Đà tăng chững lại, giá cổ phiếu vẫn neo cao
Giao dịch có phần thận trọng hơn trong phiên cuối tuần sau một ngày đột biến tăng hơn 27 điểm trước đó. Độ rộng cũng co hẹp lại với số mã đỏ nhỉnh hơn. Tuy vậy sự phân hóa cũng như biên độ giảm giá cổ phiếu cho thấy khả năng neo giữ là khá tốt...
Giao dịch có phần thận trọng hơn trong phiên cuối tuần sau một ngày đột biến tăng hơn 27 điểm trước đó. Độ rộng cũng co hẹp lại với số mã đỏ nhỉnh hơn. Tuy vậy sự phân hóa cũng như biên độ giảm giá cổ phiếu cho thấy khả năng neo giữ là khá tốt.
VN-Index tăng thêm một nhịp nửa trong nửa đầu phiên sáng, đỉnh cao nhất lúc 10h13 trên tham chiếu gần 8,6 điểm nhưng kết phiên chỉ còn 2,61 điểm (+0,21%). Độ rộng tại đỉnh ghi nhận 226 mã tăng/108 mã giảm nhưng đến cuối chỉ còn 170 mã tăng/204 mã giảm. Như vậy hiện tượng tụt giá ở cổ phiếu và trượt giảm ở VN-Index là tương đồng.
Sức ép bán ở vùng giá cao có gia tăng trong khi bên mua cũng thận trọng hơn mới có thể dẫn đến sự đảo chiều như vậy. Thống kê trong 204 mã đỏ có 67 mã giảm hơn 1%. Dù vậy thanh khoản nhóm này cũng chỉ chiếm 12,1% tổng giá trị khớp của sàn HoSE. Tổng thanh khoản của tất cả các mã đỏ chiếm 41,5% sàn.
Khá nhiều mã thực sự bị chốt mạnh, tiêu biểu như VIX khớp 256,1 tỷ đồng, giá giảm 1,45%; DXG khớp 185 tỷ, giá giảm 1,39%; TPB khớp 159,4 tỷ, giá giảm 1,22%; VND khớp 131,8 tỷ, giá giảm 2,17%; SHB khớp 114,4 tỷ, giá giảm 1,43%; GEX khớp 113,2 tỷ, giá giảm 1,3%. Nhóm giảm sâu nhất hôm nay hầu hết là các cổ phiếu ít thanh khoản. Trong 25 mã giảm quá 2%, trừ VND chỉ có vài mã giao dịch loanh quanh 10-20 tỷ đồng như DC4, IMP, DCL, AGG, DXS, GIL.
Nhìn chung đây là hiện tượng chốt lời bình thường vì ngay cả trong phiên tăng cực mạnh hôm qua nhà đầu tư cá nhân cũng được ghi nhận bán ròng tới gần 1.896 tỷ đồng. Có thể nhà đầu tư bất ngờ trước diễn biến mạnh đột ngột như vậy nhưng cũng có thể là không tin tưởng vào khả năng tăng bền vững. Đến hôm nay không chỉ sức mua chững lại mà cả tâm lý người cầm cổ cũng dao động hơn.
Dù vậy đại đa số cổ phiếu đỏ chỉ trong biên độ hẹp. Nhóm giảm sâu nhất (hơn 1%) không có nhiều thanh khoản. Điều này có được hoặc là do nhà đầu tư xả hàng không nhiều hoặc do dòng tiền tiếp tục vào bắt đáy đã nâng đỡ được.
Phía tăng giá hôm nay cũng không tệ, trong 170 mã xanh có 66 mã tăng trên 1% và tập trung 28,6% thanh khoản HoSE, cao hơn hẳn nhóm giảm sâu nhất (chỉ chiếm 12,1%). Mặt khác dù tổng nhóm tăng giá có số lượng cổ phiếu ít hơn nhưng lại tập trung 56,4% giá trị sàn, cũng lớn hơn nhóm giảm giá (chiếm 41,5%).
Như vậy mức độ tập trung của dòng tiền vẫn có hiệu quả giá tích cực, những mã được dòng tiền chú ý vẫn duy trì giá tốt, thể hiện khả năng nâng đỡ ổn định. Thực tế này dẫn đến sự phân hóa sức mạnh ngay trong từng nhóm ngành. Ví dụ chứng khoán đỏ gần một nửa nhóm, nhiều mã giảm 2%-4% nhưng số khác vẫn tăng tốt và có thanh khoản cao. SSI, HCM vẫn xuất sắc nằm trong top đầu thị trường cả về mức tăng giá lẫn thanh khoản. SSI khớp 884,2 tỷ, cao nhất thị trường và giá tăng 2,53%. HCM khớp 458,5 tỷ, đứng thứ 6 thị trường, giá tăng 1,04%. DGC, CSV, VIC, GVR, CMG, GMD, VTP, HAG, BID đều là các mã rất ấn tượng.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng tiếp tục mua ròng 357,7 tỷ đồng trên sàn HoSE, đánh dấu phiên mua mạnh thứ hai liên tiếp. Các mã nhận được vốn ngoại nổi bật là SSI +157,8 tỷ, HPG +142,9 tỷ, MSN +100,1 tỷ, TCB +78,8 tỷ, DGC +68,2 tỷ, CTG +39,9 tỷ, VIX +38 tỷ, VCI +37,4 tỷ… Phía bán ròng có FPT -103,8 tỷ, MWG -90,9 tỷ, FRT -43,1 tỷ, VCB -42,5 tỷ.
VN-Index đóng cửa vẫn tăng 2,61 điểm nhờ các trụ vẫn hoàn thành nhiệm vụ giữ nhịp. VIC, BID, GVR, FPT tuy không thật sự xuất sắc nhưng đủ cân bằng với các trụ đỏ. Trong một phiên áp lực bán kéo khá dài, khả năng giữ giá là tín hiệu mạnh mẽ. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn tụt giảm 20% so với mức đột biến hôm qua, đạt 16.554 tỷ đồng. Đây vẫn là ngưỡng cao hơn trung bình trong ngắn hạn của thị trường.