Giá dầu tuột khỏi đỉnh do đồng USD tăng giá mạnh
Giá dầu thế giới giảm gần 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (17/6), tuột khỏi mức đỉnh của nhiều năm, do đồng USD tăng giá sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố có thể tăng lãi suất từ năm 2023...
Giá dầu thế giới giảm gần 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (17/6), tuột khỏi mức đỉnh của nhiều năm, do đồng USD tăng giá sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố có thể tăng lãi suất từ năm 2023.
Ngoài ra, theo tin từ Reuters, nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ dầu lại nổi lên khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng mạnh ở Anh. Bên phía nguồn cung, khả năng Iran sớm được tăng xuất khẩu dầu cũng gây áp lực giảm giá lên “vàng đen” trong phiên này.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London trượt 1,31 USD/thùng, tương đương giảm 1,8%, còn 73,08 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York sụt 1,11 USD/thùng, tương đương giảm 1,5%, còn 71,04 USD/thùng.
Trước đó, vào hôm thứ Tư, giá dầu Brent đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2019 và giá dầu WTI đạt đỉnh kể từ tháng 10/2018.
Phiên giảm ngày thứ Năm là phiên giảm mạnh nhất tính theo giá trị phần trăm của cả hai loại dầu kể từ tháng 5. Dù vậy, cả dầu Brent và dầu WTI đều đã tăng hơn 40% trong năm nay.
Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 4, với chỉ số Dollar Index đạt gần 91,9 điểm trong phiên ngày 17/6, một ngày sau khi Fed dự báo sẽ nâng lãi suất từ năm 2023 - sớm hơn 1 năm so với dự kiến trước đó. Dầu thô và các hàng hoá cơ bản khác được định giá bằng USD trong giao dịch quốc tế, nên khi USD tăng giá, các hàng hoá này chịu áp lực giảm giá.
Ngày 17/6, Anh báo cáo số ca nhiễm Covid-19 mới trong một ngày cao nhất kể từ hôm 19/2. Theo đó, nước này ghi nhận 11.007 ca nhiễm mới, so với con số 9.055 ca nhiễm mới của ngày hôm trước.
“Số ca nhiễm ở Anh tăng mạnh cho dù chiến dịch tiêm chủng của nước này được đẩy mạnh. Điều này đang đặt ra lo ngại liệu phần còn lại của châu Âu có thể sớm mở cửa trở lại”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc Oanda nhận định.
Cũng theo ông Moya, nhà đầu tư có thể đã nhận thấy “thời điểm chín muồi để chốt lời đối với dầu thô, nhất là nếu có thêm những nhận định lạc quan phát đi từ vòng đàm phán mới nhất về thoả thuận hạt nhân Iran”.
Đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Washington nhằm khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015 đang tiến gần tới kết quả, nhưng giữa hai bên vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ - nhà đàm phán hạt nhân cấp cao nhất của Iran nói ngày 17/6.
Tuy nhiên, một số nhà giao dịch cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống Iran vào ngày 18/6 có thể gây trở ngại cho cuộc đàm phán hạt nhân, và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu lửa Iran vì thế có thể duy trì. Một trong những ứng cử viên tiềm năng của cuộc bầu cử này ở Iran là chánh án Ebrahim Raisi, một người thuộc trường phái cứng rắn.
“Rất có khả năng cuộc đàm phán hạt nhân sẽ đổ vỡ nếu không có thoả thuận trước tháng 8, thời điểm mà Tổng thống hiện nay của Iran là ông Hassan Rouhani, một người thuộc phái cải cách, rời nhiệm sở”, chuyên gia Bob Yawger của Mizuho nhận xét.
Theo giới phân tích, nếu được dỡ trừng phạt, Iran có thể xuất khẩu thêm 1-2 triệu thùng dầu mỗi ngày.