Đề xuất bổ sung người được ưu tiên vay vốn đi lao động nước ngoài
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất bổ sung thêm nhiều nhóm đối tượng được ưu tiên vay vốn đi làm việc ở nước ngoài như: Người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình; lao động thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an...
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã gửi hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sang Bộ Tư pháp thẩm định, để tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Chính phủ. Đáng chú ý, ở lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung thêm nhiều đối tượng được hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
ĐI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI GÓP PHẦN GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM, GIẢM NGHÈO
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết Luật Việc làm quy định đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ giới hạn tại 5 nhóm lao động, bao gồm: Người lao động là người dân tộc thiểu số; lao động thuộc hộ nghèo; lao động thuộc hộ cận nghèo; lao động bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân người có công với cách mạng.
Tuy nhiên, số đối tượng thụ hưởng ít. Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm 2013, từ năm 2017 đến nay, mới hỗ trợ được gần 1.800 lao động.
Trong khi đó, hiện nay nhiều địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng này đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ nguồn ngân sách địa phương cho một số đối tượng khác như, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế, một số nhóm đối tượng được đề cập như trên chưa được quy định, hoặc theo quy định của từng địa phương. Vì vậy, chưa đảm bảo bình đẳng về cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài.
Trong giai đoạn 2016-2020, cả nước đưa được 627 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bình quân 125 nghìn lao động/năm, tập trung chủ yếu tại các thị trường có thu nhập tốt, công việc ổn định như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều thị trường lao động nước ngoài đã tạm ngừng, hoặc hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam nhập cảnh, nên số lượng đưa đi giảm sút nhiều (45 nghìn lao động).
Tuy nhiên, đến năm 2022, nhiều quốc gia đã mở cửa tạo cơ hội đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, riêng năm 2022 là 142.779 lao động và năm 2023 là 159.986 lao động. Qua đó, đã góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, là một nguồn cung lao động chất lượng khi về nước.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được xác định là một trong những kênh quan trọng góp phần giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững.
Mặt khác, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đã quy định việc hỗ trợ đưa người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Với các căn cứ trên, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung thêm một số đối tượng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.
RÀ SOÁT, CÂN NHẮC MỞ RỘNG CÁC NHÓM ĐỐI TƯỢNG
Theo đó, ngoài 5 nhóm được hỗ trợ theo quy định của luật hiện hành, ban soạn thảo đề xuất bổ sung thêm các nhóm gồm: Người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình; Người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Người lao động thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng.
Với phương án này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng sẽ phát sinh tăng chi phí hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với các đối tượng.
Hiện nay, theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2025 khoảng 570 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách Trung ương 270 tỷ đồng, ngân sách địa phương 200 tỷ đồng, và vốn huy động hợp pháp khác 100 tỷ đồng. Bình quân khoảng 115 tỷ đồng mỗi năm.
Góp ý vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc việc mở rộng đối tượng nêu trên, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo cụ thể cơ sở đề xuất nội dung này.
Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung các đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ không phân biệt khả năng chi trả của đối tượng có thể dẫn tới lãng phí về nguồn lực ngân sách Nhà nước, không đảm bảo tập trung ưu tiên nguồn lực cho các đối tượng yếu thế.
Ngoài ra, các đối tượng nêu trên không phải là các đối tượng chính sách được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội là chưa phù hợp với mục tiêu hoạt động của ngân hàng là thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, và các đối tượng chính sách khác.
Bộ Tài chính cùng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các quy định của pháp luật liên quan trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các khu kinh tế quốc phòng, để đảm bảo không trùng lặp về chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng nêu trên.
Ngày 8/6/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.
Phạm vi điều chỉnh của Luật Việc làm (sửa đổi) gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; Đăng ký và quản lý lao động; Hệ thống thông tin thị trường lao động; Phát triển kỹ năng nghề; Dịch vụ việc làm; Bảo hiểm thất nghiệp; Quản lý nhà nước về việc làm.