Đầu bếp món chay nổi tiếng nhất Hàn Quốc và xu hướng thiền cùng ẩm thực
Giải thưởng biểu tượng Icon Award của William Read Business Media – nhà tổ chức giải “50 nhà hàng tốt nhất châu Á” năm 2022 – dành cho tài năng nấu các món chay nổi tiếng của bà Jeong Kwan hoàn toàn không phải ngẫu nhiên…
William Drew, Giám đốc nội dung của William Reed Business Media, nói: “ Bà Jeong Kwan được vinh danh vì kỹ thuật nấu ăn độc đáo và là đầu bếp có ảnh hưởng đến nền ẩm thực Hàn Quốc. Bà dạy chúng ta các quan niệm mới về thức ăn”. Trong khi đó, bà Kwan chia sẻ: “Khi biết tin được giải, tôi rất ngạc nhiên nhưng đồng thời cũng rất vui và biết ơn. Đây là điều ngoài mong đợi. Bởi đơn giản tôi là một nhà sư, không phải là một đầu bếp được đào tạo quy củ, và tôi cũng không có nhà hàng nào để thực khách có thể ghé thăm như bất cứ ai nhận giải trước đây”.
NGƯỜI NẤU MÓN CHAY TÀI HOA BẬC NHẤT HÀN QUỐC
Các công thức nấu ăn tinh tế của bà Kwan đã truyền cảm hứng cho một số đầu bếp có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Là người giữ gìn nền ẩm thực chay của đền chùa ở Hàn Quốc, bà đang khẳng định vị trí như một biểu tượng ẩm thực quốc tế nhờ sự cảm nhận bậc thầy về hương vị, lối trình bày và cái hồn trong nấu nướng.
Eric Ripert – một Phật tử cũng là vị đầu bếp nổi tiếng người Pháp ở Le Bernardin, nhà hàng ba sao Michelin tại New York – đã tình cờ phát hiện ra bà Kwan khi ông đến thăm Hàn Quốc. Ripert đã trở thành một người hâm mộ và tìm cách mời bằng được bà làm “đầu bếp khách mời” tại Le Bernardin vào năm 2015. Vị bếp trưởng của một trong những nhà hàng hàng đầu thế giới rất thán phục trước những cảm nhận và sự khéo léo của vị nữ tu đã tạo nên những món ăn tinh tế, giàu dinh dưỡng, và trên tất cả, là đậm chất “thiền”.
Sau đó, mùa thứ ba của loạt phim tài liệu về ẩm thực “Chef's table" (Bàn ăn của bếp trưởng) do hãng Netflix sản xuất đã giúp cho cả thế giới biết đến một vị đầu bếp đặc biệt. không hề có kinh nghiệm làm việc trong nhà hàng, cũng chẳng học qua trường lớp dạy nấu ăn, nhưng ni sư Jeong Kwan đã khiến nhiều nhà phê bình hàng đầu thế giới phải nghiêng mình kính phục.
Jeong Kwan vốn là nữ tu Phật giáo. Nhưng ngày nay, nhiều người biết đến bà trong vai trò người nấu món chay tài hoa bậc nhất Hàn Quốc. Sống ở ngôi đền Baekyangsa, cách thủ đô Seoul 270 km về phía nam, bà Jeong Kwan hằng ngày lặng lẽ chăm cây, làm vườn. Bà gọi những trái cà tím, cà chua, dưa chuột, rau húng quế... là “những đứa con của tôi”.
Hầu hết các công thức nấu ăn của bà Jeong Kwan đều sử dụng thực vật và thảo mộc đặc trưng Hàn Quốc. Bà tin rằng nghệ thuật nấu ăn tối cao - nghệ thuật nấu ăn mang lại những món ăn ngon lành cũng như tốt cho sức khỏe của con người - có nguồn gốc từ sự kết nối mật thiết với trái cây, rau củ, gia vị, đậu, nấm và các loại ngũ cốc. Trong suy nghĩ của mình, bà cho rằng không nên có khoảng cách nào giữa một đầu bếp và thực phẩm. “Đây là cách tốt nhất mà tôi chế biến một quả dưa chuột,” bà Kwan giải thích. “Quả dưa chuột trở thành tôi. Tôi trở thành quả dưa chuột. Bởi vì chính tay tôi gieo trồng chúng nên năng lượng của tôi đã hòa vào chúng”.
