Đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam làm việc tại Trung Đông
Tình hình xung đột tại một số địa điểm thuộc khu vực Trung Đông tiếp tục có những diễn biến mới, và khó dự báo, có thể gây ra những tác động bất lợi đến việc làm và sinh hoạt đối với người lao động Việt Nam làm việc tại khu vực này...
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại khu vực Trung Đông tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động tại các khu vực có xung đột, hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời gian qua, tình hình xung đột tại một số địa điểm thuộc khu vực Trung Đông, bao gồm: Li-băng, Iran và Israel tiếp tục có những diễn biến mới lan rộng, chiều hướng phức tạp và khó dự báo.
Điều này có thể gây ra những tác động bất lợi về tâm lý, ảnh hưởng đến việc làm và sinh hoạt ổn định đối với người lao động Việt Nam làm việc tại khu vực này.
Trước tình hình đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại khu vực Trung Đông thường xuyên liên hệ với người lao động, đối tác, đại diện thường trú của doanh nghiệp và Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại khu vực đang có, hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột để theo dõi, cập nhật tình hình công việc, điều kiện ăn ở và sinh hoạt của người lao động. Qua đó, kịp thời động viên, hỗ trợ người lao động trong trường hợp cần thiết.
Các doanh nghiệp cũng cần yêu cầu đối tác sử dụng lao động Việt Nam có các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động, kịp thời thông báo cho cơ quan liên quan sở tại khi có vấn đề phát sinh.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý người lao động, khuyến cáo người lao động tuân thủ các quy định để đảm bảo an ninh, an toàn tại nơi ở và nơi làm việc.
Các doanh nghiệp kịp thời báo cáo Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại địa bàn, Cục Quản lý lao động ngoài nước, và các cơ quan hữu quan khi có phát sinh liên quan đến người lao động để được tư vấn, hỗ trợ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Hồi đầu năm nay, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 225/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
Trong đó, Chính phủ đã nhấn mạnh cần thông tin đầy đủ, chính xác trên hệ thống thông tin truyền thông, mạng xã hội về thị trường lao động ở nước ngoài. Trong đó, tập trung vào các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn cho người lao động.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, bảo hộ công dân, ổn định và phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm; kịp thời cập nhật, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động với các cơ quan chức năng trong nước và người lao động.
Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn người lao động tuân thủ pháp luật, và giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài…