của thông tư đang được dự kiến thay cho thông tư về cho vay đặc biệt là quy định tài sản đảm bảo bằng giấy tờ có giá. Tuy nhiên, các khoản cho vay đặc biệt sẽ như “muối bỏ biển” nếu các khoản nợ xấu ở các tổ chức tín dụng này vẫn không thể xử lý...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 01/2018/TT-NHNN về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên nếu các khoản nợ xấu ở các tổ chức tín dụng này vẫn không thể xử lý thì việc thực hiện thông tư mới cũng ít có tác dụng.
Đây đang là vấn đề đau đầu của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Không giải cứu thì không được, mà cứ cứu thì trở thành tiền lệ xấu, và cuối cùng là ngân sách và là tiền thuế của người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu.
"ĐƯỢC" VAY ĐẶC BIỆT
Cuối tháng 8/2019, NHNN ban hành Thông tư 11/2019/TT-NHNN quy định về kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng. Theo đó, có 7 trường hợp mà một tổ chức tín dụng nếu bị chạm lằn ranh đỏ, sẽ phải vào diện kiểm soát đặc biệt. Các trường hợp này là rơi vào các tiêu chí như thiếu hụt tài sản có tính thanh khoản cao, khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ, lỗ lũy kế, và bị Ngân hàng Nhà nước xếp hạng yếu kém.
Trước đó, Thông tư 01/2018/TT-NHNN ra đời sau khi ba ngân hàng bị mua lại 0 đồng vào năm 2015 là CCBank, OceanBank, và GPBank, cùng với đó là DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Điểm mới nổi bật của thông tư dự kiến thay thế Thông tư 01/2018/TT-NHNN lần này là bổ sung thêm quy định về tài sản đảm bảo đối với các khoản vay đặc biệt.
Nhưng khổ nỗi khi lâm vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt nghĩa là bệnh cũng đã nặng lắm rồi. Quan trọng nhất là khả năng thanh toán không còn khi nợ xấu không thể thu hồi hay xử lý. Thử hình dung như thế này, ngân hàng nhận tiền gửi của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, sau đó cho doanh nghiệp khác vay. Doanh nghiệp đi vay bị mất khả năng thanh toán, kéo theo ngân hàng không có khả năng trả đáo hạn cho bên gửi tiền. Trường hợp xấu nhất là âm cả vốn chủ sở hữu.
Cho nên dự kiến cho tổ chức tín dụng trong diện kiểm soát đặc biệt vay đặc biệt với tài sản đảm bảo chủ yếu là các giấy tờ có giá là một điều gì đó như có mà như không. Vì nếu có đủ tài sản có tính thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trái phiếu ngân hàng thương mại do Chính phủ nắm quyền kiểm soát thì đã không rơi vào diện học sinh “cá biệt”.
Nhưng có một điểm mờ ở đây, và có thể là một lỗ hổng là khoản thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cho vay của bên đi vay đối với cá nhân, tổ chức (trừ tổ chức tín dụng).
Hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đã bị rúng động trong thời gian giữa và cuối 2019 với vụ ngân hàng Baoshang lâm vào tình trạng phá sản buộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) phải tiếp quản, tiếp sau đó là trường hợp sáp nhập để cứu hai ngân hàng địa phương nhỏ là Bank of Jinzhou, và Hengfeng Bank.
Điểm chung của cả ba cú sụp này là sự lỏng lẻo trong việc giám sát hoạt động cho vay của các ngân hàng này với các sân sau của mình. Các ngân hàng này lại sử dụng một loại công cụ nợ khá phổ biến ở Trung Quốc là NCD (Negotiable Certificate of Deposit), một dạng chứng chỉ tiền gửi linh động thời hạn, để huy động vốn, từ đó rút ruột chuyển cho các sân sau của mình. Nguy hiểm là ở chỗ các công cụ nợ này được mua bán trao đổi trên thị trường thứ cấp, nhưng lại không có hay không đủ tài sản đảm bảo.
Chỉ cần một sân sau lớn của ngân hàng gặp rủi ro và bị mất thanh khoản, rủi ro dây chuyền sẽ được kích hoạt khi ngân hàng không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ với nhà đầu tư, và cái vòng xoáy giữa các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp được khuếch đại bởi vì NCD là công cụ nợ có giá trị lớn, thường chỉ dành cho nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư tổ chức. Rủi ro này được xếp vào loại rủi ro hệ thống (systemic risk) cho nên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải lập tức can thiệp.
Nếu thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cho vay, mà bên đi vay chính lại là sân sau của ngân hàng thì nếu phát sinh nợ xấu ở chỗ này, mà dùng quyền đòi nợ cũng ở ngay chỗ này để thế chấp vay đặc biệt thì có khác gì muối bỏ biển hay tiếp tay cho cái sai. Do đó, phải có quy định cụ thể, minh bạch trong các điều kiện sử dụng quyền đòi nợ để thế chấp.
