Đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội lỡ hẹn, Phó Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh công tác nghiệm thu
Phó Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo UBND TP. Hà Nội và các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành các thủ tục và công tác nghiệm thu theo quy định để đưa đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội vào vận hành khai thác...
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành đoạn tuyến trên cao dự án đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
HỤT TIẾN ĐỘ, CHẬM ĐƯA 8,5KM TRÊN CAO VÀO KHAI THÁC
Đường sắt đô thị là phương thức vận tải có vai trò rất quan trọng đối với các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội. Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải và hai thành phố đã tích cực, nỗ lực triển khai đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt đô thị thí điểm song đến nay mới có duy nhất tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác năm 2021, bước đầu đã phát huy được hiệu quả của phương thức này.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã định kỳ họp, chỉ đạo quyết liệt, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án, trong đó có các công trình, dự án đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, các tuyến còn lại đều đang bị chậm tiến độ, phải lùi giãn tiến độ nhiều lần, làm tăng tổng mức đầu tư.
Tại công văn này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP. Hà Nội thực hiện nghiêm chỉ đạo tại Thông báo số 239/TB-VPCP ngày 23/5/2024, sớm hoàn thành các thủ tục theo quy định để đưa dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vào vận hành khai thác.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP. Hà Nội nghiên cứu báo cáo, đề xuất của Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng để chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thành thủ tục cấp Giấy phép bảo vệ môi trường, cấp Chứng nhận an toàn hệ thống và Chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống cho dự án theo quy định.
Trước đó, tại Thông báo số 239/TB-VPCP, Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc, nội dung, thủ tục như: vận hành thử hệ thống, báo cáo an toàn hệ thống, giấy chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, chấp thuận về môi trường, đào tạo nhân sự vận hành và bảo trì, nghiệm thu hoàn thành dự án..., nỗ lực phấn đấu đưa vào khai thác tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao vào cuối tháng 6/2024.
UBND TP. Hà Nội cũng phải khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hoàn thiện các thủ tục để ký sửa đổi bảng phân bổ vốn vay để giải ngân cho đoạn đi ngầm tuyến Nhổn - ga Hà Nội.
Như vậy, việc đưa vào khai thác tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao như yêu cầu của Phó Thủ tướng không đạt tiến độ đề ra.
GẤP RÚT ĐÁNH GIÁ AN TOÀN HỆ THỐNG
Tính đến hết tháng 6/2024, tiến độ thi công đoạn trên cao thuộc tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã đạt 100% khối lượng, các công việc xây lắp, lắp đặt và thử nghiệm tích hợp hệ thống đều đã hoàn thành.
Cùng với đó, 8 nhà ga trên cao và depot Nhổn đã được công nhận kết quả nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, 10 đoàn tàu được đăng kiểm và dán tem. Các thiết bị tại nhà ga và depot cũng được dán tem kiểm định theo quy định. Tư vấn Systra đã cấp Chứng chỉ nghiệm thu bàn giao hoàn thành (TOC) cho từng gói thầu.
Với đoạn ngầm, để phục vụ công tác gia cố nền đất, đào và thi công kết cấu của Dốc hạ ngầm, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội vừa rào chắn dưới gầm cầu vượt Nguyễn Chí Thanh được lắp dựng tạo thành đảo giao thông với chiều dài 50m, chiều rộng 50; đảm bảo bề rộng mặt đường giao thông tối thiểu 10,5m và trên cầu tạm 2 tối thiểu 11,25m. Thời gian rào chắn, phân luồng, tổ chức giao thông phục vụ thi công là 18 tháng.
Tại Công văn số 3730/HĐKTNN-CTTĐ ngày 27/6/2024, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng cho biết, đơn vị tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (Liên danh Tư vấn Apave Bureau Veritas - Certifer - Tư vấn ABC) vẫn đang tiếp tục thực hiện việc đánh giá an toàn hệ thống, hoàn thiện các báo cáo cuối cùng để cung cấp chứng nhận an toàn hệ thống dự kiến vào ngày 10/7/2024.
Sau khi Tư vấn ABC trình nộp báo cáo và Chứng nhận an toàn hệ thống, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội sẽ trình hồ sơ chứng nhận an toàn hệ thống lên Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) để thẩm định và chấp thuận. Cuối cùng, Hội đồng kiểm tra nhà nước sẽ họp thông qua kết quả nghiệm thu để thống nhất đưa đoạn tuyến vào vận hành thương mại.
Tiến độ cấp Giấy chứng nhận an toàn hệ thống chậm so với dự kiến kế hoạch ban đầu (trước ngày 15/5/2024), ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã hoàn thành thi công xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nhưng do vẫn còn một số vướng mắc nên chưa thể hoàn thành các thủ tục để được cấp Giấy phép môi trường theo quy định.
Theo Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, việc hoàn thành thủ tục cấp Chứng nhận an toàn hệ thống, Chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống và Giấy phép môi trường là điều kiện bắt buộc theo quy định của pháp luật về đường sắt và pháp luật về bảo vệ môi trường trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng.
“Do đó, các thủ tục nêu trên phải được hoàn thiện thì mới đủ cơ sở để Hội đồng kiểm tra và xem xét, chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư đưa công trình vào khai thác, sử dụng”, đại diện Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng cho biết.
Dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài tuyến chính 12,5 km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5 km, đoạn đi ngầm khoảng 4 km, 1 depot tại phường Minh Khai, huyện Bắc Từ Liêm. Công trình sử dụng đường sắt khổ đôi 1.435 mm, gồm 8 nhà trên cao, 4 ga ngầm.
Tổng mức đầu tư dự án là 34.826,05 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA của 4 nhà tài trợ (Chính phủ Pháp (DGT), ADB, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn trong nước.