Điện thoại smartphone đã “phủ sóng” hơn 73% người dùng viễn thông di động
Số liệu thống kê về lĩnh vực viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông trong dự thảo báo cáo đánh giá công tác quản lý nhà nước quý 3 và nhiệm vụ quý 4/2021 vừa công bố cho biết, số thê bao điện thoại di động (tính đến quý 3/2021) của Việt Nam đạt 123 triệu, tăng 0,88% so với cùng kỳ năm trước…
Trong số trên, số thuê bao điện thoại smartphone đạt 90,3 triệu (chiếm 73,4% số thuê bao điện thoại di động), tăng 9,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số người sử dụng smartphone từ 15 tuổi là 53,5 triệu, đạt tỷ lệ 84,6% tổng số người sử dụng điện thoại từ 15 tuổi trở lên (theo kế hoạch năm 2021 là đạt tỷ lệ 90% người sử dụng điện thoại từ 15 tuổi trở lên có smartphone).
Số thuê bao băng rộng tính đến quý 3/2021 là 86,28 triệu thuê bao, tăng 5,36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số thuê bao băng rộng di động: 67,87 triệu thuê bao; tăng 4,87 % so với cùng kỳ năm trước.
"Việc áp dụng hình thức video call để xác nhận chính xác người dùng đến đăng ký thông tin thuê bao, tránh hiện tượng sử dụng giấy tờ có sẵn, ảnh chụp có sẵn để đăng ký, kích hoạt sẵn thuê bao".
Số thuê bao băng rộng cố định là 18,4 triệu thuê bao, tăng 14,03 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số thuê bao băng rộng cố định là hộ gia đình là 17,48 triệu, tăng 0,84% so với tháng trước, chiếm 64% hộ gia đình (theo kế hoạch năm 2021 – triển khai hạ tầng cáp quang hộ gia đình đạt trên 60%).
Báo cáo cũng cho biết, doanh thu dịch vụ viễn thông di động mặt đất (quý 3) đạt 60,63 nghìn tỷ đồng tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu viễn thông cố định mặt đất đạt 24,13 nghìn tỷ đồng giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Số thuê bao điện thoại (gồm di động và cố định) là 126,27 triệu, giảm -0,57% so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực quản lý viễn thông, về vấn đề xử lý SIM rác, cơ quan quản lý đã tiến hành kiểm tra thông tin thuê bao trong tháng 9/2021; thống nhất khái niệm SIM “rác” là các SIM không đăng ký đúng quy định để tránh sự nhầm lẫn về việc tồn tại tình trạng SIM “rác” gắn với các hệ quả như tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Đồng thời cho phép doanh nghiệp viễn thông và người dùng sử dụng các phần mềm/ứng dụng trực tuyến của chính doanh nghiệp viễn thông để thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao với nguyên tắc nhà mạng phải cam kết các công nghệ đó đảm bảo độ chính xác thông tin thuê bao; đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương triển khai đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát với hoạt động mua bán, đăng ký, quản lý thông tin thuê bao tại các điểm bán SIM, đăng ký thông tin thuê bao trên địa bàn.
Đồng thời chỉ đạo hoàn thiện biện pháp cơ chế chặn tự động trên hệ thống của doanh nghiệp để đảm bảo từ ngày 1/8/2021, tất cả thuê bao phát triển mới không vi phạm các tiêu chí trong thỏa thuận ngăn chặn, xử lý SIM rác đã ký kết và 8 tiêu chí xác định thông tin thuê bao nghi ngờ không chính xác. Cụ thể, các doanh nghiệp đã thống nhất ký thỏa thuận xử lý SIM rác trong đó có nội dung áp dụng xác định bằng video call tối thiểu 30 % tổng số thuê bao phát triển mới hằng ngày.
Việc áp dụng hình thức video call để xác nhận chính xác người dùng đến đăng ký thông tin thuê bao, tránh hiện tượng sử dụng giấy tờ có sẵn, ảnh chụp có sẵn để đăng ký, kích hoạt sẵn thuê bao.
Về vấn đề thí điểm dịch vụ Mobile Money, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến tháng 9/2021, đã có 3 doanh nghiệp đủ điều kiện thí điểm dịch vụ Mobile Money hoàn thiện hồ sơ theo quy định và gửi Ngân hàng hà nước đề nghị chấp thuận thí điểm, và Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an rà soát, xem xét việc chấp thuận thí điểm.