FLC muốn mua lại trụ sở 265 Cầu Giấy và bán ngay với giá 2.000 tỷ
FLC thông qua việc cho phép mua lạ Toà nhà 265 Cầu Giấy từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Giá chuyển nhượng được xác định bởi bên thứ 3 là đơn vị thẩm định giá độc lập.
Tập đoàn FLC (mã FLC-HOSE) thông báo Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐQT-FLC ngày 29/06/2022 thông qua giao dịch của Tập đoàn FLC với bên liên quan của Tập đoàn FLC..
Theo đó, Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC đã ban hành nghị quyết thông qua việc FLC cùng với CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes mua/bán lại Toà nhà 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Cụ thể, nghị quyết thông qua việc cho phép mua lạ Toà nhà 265 Cầu Giấy từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Giá chuyển nhượng được xác định bởi bên thứ 3 là đơn vị thẩm định giá độc lập.
Đồng thời cho phép bán/chuyển nhượng Tòa nhà 265 Cầu Giấy cho một bên khác với giá trị tối thiểu 2.000 tỷ đồng sau khi đã hoàn tất thủ tục mua lại tòa nhà.
Mới đây, Hội đồng quản trị FLC vừa thông qua nghị quyết một số vấn đề liên quan đến các nghĩa vụ nợ phát sinh tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Cụ thể, Nghị quyết thông qua việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Tập đoàn FLC để đảm bảo nghĩa vụ tài chính của Tập đoàn FLC và Công ty TNHH Một thành viên FLC Land phát sinh tại Ngân hàng OCB đảm bảo quy định của pháp luật hiện hành.
Thông tin tài sản đảm bảo gồm: Quyền tài sản là quyền khai thác sử dụng quản lý dự án đầu tư, quyền hưởng nhận hoa lợi, lợi tức phát sinh, quyền nhận các khoản tiền có được phát sinh bao gồm cả tiền bồi thường/hỗ trợ từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền do giải tỏa đền bù theo quy định pháp luật liên quan, bồi thường hỗ trợ từ bên thứ ba, quyền tài sản gắng liền với đất phát sinh từ 1.480 quyền sử dụng đất Dự án Đầu tư khu A, khu B và khu C - Khu biệt thự nhà ở thuộc khu phức hợp tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.
Nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của Tập đoàn FLC và Công ty TNHH MTV FLC đối với OCB bao gồm toàn bộ các nghĩa vụ trả nợ nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn, các khoản phải trả, chi phí xử lý tài sản thế chấp và các khoản phí, chi phí khác. FLC cho biết mục đích nhằm đổi chấp một phần và hoặc toàn bộ các tài sản thế chấp đang đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ và đề nghị OCB xuất trả tài sản cho FLC.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, OCB là một trong ba ngân hàng cho FLC vay nhiều nhất. Đến hết quý 1, FLC ghi nhận khoản vay ngắn hạn khoảng 713 tỷ đồng tại OCB và hơn 818 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho OCB.
Trên thị trường, cổ phiếu FLC ghi nhận 8 phiên liên tiếp lên 5.750 đồng/cổ phiếu và FLC cho biết, FLC chưa nhận biết được sự kiện, thông tin liên quan nào đã làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu FLC, khiến cho giá cổ phiếu FLC đã tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 22/06/2022 đến ngày 28/06/2022.
Đáng chú ý là trong trường hợp Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE nhận biết được các thông tin, sự kiện nào đã làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu FLC trong thời gian qua, FLC mong muốn được làm rõ hoặc dẫn nguồn tin cụ thể để FLC được biết và có thể đưa ra ý kiến xác nhận hoặc đính chính về sự kiện, thông tin đó. Qua đó, FLC sẽ công bố, báo cáo đầy đủ các thông tin, sự kiện liên quan đến công ty theo quy định.