Đầu tư 6 tỷ USD ra nước ngoài, các doanh nghiệp nhà nước lỗ 1 tỷ USD

Bạch Huệ
Chia sẻ

Tổng số lỗ phát sinh năm 2019 của các dự án đầu tư ra nước ngoài là 154 triệu USD, bằng 45% tổng số lỗ năm 2018 (352 triệu USD). Luỹ kế, vẫn còn 47 dự án lỗ 1 tỷ USD

Viettel là một trong 3 tập đoàn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất.
Viettel là một trong 3 tập đoàn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất.

Chính phủ vừa có báo cáo tình hình đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Theo báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2019 có 23 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư tại 123 dự án, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản và hàng không...

LỖ LUỸ KẾ 1 TỶ USD

Báo cáo của 23 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước cho thấy, trong năm 2019 không đăng ký dự án mới đầu tư ra nước ngoài; tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài hiện nay là 12,2 tỷ USD.

Trong đó, 3 tập đoàn đầu tư lớn nhất, gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) là 6,8 tỷ USD (chiếm 56%), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) là 2,99 tỷ USD (chiếm 25%), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là 1,4 tỷ USD (chiếm 12%).

Năm 2019, các doanh nghiệp thực hiện đầu tư vốn ra nước ngoài số tiền là 273 triệu USD, chủ yếu tập trung tại 3 doanh nghiệp có số vốn đầu tư ra nước ngoài lớn, PetroVietnam là 72 triệu USD; Viettel là 188 triệu USD và VRG là 13 triệu USD). 

Lũy kế đến ngày 31/12/2019, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện các doanh nghiệp là 6,16 tỷ USD (bằng 50,47% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài đăng ký); số còn phải tiếp tục đầu tư ra nước ngoài là 6,047 tỷ USD. Doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất là PetroVietnam với số vốn đầu tư ra nước ngoài luỹ kế là 3,124 tỷ USD (chiếm 51%), Viettel đứng thứ hai với 1,79 tỷ USD (chiếm 29%), VRG đứng thứ 3 với 936 triệu USD (chiếm 15 %).

Về hiệu quả đầu tư, theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2019, đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài đã có báo cáo thì số tiền chuyển về nước là 434 triệu USD, tập trung chủ yếu tại PetroVietnam (300 triệu USD) và Viettel (114 triệu USD). Trong đó thu từ lợi nhuận, cổ tức được chia và lãi cho vay là 234 triệu USD. 

Lũy kế đến ngày 31/12/2019, 9 doanh nghiệp đã có số thu từ các dự án tại nước ngoài chuyển về nước với số tiền 2,97 tỷ USD, bằng 48,6% vốn đầu tư đã thực hiện. 

Về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2019, có 19 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước có dự án đầu tư tại nước ngoài phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh có doanh thu, tổng doanh thu năm 2019 của các dự án tại nước ngoài là 7,18 tỷ USD. 

Lĩnh vực dầu khí chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu với 1,38 tỷ USD, kinh doanh xăng dầu đạt 3,5 tỷ USD, viễn thông 1,7 tỷ USD, lĩnh vực trồng và chế biến cao su đạt 131 triệu USD. 

Năm 2019, tổng lợi nhuận của các dự án đầu tư nước ngoài có lãi đạt 583 triệu USD, bằng 107% so với năm 2018 (548 triệu USD). Tổng số lỗ phát sinh năm 2019 của các dự án đầu tư ra nước ngoài báo lỗ là 154 triệu USD, bằng 45% tổng số lỗ năm 2018 (352 triệu USD). 

Theo thống kê, vẫn còn 47 dự án bị lỗ lũy kế với số lỗ 1 tỷ USD. Ngoài ra, còn một số dự án chưa báo cáo doanh thu, lợi nhuận nên chưa có cơ sở để đánh giá về hiệu quả đầu tư của các dự án này. 

NHIỀU DỰ ÁN TIỀM ẨN RỦI RO

Hiện các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ra nước ngoài hoặc các dự án đầu tư ở nước ngoài còn có những dự án khó khăn, tiềm ẩn rủi ro và tồn tại, chưa có hiệu quả đầu tư.

Nhiều dự án khai thác, thăm dò dầu khí phải dừng, giãn tiến độ hoặc thực hiện thủ tục kết thúc (có tỷ trọng vốn đầu tư cao); Các dự án trồng và chế biến cây cao su, một số dự án vẫn còn trong giai đoạn đầu tư hoặc mới đưa vào khai thác và đang lỗ kế hoạch, tiềm ẩn rủi ro (chính sách đất đai, thuế, lao động, rủi ro thị trường,...); Một số dự án viễn thông có số lỗ lũy kế lớn hoặc mất quyền kiểm soát và rủi ro tỷ giá.

Đáng lo ngại, một số dự án không hiệu quả thuộc các lĩnh vực khác vẫn đang hoạt động hoặc dừng triển khai như Dự án khai thác muối mỏ Kali tại Lào, Dự án thành lập Hãng hàng không quốc gia Campuchia...

"Nhìn chung, lĩnh vực viễn thông, kinh doanh xăng dầu, dịch vụ dầu khí, là các lĩnh vực có dự án phát sinh lãi; lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và khai thác khoáng sản có tỷ lệ dự án lãi thấp (11% và 17%), trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí có giá trị đầu tư cao nhưng nhiều dự án không thành công, dừng, giãn tiến độ. Tuy nhiên, xét về lỗ lũy kế thì lĩnh vực viễn thông, trồng chế biến mủ cao su và lĩnh vực khai thác khoáng sản là 3 lĩnh vực còn nhiều dự án đang bị lỗ lũy kế với số lượng lần lượt là 9; 21 và 6 dự án", báo cáo của Chính phủ cho hay. 

Chính phủ đánh giá hoạt động đầu tư ra nước ngoài năm 2019 so với năm 2018 chưa có nhiều chuyển biến tích cực và chưa đạt kỳ vọng đầu tư, ngoài những nguyên nhân khách quan về chính trị, chính sách đầu tư nước sở tại... thì nguyên nhân chủ quan là vấn đề về năng lực quản lý, quản trị rủi ro, năng lực dự báo thị trường và kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con