Câu chuyện xảy ra ở Việt Nam năm 2015 cũng không khác là mấy. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải giám sát đặc biệt và mua 0 đồng ba ngân hàng bởi vì vốn chủ sở hữu đã âm, thực chất là nhận phần thiệt hại về mình, mà thực ra cuối cùng đó chính là ngân sách, tiền thuế của nhân dân và doanh nghiệp.
Việc giải cứu là cần thiết nhằm tránh cú sốc lớn thậm chí khủng hoảng của ngành ngân hàng, của nền kinh tế vì đặc thù mức độ tập trung lớn của thị trường vốn dựa vào ngân hàng, sự ảnh hưởng lớn của ngành ngân hàng đến các nhóm ngành khác. Có người sẽ liên tưởng đến sự phá sản của Lehman Brothers nhưng thị trường tài chính ở Mỹ có sự đa dạng nhất định, và chính phủ Mỹ cũng đã phải cân nhắc lựa chọn giải cứu định chế nào để ít gây hậu quả nhất.
ĐỪNG ĐỂ CHUYỆN ĐÃ RỒI
Về bản chất, một ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên sẽ có ngân hàng hoạt động hiệu quả, ngân hàng không hiệu quả, và quy luật thị trường sẽ phải đào thải những ngân hàng yếu kém. Một hình thức đào thải êm thấm là việc sáp nhập và chuyện này cũng đã có nhiều trường hợp minh họa ở Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn 2011-2015.
Tuy vậy, cũng có những trường hợp sáp nhập miễn cưỡng, để tránh phá sản thì Nhà nước phải ra tay và nhận phần thiệt hại về mình là điều không chỉ Việt Nam mà cũng có ở nhiều quốc gia khác, tương tự như quá trình quốc hữu hóa.
Chính vì vậy mà ở nhiều thị trường, việc giám sát hoạt động của các ngân hàng ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Một trong những ví dụ phổ biến là việc áp dụng hệ thống chuẩn mực Basel II, Basel III, mà ở Việt Nam cũng đã có khoảng 20 ngân hàng đã đạt Basel II, một số đang hướng đến Basel III. Bên cạnh đó cũng là việc gấp rút triển khai thực hiện IFRS 9 theo các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.
Là một trong những mạch máu quan trọng của nền kinh tế, hoạt động của ngành ngân hàng dĩ nhiên có sự ưu tiên hơn một số ngành nghề khác, phải có sự hỗ trợ cần thiết khi có những cú sốc lớn. Nhưng sự hỗ trợ chỉ nên trong những tình huống bất ngờ, mang tính hệ thống (systematic risk). Còn trong điều kiện bình thường, cần xây dựng và tuân thủ các chỉ số cảnh báo sớm (early warning systems), đặc biệt là đối với các ngân hàng nhỏ.
Ngày nay, hệ thống thông tin dữ liệu hầu như là có thể theo thời gian thực, các loại dữ liệu dù có tần suất (frequency) khác nhau nhưng những mô hình cảnh báo rủi ro hiện đại đều có thể tích hợp được. Đó là chưa kể với lượng thông tin dữ liệu lớn, bên cạnh các mô hình dự báo forecasting thì người ta còn làm nowcasting để dự báo trong ngắn hạn.
Một trong những khung quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng hiện đại là ALM (Asset and Liability Management). Theo đó các biến động về giá trị trên bảng cân đối kế toán cần quản lý theo giá trị thị trường và thời gian thực. Bởi vì, giá trị của các tài sản, nợ trên bảng cân đối kế toán của một ngân hàng biến động rất nhiều theo thị trường tài chính thời buổi này. Một sự điều chỉnh mạnh trên thị trường có thể ngay lập tức làm cho bảng cân đối trở nên mất cân đối nghiêm trọng, nhất là một số khoản mục quan trọng bên cột tài sản. Trong khi đó, các báo cáo tài chính định kỳ thì sớm nhất cũng là theo quý hay sáu tháng.
Đó cũng là lý do nhiều ngân hàng nhỏ khi có vấn đề sẽ trì hoãn việc công bố báo cáo tài chính, vì còn phải xử lý những mất cân đối nghiêm trọng. Rủi ro từ các ngân hàng nhỏ hoàn toàn có thể kích hoạt một phản ứng dây chuyền, tạo ra rủi ro cho cả hệ thống. Chính vì vậy, việc giám sát các ngân hàng nhỏ cũng cần khắt khe như ngân hàng lớn, đặc biệt là các giao dịch của cổ đông lớn ngân hàng với các bên thứ ba có lợi ích liên quan, cụ thể là các doanh nghiệp sân sau.
Còn một điều cũng nhỏ thôi, nhưng cách dùng từ có thể khiến đại chúng hiểu rằng tổ chức tín dụng yếu kém, như học sinh cá biệt, được ưu ái và sẽ được ưu ái nếu có trường hợp tương tự trong tương lai? Đó là phải dùng từ “bị”, thay vì “được” trong “được kiểm soát đặc biệt”. Và không biết ngân hàng nào sắp vào diện đặc biệt trong thời gian tới.
---------
(*) Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global