Với truyền thông, ni sư này từng đưa ra một phát biểu hết sức đơn giản nhưng cũng vô cùng phức tạp: “Hãy để tự nhiên chăm sóc chúng ta”. Vị ni sư này rất có kinh nghiệm trong việc phối hợp những nguyên liệu tươi nguyên vừa được hái tại vườn cùng những nguyên liệu cần kiên nhẫn ủ trong thời gian dài. Trên mái nhà của tu viện, bà cất giữ những vại chum chứa đựng những sức sống vô hình không thể nhìn thấy bằng mắt thường, như tương đậu nành hay tương ớt lên men. Có những loại không chỉ được lên men vài tuần mà thậm chí là vài năm.
Nhờ đó, những món ăn của bà Jeong Kwan luôn khiến người ăn phải đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đó có thể là món lê Hàn Quốc tẩm sốt quýt, rau thơm muối chua, nấm bọc đậu phụ… hay hạt cơm vàng ươm được nấu cùng hạt dành dành. Có lẽ chẳng ai có thể cưỡng lại được món bánh pancake được bào từ khoai tây và phủ một lớp rau bạc hà tươi ngon được trồng ngay tại vườn, hay gạo được bọc trong lá tre, nhồi vào ống tre rồi đem luộc chín thơm nức mũi…
“THIỀN” TRONG ẨM THỰC
Nghệ thuật ẩm thực đền chùa của Hàn Quốc vốn dựa trên một nguyên lý nền tảng và cốt lõi: đừng tạo nên sự thèm khát đối với thức ăn. Vận dụng quy tắc ẩm thực truyền thống của dân tộc, bà Jeong Kwan tâm niệm: món ăn không bao giờ nên là sự nhồi nhét làm béo cơ thể và thỏa mãn khuôn miệng. Nấu ăn phải là để phục vụ một nhu cầu cao hơn - cho cơ thể khỏe mạnh, tâm trí được thảnh thơi tinh sạch. Thực phẩm chay trong tư tưởng của bà có ý nghĩa vừa để nuôi dưỡng cơ thể, vừa giúp con người được giác ngộ.
Tiếng tăm đầu bếp ni sư Jeong Kwan bay xa đến độ, từ Mỹ, tạp chí New York Times đã phải cử một đoàn chuyên gia ẩm thực vượt 18 tiếng bay và 4 giờ xe bus từ Seoul đến Baekyangsa, để được gặp gỡ và nếm thử món ăn do nữ tu tự tay chế biến. Không rõ Jeong Kwan thiết đãi các vị khách phương Tây bằng những món gì, chỉ biết rằng sau đó, các chuyên gia có bài viết ca ngợi ẩm thực của vị nữ tu là “thức ăn tinh tế nhất trên thế giới”. Họ nhấn mạnh: “Hơn cả một đầu bếp, bà còn là một triết gia”.
Mặc dù đã trở thành “ngôi sao mới” trong mắt giới đầu bếp, xuất hiện trong hàng tá chương trình ẩm thực trên toàn thế giới, nhưng bà Jeong Kwan, trong bộ đồ mầu xám giản dị, dường như chẳng hề bận tâm đến danh tiếng đang có. Bà vẫn hạnh phúc với nơi ẩn cư của mình, với việc mỗi ngày lại được chăm sóc vườn rau và tìm tòi, nghiên cứu công thức nấu ăn mới. “Hương vị của mỗi loại rau không ngừng gây ngạc nhiên cho tôi, mời gọi tôi thử nghiệm,” Kwan chia sẻ.
Tuy nhiên, khi được hỏi về dự định trước mắt, Kwan cho biết bà muốn mở một tiệm ăn chay kết hợp thiền tịnh. Ni sư tuổi lục tuần cũng ấp ủ mong ước xuất bản một cuốn sách ghi chép các công thức nấu món chay, dành tặng những người muốn tìm tòi và gắn bó với loại hình ẩm thực này. Và, hơn hết thảy, nữ tu sĩ hy vọng rằng mình có đủ sức khỏe, để chăm sóc “những đứa con” luôn tươi tốt.
Hiện tại, sản phẩm du lịch “Một ngày ở chùa” tại Hàn Quốc đã trở nên nổi danh quốc tế khi đồng loạt 137 ngôi chùa và tu viện mở cửa đón khách, trong đó có 27 chùa có người nói tiếng Anh để hỗ trợ cho du khách không biết tiếng Hàn. Các tờ tạp chí du lịch hàng đầu thế giới đã gọi đây là xu hướng mới đầy hấp dẫn của ngành du lịch xứ kim chi. Các chuyên gia du lịch cho rằng, chính danh tiếng và những món ăn chay của bà Jeong Kwan đã mở ra hướng đi mới cho du lịch Phật giáo.
Còn với bản thân nữ tu sĩ, bà đơn giản coi nấu ăn như con đường hành đạo và đắc đạo cho mình. Một thú vui riêng tư, nhưng cũng lại chính là một cách hành thiện, phụng sự thế nhân.