Doanh nghiệp bảo hiểm gấp rút giám định, bồi thường cho khách hàng bị thiệt hại do bão, lũ
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), đến chiều 10/9, các doanh nghiệp bảo hiểm sơ bộ ghi nhận khoảng 1.754 vụ tổn thất do bão số 3 gây ra...
Trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết một số doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn ở các nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, tài sản kỹ thuật, xe cơ giới…đã báo cáo sơ bộ về thông tin thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra.
Theo đó, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật ghi nhận 684 vụ tổn thất. Trong đó, Bảo hiểm Bảo Việt 220 vụ; Bảo hiểm ViettinBank (VBI) 150 vụ; PVI 134 vụ; Bảo Minh 44 vụ; Bảo hiểm Agribank (ABIC) 29 vụ; PJICO 107 vụ.
Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới ghi nhận 1.070 vụ tổn thất. Trong đó, Bảo hiểm Bảo Việt 315 vụ, VBI 91 vụ, PVI 172 vụ, PTI 273 vụ, PJICO 219 vụ.
Các doanh nghiệp bảo hiểm chưa ước tính được giá trị thiệt hại.
Trước đó, ngày 9/9, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.
Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và quy định pháp luật có liên quan.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm chậm nhất là ngày 12/9/2024.
Trao đổi với báo chí chiều 9/9, đại diện Bảo Hiểm Bảo Việt cho biết sau trận bão số 3, công ty đã khẩn trương triển khai ngay các hoạt động nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng, bao gồm cả hoạt động tạm ứng bồi thường. Bảo Hiểm Bảo Việt đã huy động đội ngũ chuyên viên giám định hiện trường, giám định tổn thất đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ bồi thường trên địa bàn các tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng. Đồng thời, Bảo Hiểm Bảo Việt cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương và làm việc trực tiếp với khách hàng để ghi nhận, xác định mức độ thiệt hại.
Chia sẻ với VnEconomy, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết mưa lớn sau bão gây lũ, lũ quét, sạt lở đất…khiến giao thông bị chia cắt, nhiều khu vực bị cô lập; công tác giám định bồi thường rất khó khăn.
Lúc 10h ngày 10/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật thống kê thiệt hại do bão số 3, mưa lũ và sạt lở đất sau bão tại các tỉnh miền Bắc. Theo đó, đã có 104 người chết, mất tích (65 người chết, 39 người mất tích); 48.337 nhà ở bị hư hỏng…. Toàn miền Bắc có 84 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả…bị hư hại. Về thuỷ sản và chăn nuôi, 1.577 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (riêng Quảng Ninh 1.000 lồng bè); 1.111 con gia súc, 680.243 con gia cầm bị chết (tập trung ở Hải Dương 320.000, Hải Phòng 345.610 gia cầm).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, hoàn lưu sau bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa, với 26 tỉnh bị ảnh hưởng, gây mưa rất lớn từ 200-400mm (từ ngày 7-10/9).
Mưa lớn sau bão gây lũ, lũ quét, sạt lở đất, nghiêm trọng nhất tại Cao Bằng (Nguyên Bình), Lào Cai (Bát Xát, Sa Pa, Si Ma Cai, Bắc Hà), Hoà Bình (Đà Bắc), Yên Bái (Văn Chấn, Lục Yên), Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang,… Lũ trên báo động 3 ở thượng lưu sông Lục Nam (Bắc Giang), sông Thao (Lào Cai, Yên Bái), sông Thương (Lạng Sơn), sông Gâm (Tuyên Quang),... trong đó lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt lũ lịch sử năm 1971; ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang...