Đề xuất chỉ thanh toán bằng tài sản công với dự án BT đã ký kết
Với các dự án BT chưa ký kết, Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng đưa nội dung sử dụng tài sản công để thanh toán vào hợp đồng cho đến khi Nghị định về thanh toán BT được ban hành
Sau thời gian tranh cãi và chờ đợi động thái từ cơ quan chức năng, cuối cùng Bộ Tài chính đã công bố và lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
Thanh toán theo nguyên tắc ngang giá
Dự thảo Nghị quyết về việc thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) đối với các hợp đồng được ký kết theo đúng quy định của pháp luật vừa được Bộ Tài chính công bố gồm 3 điều với nguyên tắc tôn trọng các hợp đồng BT đã ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng.
Cụ thể, điều 1 quy định kể từ ngày 1/1/2018, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản pháp luật có liên quan.
Tài sản công để thanh toán gồm quỹ đất; trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp... ; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng; các loại tài sản công khác theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Việc thanh toán dự án BT bằng tài sản công chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật. Việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án BT phải thực hiện đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính nhấn mạnh việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị tài sản công thanh toán.
Trong đó, giá trị tài sản công "được xác định theo giá thị trường" theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán. Trường hợp thanh toán bằng quỹ đất hoặc trụ sở, thì thời điểm thanh toán là khi UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư. Trường hợp thanh toán bằng tài sản kết cấu hạ tầng thì là thời điểm cơ quan nhà nước ban hành quyết định giao tài sản cho nhà đầu tư.
Việc thanh toán cho nhà đầu tư chỉ được thực hiện khi có khối lượng xây dựng dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng.
Việc sử dụng quỹ đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Riêng các khoản lãi vay trong phương án tài chính của hợp đồng BT đối với phần giá trị dự án BT hoàn thành sẽ chấm dứt kể từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư.
Việc giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư được thực hiện đồng thời hoặc sau khi dự án BT hoàn thành.
Dự thảo Nghị quyết của Bộ Tài chính cũng đề xuất, trong trường hợp tổng giá trị tài sản công thanh toán lớn hơn tổng giá trị dự án BT thì nhà đầu tư nộp số tiền chênh lệch bằng tiền vào ngân sách. Trường hợp nhỏ hơn thì Nhà nước thanh toán số chênh lệch bằng tiền hoặc tài sản công cho nhà đầu tư.
Chỉ thanh toán bằng tài sản công với dự án BT đã ký kết
Nút thắt gây nhiều lo lắng cho các nhà đầu tư BT trong thời gian qua đã được Bộ Tài chính chính thức đề cập đến tại dự thảo lần này.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết của Bộ Tài chính nêu rõ, với dự án BT được ký hợp đồng trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư thì tiếp tục thực hiện việc thanh toán theo nội dung Hợp đồng BT đã ký kết.
Với dự án ký sau ngày 1/1/2018 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm rà soát các hợp đồng BT đã ký, đảm bảo nguyên tắc quy định tại Điều 1 và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp chưa đảm bảo nguyên tắc này, thì phải có trách nhiệm đàm phán với nhà đầu tư để đảm bảo thực hiện đúng pháp luật.
Với dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực, cơ quan nhà nước xem xét ký hợp đồng theo hướng thực hiện thanh toán tài sản công khi Nghị định quy định thanh toán dự án BT có hiệu lực thi hành.
Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết cũng đề nghị, kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, thì các bộ, ngành địa phương phải tạm dừng việc đưa nội dung sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT vào hợp đồng BT ký kết cho đến khi Nghị định về thanh toán BT được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành.