Doanh nghiệp thành lập mới 8 tháng đạt đỉnh cao nhất từ trước tới nay
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2023 đứng mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước tới nay…
Thống kê cho thấy, đã có hơn 14 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới trong tháng 8/2023, tăng hơn 17,9% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 14,05% so với tháng trước.
Tuy vậy, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng lại ghi nhận mức giảm 3,1% so với cùng kỳ và giảm 10,9% so với tháng trước.
Với mức tăng/giảm này, tính chung 8 tháng đầu năm, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 149,4 nghìn doanh nghiệp, giảm nhẹ 0,03% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2022 (121.828 doanh nghiệp).
Đáng chú ý, số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2023 là 103.658 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (89.899 doanh nghiệp).
Trong đó, có 9/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có: Giáo dục và đào tạo (tăng 35,0%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 18,9%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 16,3%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 10,9%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 6,4%); Thông tin và truyền thông (tăng 3,0%); Xây dựng (tăng 2,1%)…
Tuy vậy, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 969.618 tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với số doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm 2023 là 45,74 nghìn doanh nghiệp, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,4 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (31.929 doanh nghiệp).
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 8/17 lĩnh vực, trong đó các lĩnh vực ghi nhận tỷ lệ tăng cao nhất gồm: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (224 doanh nghiệp, tăng 15,5%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (422 doanh nghiệp, tăng 9%); Thông tin và truyền thông (923 doanh nghiệp, tăng 4,9%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (655 doanh nghiệp, tăng 3,1%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (3.303 doanh nghiệp; tăng 2,4%); Kinh doanh bất động sản (1.721 doanh nghiệp, tăng 2,2%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (764 doanh nghiệp, tăng 2,1%); Khai khoáng (344 doanh nghiệp, tăng 1,5%).
Cũng theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 8 tháng đầu năm 2023 có 124.684 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 57,6%).
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 71.833 doanh nghiệp, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 8 tháng đầu năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 34.478 doanh nghiệp (chiếm 48,0%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 63.736 doanh nghiệp (chiếm 88,7%, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2022).
Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 41.064 doanh nghiệp, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 36.024 doanh nghiệp (chiếm 87,7%, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2022).
Số doanh nghiệp giải thể là 11.787 doanh nghiệp, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 4/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 8 tháng đầu năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 8.113 doanh nghiệp (chiếm 68,8%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 10.117 doanh nghiệp (chiếm 85,8%, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2022).