Giá vàng miếng áp sát mốc 69 triệu đồng/lượng
Giới phân tích nhận định trong ngắn hạn giá vàng thế giới còn chịu áp lực giảm từ xu hướng tăng của tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ...
Giá vàng thế giới khởi động tuần giao dịch mới trong xu thế tăng, đưa giá vàng miếng trong nước sáng nay (11/9) lên gần mốc 69 triệu đồng/lượng. Giới phân tích nhận định trong ngắn hạn giá vàng thế giới còn chịu áp lực giảm từ xu hướng tăng của tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Lúc hơn 9h, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,83 triệu đồng/lượng (bán ra).
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu có giá 56,41 triệu đồng/lượng và 57,26 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,15 triệu đồng/lượng và 68,85 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 1.923,5 USD/oz, tăng 3,8 USD/oz, tương đương tăng 0,2%, so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu ở thị trường Mỹ - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Mức giá này tương đương khoảng 56,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Báo giá USD tại Vietcombank sáng nay là 23.890 đồng (mua vào) và 23.260 đồng (bán ra).
Như vậy, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn trên 12,6 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn chênh khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Áp lực mất giá đối với vàng thế giới đang dịu đi nhờ đồng USD giảm giá. Sáng nay, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,3%, còn gần 104,8 điểm. Hôm thứ Sáu, chỉ số vượt 105 điểm, mức cao nhất trong 10 tháng trở lại đây - theo dữ liệu từ FactSet.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định xu hướng tăng của đồng USD sẽ duy trì nhờ tăng trưởng kinh tế Mỹ đang mạnh hơn so với các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản hay châu Âu. Trong 1 tháng trở lại đây, Dollar Index đã tăng hơn 1,5% - theo FactSet.
Vàng được định giá bằng USD nên xu hướng tăng của USD gây áp lực giảm lên vàng.
Ngoài ra, vàng - tài sản không mang lãi suất - còn chịu áp lực mất giá từ đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đang dao động quanh mốc 4,3%, cách không xa mức đỉnh của 16 năm là 4,35% thiết lập vào cuối tháng 8.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 93% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9 và khả năng 43% Fed sẽ nâng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2023.
Theo nhà kinh tế trưởng Ilya Spivak của công ty Tastylive, nếu Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, “đó sẽ là điều tồi tệ nhất đối với vàng”.
Tuần trước, giá vàng giảm khoảng 1% sau 2 tuần tăng liên tiếp.
Tuần này, tâm điểm chú ý của giới đầu tư vàng là cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày thứ Năm, và các số liệu kinh tế Mỹ đặc biệt là dữ liệu lạm phát tháng 8.
Nếu các quan chức ECB bày tỏ quan điểm về nền kinh tế khu vực Eurozone, đà tăng giá của USD có thể được đẩy mạnh hơn, gia tăng sức ép mất giá đối với vàng.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sẽ được công bố vào ngày thứ Tư, tiếp đó là báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ năm. Các số liệu này được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyết định lãi suất của Fed trong cuộc họp diễn ra vào ngày 19-20/9.
Theo chiến lược gia trưởng George Milling-Stanley của State Street Global Advisors, cho dù báo cáo CPI cho thấy lạm phát tiếp tục giảm, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng hơn - vẫn đang phản ánh sự dai dẳng của lạm phát. “Nếu suy thoái kinh tế xảy ra mà lạm phát vẫn cao, vàng sẽ phát huy tốt vai trò kênh đầu tư an toàn”, ông nhận định.